TP.HCM giải bài toán 200km đường sắt đô thị đến 2035
VOV.VN - Theo Kết luận 49-KL/TW của Bộ Chính trị về “Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM”, từ nay đến 2035, TP.HCM sẽ triển khai xây dựng 200km đường sắt đô thị. Để thực hiện được mục tiêu trên, TP.HCM rất cần một cách làm mới, rất cần các cơ chế mới, chưa có tiền lệ và cả một thẩm quyền đủ mạnh để triển khai.
TP.HCM sẽ làm được 200km đường sắt đô thị, nếu…
Theo các chuyên gia, con số 200km đường sắt đô thị tới 2035 là rất khó khăn nếu như không có những cách làm mới. Thực tế tuyến metro số 1, tuyến đầu tiên mất đến 20 năm nên sẽ là “bất khả thi” nếu nói đến con số 200km mà vẫn với tư duy, cách làm cũ.
Các chuyên gia cho rằng, TP.HCM cần cách tiếp cận đa ngành chứ đây không phải là nhiệm vụ riêng của Ban Quản lý đường sắt đô thị. Việc triển khai xây dựng các tuyến metro ở các khâu từ quy hoạch, đền bù, giải tỏa hay vận hành có liên quan chặt chẽ với nhau.
Về vấn đề này, KTS Ngô Viết Nam Sơn đề nghị, trước khi triển khai các tuyến metro cần phải hoàn thành công tác đền bù, giải tỏa để đảm bảo tiến độ thi công. Bên cạnh đó cần hành lập tập đoàn đường sắt đô thị và tập đoàn TOD:
"Tôi nghĩ tập đoàn cốt lõi sẽ như một công ty cổ phần, và cổ phần viên đầu tiên sẽ là các sở, ban, ngành tham gia đề án. Tức là người lập đề án cũng là người thực hiện dự án và quản lý sau này", KTS Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ.
TS Phan Hữu Duy Quốc, người từng nhiều năm gắn bó với tuyến metro số 1 cho biết, qua kinh nghiệm làm metro 1 TP.HCM, nhiệm vụ 200km đến 2035 thoạt nhìn là “bất khả thi” nhưng nếu làm tốt công tác thử nghiệm và sớm bước vào tăng tốc thì có thể thực hiện được. Ví dụ TP Thẩm Quyến của Trung Quốc đã từng thực hiện được 250km đường sắt đô thị trong 5 năm, ông Phan Hữu Duy Quốc cho biết, đó chính là giai đoạn tăng tốc sau khi mọi cơ chế đã được thử nghiệm và xác minh tính đúng đắn.
"Chúng ta đang đặt mục tiêu tương ứng với giai đoạn tăng tốc của Thẩm Quyến, Thượng Hải, Bắc Kinh…của Trung Quốc trong khi chúng ta chưa bước vào giai đoạn thử nghiệm. Tôi đề nghị chúng ta nhanh chóng làm giai đoạn thử nghiệm và bước qua giai đoạn tăng tốc thì mới hy vọng trong 7 – 8 năm cuối thời gian Quốc hội cho phép chúng ta mới làm được. Chúng ta có thể làm được giai đoạn tăng tốc. Cho nên chắc chắn phải có giai đoạn thử nghiệm để từ đó rút kinh nghiệm và tăng tốc", TS Phan Hữu Duy Quốc chia sẻ.
Chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng dẫn chứng kinh nghiệm từ thực hiện Khu chế xuất Tân Thuận và Khu đô thị Phú Mỹ Hưng cho thấy, việc đưa người dân được hưởng lợi từ các dự án đã giúp cho người dân đồng thuận.
Do đó hiện nay khi đã có đề án 200km đường sắt đô thị với hàng trăm nhà ga thì TP cần phải tính “định cư” cho người dân bị ảnh hưởng để có thể được hưởng lợi từ dự án. Ngoài ra, TP cần phải xin các chính sách tổng thể để thực hiện dự án và cả bài toán tài chính với Trung ương.
