Kinh nghiệm thu nhận và điều phối giác mạc giữa Việt Nam và Singapore
VOV.VN - Ngày 15/10, tại tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm thu nhận và điều phối giác mạc giữa Việt Nam và Singapore, các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam và Singapore đã cùng chia sẻ về kinh nghiệm trong thu nhận, điều phối giác mạc. Đồng thời đào tạo kỹ thuật viên ngân hàng mắt và tập huấn công tác chăm sóc người bệnh cho điều dưỡng chuyên khoa mắt trong khuôn khổ chương trình.
Tại tọa đàm, các chuyên gia cùng nhau thảo luận, trao đổi chuyên môn lĩnh vực thu nhận, điều phối giác mạc hiến, với hy vọng mang đến cơ hội cho hơn 300.000 người bệnh bị mù do các bệnh lý về giác mạc tại Việt Nam.
Các chuyên gia đến từ Singapore giới thiệu và chia sẻ những mô hình vận hành ngân hàng mô hiện đại, được áp dụng thành công tại Singapore nói riêng và nhiều quốc gia trên thế giới nói chung, các nguyên tắc, chính sách, quy định điều phối để đảm bảo minh bạch, công bằng.
Những kinh nghiệm từ các chuyên gia Singapore là thông tin tham khảo quý giá để các nhà hoạch định chính sách, ban soạn thảo, các nhà vận động tại Việt Nam xây dựng và hoàn thiện các chính sách, quy tắc điều phối hiến tặng mô tạng nói chung và giác mạc nói riêng.
Chia sẻ kinh nghiệm về việc thu nhập giác mạc từ người hiến, TS. BS. Howard Cajucon Uy, Phụ trách Ngân hàng Mắt Singapore, Phó chủ tịch Hiệp hội ngân hàng Mắt Châu Á cho biết: “Việc thu nhận giác mạc hiến được ưu tiên lấy từ nguồn là những người qua đời tại các bệnh viện. Bởi qua các bệnh viện, đơn vị thu nhận sẽ biết được sức khỏe của người hiến, với các tiêu chí về bệnh lý, tiền sử bệnh tật… Các đơn vị làm việc trực tiếp với các điều dưỡng ở các bệnh viện để nắm được bệnh nhân qua đời có nguyện vọng hiến giác mạc. Hệ thống quản lý giường trong bệnh viện liên kết với hệ thống ngân hàng Mắt; để khi có các bệnh qua đời sẽ thông báo cho ngân hàng mắt. Đặc biệt, với gia đình người cho giác mạc thì đây là món quà, họ không hề có quyền lợi gì từ việc này”.
Theo ông Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Mắt Trung ương hiện nay, việc tuyên truyền vận động hiến giác mạc đang được truyền thông bằng nhiều hình thức như: Tổ chức các đợt khám mắt miễn phí, tôn vinh những gia đình có người hiến tặng, người thân của người hiến… Đặc biệt là việc tuyên truyền lấy giác mạc là chỉ lấy phần giác mạc, không lấy nhãn cầu, giữ cho người đã mất được lành lặn, đẹp đẽ nhất có thể.
“Hiện ở Việt Nam, đa số người nhà đều mong muốn đưa người thân đã mất từ bệnh viện về nhà. Khi người nhà đồng ý, các kỹ thuật viên mới có thể đến lấy giác mạc. Điều này khiến nguy cơ giác mạc hiến đã lấy nhưng không dùng được rất lớn vì nhiều người hiến mắc bệnh truyền nhiễm đường máu nhưng không có thông tin trước. Các kỹ thuật viên ngân hàng mắt thường phải tìm hiểu bệnh sử của người chết, qua người nhà, tìm hiểu xem họ nằm viện nào, nguyên nhân nằm viện… để biết chất lượng của giác mạc hiến”, ông Nguyễn Hữu Hoàng cho biết.
Theo PGS.TS Hoàng Thị Minh Châu, Giám đốc ngân hàng Mô Bệnh viện Mắt Hà Nội cơ sở 2, tọa đàm là tiền đề mở ra nhiều cơ hội hợp tác lâu dài với những quốc gia đi đầu về hoạt động của ngân hàng Mắt; tạo điều kiện cho các nhà hoạch định chính sách có thêm các góc nhìn rộng hơn trong hoạt động hiến, tặng giác mạc. Đây là bước đệm quan trọng để ngân hàng Mắt Việt Nam tiến xa hơn trên con đường phát triển, mang lại nhiều hi vọng cho bệnh nhân.