Khánh Hòa: Ký túc xá trăm tỷ xây xong để… cỏ mọc
VOV.VN -Các ký túc xá trăm tỷ được xây xong đang xuống cấp, nhưng đơn vị quản lý vẫn chưa tìm được giải pháp để thu hút sinh viên đến ở.
Tại tỉnh Khánh Hòa, 2 khu ký túc xá được đầu tư cả trăm tỷ đồng sau hơn 1 năm đưa vào sử dụng đến nay, 1 khu thì đang đóng cửa còn 1 khu thì chỉ thu hút được 1/3 công suất phòng thiết kế.
Ký túc xá sinh viên Nha Trang tại phường Vĩnh Hải, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa được đầu tư với kinh phí 65 tỷ đồng từ ngân sách, sau đó chuyển giao cho Trung tâm Quản lý nhà và chung cư, thuộc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa vận hành từ tháng 10/2013.
Ký túc xá Cao đẳng Y tế Khánh Hòa còn trống 1.500 chỗ ở |
Đây là khu ký túc xá quy mô với 4 khối nhà 5 tầng, đáp ứng gần 1.000 chỗ ở cho sinh viên, cùng các công trình đi kèm như: căng tin, nhà sinh hoạt chung, sân thể dục - thể thao... Sau 1 năm hoạt động, tuyến đường trước ký túc xá vốn nhỏ hẹp, đầy ổ gà đã được nâng cấp, tuyến xe buýt kết nối với các trường đại học, cao đẳng cũng đã được mở, hỗ trợ sinh viên đi lại. Thế nhưng đến nay, mới có khoảng gần 300 sinh viên đăng ký đến ở, đạt gần 1/3 công suất phòng, số còn lại thì bỏ trống.
Sinh viên Lê Kim Tân, Đại học Thông tin Liên lạc, cho biết: “Ở đây thì rộng rãi, thoáng mát, giá 108.000đ, điện, nước tính riêng, sinh viên thì cũng hơi rẻ. Ở trọ thường 1 phòng nằm ở giá 1 triệu đến 1,5 triệu đồng, chia ra 3 hoặc 4 người. Ở đây rẻ hơn được 3-4 lần, cũng rộng hơn ở ngoài”.
Thành phố Nha Trang hiện có hàng chục ngàn sinh viên đang theo học tại 10 trường đại học, cao đẳng. Nhu cầu lưu trú ký túc xá của các sinh viên là rất lớn. Vì thế, nhiều sinh viên và phụ huynh đã đến Ký túc xá Sinh viên Nha Trang để tìm hiểu nhưng sau đó đã không đến ở vì khu vực này cách xa các trường học từ 2 - 5 km, xung quanh trường lại ít có dịch vụ đi kèm, nằm cạnh ruộng đồng, dân cư thưa thớt.
Em Phạm Minh Phú, sinh viên Đại học Thông tin Liên lạc cho biết, cũng như nhiều sinh viên đang ở trong ký túc xá, em cũng đang phân vân. Ký túc xá ở hơi xa so với trường học, những hôm trời mưa đi học có vẻ vất vả, trời nắng thì cũng khá mệt, quanh đây quán xá ít, ăn uống phải đi xa ra tít ngoài chợ hơn 1km. Không có người, dân cư thì thưa, nhiều bạn không thích khu này, vì đồng không mông quạnh, các bạn sợ nhiều khi đêm đi học về muộn xảy ra vấn đề gì đó... nên không muốn ở.
Cách Ký túc xá sinh viên Nha Trang về phía Tây chừng 300m là Ký túc xá Cao đẳng Y tế Khánh Hòa cũng được Sở Y tế tỉnh này đầu tư, xây dựng với quy mô hoành tráng không kém, gồm 4 khối nhà 5 tầng, tổng mức đầu tư khoảng 77 tỷ đồng.
Cuối năm 2014, công trình này cũng được bàn giao cho Trung tâm Quản lý nhà và chung cư thuộc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa quản lý, nhưng từ đó đến nay luôn đóng cửa vì không có sinh viên đến ở. Hiện nay, công trình này cỏ dại um tùm, nhiều hạng mục bắt đầu sét gỉ, xuống cấp, nhưng hàng tháng ngân sách lại phải tốn kinh phí để trông coi, bảo vệ.
Ông Châu Ngọc Thanh Hùng, cán bộ Trung tâm Quản lý nhà và chung cư tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Ban Quản lý rất là khó khăn trong vận hành ký túc xá, hiện chưa có người ở nhưng vẫn có bảo vệ. Thiết bị để lâu không dùng sẽ hư hỏng”.
Theo quy hoạch của tỉnh Khánh Hòa, xung quanh 2 công trình ký túc xá sẽ có các trường đại học, cao đẳng. Lẽ ra, ký túc xá và cơ sở đào tạo phải đi vào hoạt động cùng lúc thì sẽ phát huy hiệu quả. Do gặp khó khăn trong quá trình đầu tư nên hiện nay việc đầu tư cơ sở đào tạo mới chỉ đang trong giai đoạn khởi động nên các ký túc đành phải bỏ không để chờ sinh viên.
Trước mắt, để thu hút sinh viên, tỉnh Khánh Hòa thiết lập tuyến xe buýt, giảm giá thuê phòng cũng như các dịch vụ đi kèm như căng tin, thể thao, giải trí. Thế nhưng, lượng sinh viên đến ở vẫn còn rất thưa thớt.
Ông Trần Phi Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý nhà và chung cư tỉnh Khánh Hòa thừa nhận: “Hiện qua mùa tuyển sinh rồi, nhưng chuẩn bị mùa tuyển sinh năm sau sẽ quảng bá nhiều hơn, hy vọng là tăng. Sinh viên có những nhu cầu tối thiểu trong điều kiện học hiện nay”.
Đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã phải bỏ ra hơn 140 tỷ đồng để đầu tư xây dựng và hàng trăm triệu đồng mỗi năm để quản lý, bảo vệ các ký túc xá. Chưa biết đến khi nào, 2 công trình ký túc xá mới đi vào hoạt động hết công suất, tránh lãng phí./.