Ông Phan Chánh Dưỡng ví dụ, khi làm một con đường đầu tiên có thể làm rất lâu. Nhưng khi làm xong con đường đó thì có thể dùng lực lượng con người đó làm 2 con đường, và lần thứ ba có thể làm 4 con đường cùng lúc. Do đó, nếu làm theo phương thức cuốn chiếu này thì mục tiêu “200km đường sắt đô thị đến năm 2035” có thể làm được: "Đây là phương thức cuốn chiếu, mỗi lần cuốn là 1 thành 2, 2 thành 4 và đào tạo con người cũng từ đây. Chính vì thế sau này chúng ta làm rất nhanh vì con người chúng ta có, cắt đôi nhân đôi. Và sau này có thể có sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào".
Tiếp cận đa ngành và xin cơ chế để thực hiện
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định, không chỉ liên quan đến đường sắt đô thị mà đối với các vấn đề khác, TP.HCM đều tiếp cận đa ngành, tổng thể theo mục tiêu phát triển bền vững và lấy người dân làm trung tâm. Khi xây dựng hệ thống metro, tư duy đa ngành được TP tiếp cận ngay từ đầu, trong đó Ban Quản lý đường sắt đô thị đóng vai trò thường trực, các sở, ngành liên quan phối hợp dưới sự chỉ đạo, điều hành của UBND TP.
Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định, TP sẽ không thay đổi mục tiêu hoàn thành 200km metro vào năm 2035 theo Kết luận 49. TP sẽ nỗ lực làm và có thể gia giảm 2 – 3 năm nhưng sẽ làm với tinh thần quyết tâm cao nhất. Đặc biệt, trong triển khai, TP.HCM không xin ngân sách Trung ương mà xin cơ chế tài chính để thực hiện. TP.HCM cần 10 tỷ USD để làm metro nhưng không phải cùng một lúc mà mỗi năm 1- 2 tỷ USD, TP có kế hoạch dòng tiền là giải quyết được vấn đề: "Chúng ta xin là xin cơ chế tài chính. Thứ hai là chúng ta làm thí điểm như thế nào. Không phải là làm xong dự án thí điểm rồi mới làm những phần còn lại, thì như vậy cũng không xong 200km trong vòng 11 – 12 năm. TP dự kiến làm thí điểm 1 – 3 năm, kể cả thí điểm trong giai đoạn chuẩn bị dự án. Khi xong giai đoạn chuẩn bị dự án thì chúng ta bắt tay chuẩn bị cho các gói còn lại".
Mới đây, Hội đồng tư vấn triển khai Nghị quyết 98 có văn bản gửi UBND TP.HCM; trong đó ủng hộ việc xây dựng một Đề án tổng thể quy hoạch 200km đường sắt đô thị cho TP.HCM để trình Bộ Chính trị, Quốc Hội phê duyệt. Trong đó có phân cấp, phân quyền cho thành phố quyết định đối với các dự án thành phần.
Hội đồng kiến nghị 5 nhóm giải pháp gồm nhóm cơ chế chưa có tiền lệ, phân quyền cho TP.HCM để phê duyệt từng đề án con; nhóm cơ chế tài chính; nhóm cơ chế hoạt động; nhóm cơ chế để phát triển công nghiệp hỗ trợ công nghiệp đường sắt đô thị và nhóm cơ chế tổ chức triển khai.
Hội đồng tư vấn triển khai Nghị quyết 98 cũng đề xuất nghiên cứu bổ sung thêm nhóm cơ chế, chính sách về đào tạo nguồn nhân lực, từng bước đáp ứng năng lực quản lý và tổ chức triển khai dự án trước, trong và sau khi đề án hình thành…Đặc biệt cần cải thiện năng lực quản trị nhà nước và năng lực của cán bộ công chức hiện nay để triển khai…