Kê khai tài sản là tiêu chí đánh giá cán bộ, đảng viên
VOV.VN -Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc diện kê khai tài sản theo quy định phải kê khai trung thực, đầy đủ, đúng thời hạn.
Để phát huy tác dụng tích cực của việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản trong công tác phòng, chống tham nhũng, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng thực hiện tốt một số công việc sau đây:
1. Tăng cường lãnh đạo để thống nhất nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị về kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản theo quy định của Đảng, Nhà nước. Qua đó, phát huy tính tự giác, trung thực và ý nghĩa trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong việc kê khai tài sản; phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản. Xác định việc kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản là tiêu chí để đánh giá cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu.
2. Lãnh đạo thực hiện nghiêm túc việc kê khai và công khai bản kê khai tài sản theo qui định của pháp luật. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc diện kê khai tài sản theo quy định của pháp luật phải kê khai trung thực, đầy đủ, rõ ràng, đúng thời hạn. Chi uỷ tổ chức việc công khai trong sinh hoạt chi bộ. Cấp uỷ tổ chức công khai bản kê khai của cấp uỷ viên trong sinh hoạt cấp uỷ. Hình thức, thời điểm, phạm vi công khai bản kê khai tài sản của cán bộ, công chức, viên chức khác thuộc diện phải kê khai thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
3. Lãnh đạo chặt chẽ việc kiểm tra, xác minh tài sản, theo phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong các trường hợp: Có tố cáo người thuộc diện phải kê khai tài sản không trung thực trong việc kê khai. Cần có thông tin phục vụ cho việc bầu cử, bổ nhiệm, bãi nhiệm hoặc kỷ luật đối với người thuộc diện kê khai tài sản. Có căn cứ cho rằng việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không hợp lý. Có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
4. Tăng cường lãnh đạo và tiến hành công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện quy định của đảng và Nhà nước về kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản. Xử lý nghiêm minh những cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân chậm tổ chức việc kê khai; không kê khai, kê khai không trung thực; không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm; không tổ chức việc công khai bản kê khai; không chủ động xác minh hoặc không xử lý kịp thời những vi phạm quy định về kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản.
5. Lãnh đạo tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản; quản lý bản kê khai tài sản; xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản của người có chức vụ, quyền hạn; kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn…Luật hoá các nội dung về minh bạch tài sản, thu nhập theo yêu cầu của Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng, bảo đảm phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Nghiên cứu áp dụng các biện pháp hỗ trợ công tác kiểm soát việc kê khai tài sản, hạn chế chi tiêu bằng tiền mặt…
6. Ban Nội chính Trung ương theo dõi việc thực hiện Chỉ thị này, định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí Thư./.