Khu công nghiệp bỏ hoang, dân thiếu đất sản xuất
(VOV) -Đây là thực tế đang gây nhiều bức xúc cho người dân tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Hiện nay, các địa phương đồng bằng, ven biển ở tỉnh Thừa Thiên - Huế đều có quy hoạch khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Riêng 6 khu công nghiệp ở các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, 2 thị xã Hương Thủy và Hương Trà có tổng diện tích đất quy hoạch lên gần 2.200ha. Điều đáng nói là sau khi thành lập, các khu công nghiệp này không thu hút được nhà đầu tư, hầu hết là những bãi đất trống, hoang phí. Trong khi đó, người dân thiếu đất sản xuất.
Khu công nghiệp Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế được thành lập vào tháng 7/2009 với diện tích 400ha trên địa bàn các xã Phong Hòa, Phong Thu và thị trấn Phong Điền. Sau hơn 3 năm thành lập, khu công nghiệp này thu hút được 9 dự án đầu tư, trong đó, mới có 2 doanh nghiệp đi vào hoạt động với diện tích sử dụng chưa đầy 50ha.
Một góc KCN Phú Bài (Ảnh: Cổng TT Thừa Thiên - Huế) |
Tại Khu công nghiệp này, nhiều diện tích đất bỏ hoang lâu ngày, nên gần đây, người dân địa phương đã trồng sắn, tiếp tục sản xuất trên khu đất đã quy hoạch. Ông Nguyễn Hải, Trưởng thôn Trạch Tả, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền cho biết: Toàn thôn Trạch Tả có 186 hộ dân thì hơn 100 hộ phải nhường đất sản xuất cho Khu công nghiệp. Thế nhưng, đã nhiều năm trôi qua, việc kiểm đếm, đền bù hiện vật trên đất vẫn chưa được triển khai nên bà con ngày càng lo lắng.
Trong khi Khu công nghiệp Phong Điền thu hút được vài nhà đầu tư vào hoạt động, thì Khu công nghiệp Quảng Vinh, huyện Quảng Điền chưa hề có một dự án nào. Nơi đây, 150ha đang bỏ hoang, không tường rào, cổng ngõ, không cơ sở hạ tầng. Ông Nguyễn Đại Vui, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho hay: UBND huyện đã thực hiện các cơ chế chính sách thông thoáng, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp đến đầu tư nhưng khó khăn vẫn còn nhiều.
Theo ông Vui, địa bàn huyện Phong Điền nói riêng và Thừa Thiên - Huế nói chung khí hậu thời tiết không thuận lợi nên gặp khó khăn cho quá trình sản xuất kinh doanh. Một vấn đề nữa là cơ sở hạ tầng. Hiện nay, một số hạng mục quan trọng như xử lý nước thải, điện, đường giao thông… mặc dù có đầu tư nhưng vẫn “chưa đâu vào đâu”, nên việc thu hút nhà đầu tư cũng không thuận lợi.
Đến nay, mỗi khu công nghiệp ở tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ có vài ba dự án đi vào hoạt động, phần lớn diện tích đất bỏ hoang cho cỏ dại mọc um tùm. Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế, một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư không mặn mà đến Thừa Thiên - Huế là do cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ.
Ông Sơn cho biết: “Trên địa bàn tỉnh chỉ có Khu công nghiệp Phú Bài là hoạt động khá tốt, còn các khu công nghiệp khác chưa có nhà đầu tư hạ tầng. Vì vậy, việc kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp còn gặp nhiều khó khăn. Quy hoạch các khu công nghiệp với diện tích khá lớn, nhưng việc thu hồi, giao đất cho các dự án đầu tư còn nhỏ”.
Hiện nay, cả 6 khu công nghiệp ở tỉnh Thừa Thiên - Huế mới thu hút 76 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 9.000 tỷ đồng, trong đó 52 dự án đã đi vào hoạt động, tập trung hầu hết ở Khu công nghiệp Phú Bài.
Việc hình thành các khu công nghiệp để thu hút đầu tư, giải quyết việc làm cho người dân địa phương là điều cần thiết. Tuy nhiên, tình trạng dân thiếu đất sản xuất, trong khi đất các khu, cụm công nghiệp lại bỏ hoang chờ dự án, lãng phí tài nguyên là thực tế đang gây nhiều bức xúc cho người dân tỉnh Thừa Thiên – Huế./.