Kpă Si mon: Già làng mài chữ
VOV.VN - Từ lâu, anh em khu tập thể Đài TNVN tại Tây Nguyên gọi Kpă Simon, Phó giám đốc của mình, là già làng.
Cách gọi này lan ra cả bà con khu dân phố, cán bộ phường, và cả lãnh đạo hay các đồng nghiệp ở Hà Nội mỗi khi vào công tác cũng gọi anh một cách thân mật: già làng Tây Nguyên. Anh cười tủm tỉm.
Anh cao, to như Tây. Có lần anh rủ tôi đi mua dép, tìm mãi, đến một hàng nọ mới thấy một đôi vừa chân. Chị bán hàng tặng luôn đôi dép cho anh vì hai năm rồi không ai đi vừa đôi dép này.
Anh Kpă Simon |
Anh quen biết nhiều, lại rộng tính nên khách đến nhà thường xuyên. Có người ở luôn mươi ngày, nửa tháng; ai cũng được tiếp đãi cơm rượu vui vẻ, khi đi lại được dúi ít tiền tàu xe.
Mỗi lần anh đến một buôn làng nào đó đều như về buôn của chính mình. Vài ché rượu cần, mấy con gà, hoặc một con heo. Tất cả đều từ tiền túi của anh. Tiếng chiêng vang lên, người đến nhiều thêm, rồi những vòng xoang. Xuyên đêm, thủng ngày với những bài dân ca và lời khan.
Năm 1994, khi chuyển từ Phòng Văn hóa Thông tin huyện Ea Kar (Đắc Lắc) về làm biên dịch phát thanh viên chương trình tiếng Ja rai của Đài TNVN, anh đã tròm trèm 15 năm ăn gạo nhà nước từ nghề dạy học, tổ chức biểu diễn của Sở Văn hóa Thông tin, thậm chí dạy khiêu vũ… lắm phen lên bờ xuống ruộng. Nhưng nhờ 15 năm ấy mà vốn liếng về văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên của anh sâu thêm, dày lên. Anh thuộc Tây Nguyên như thuộc lòng bàn tay.
Con người với tính tình phóng khoáng như cây kơ nia, như chim kơ tia này, ít ai nghĩ sẽ gắn bó lâu dài với một nơi nào đó. Vậy mà nghiệp làm báo phát thanh đã cột chặt lấy anh.
Anh luôn lè kè bên mình cuốn vở học trò. Mấy chục năm nay vẫn vậy. Đọc báo, lúi húi ghi; nghe đài, xem ti vi chép; lắm lúc duyệt bản tin phát thanh, anh cũng cầm bút, lật vở ra ghi một vài từ mới, từ khó để tra cứu. Giữa ngón tay trỏ và ngón tay giữa của anh nổi lên hai nốt sần như hai vỏ lạc vàng cháy vì cầm bút và ám thuốc lá. Chắc chắn anh cũng không thể biết mình đã dùng hết mực bao ngàn cây bút bi? Những cuốn vở ghi chép kia cứ chất dày lên theo năm tháng. Từ tên của một nguyên thủ quốc gia, một tổ chức nào đó trên thế giới, hay tên một buôn làng ở Tây Nguyên. Tẩn mẩn ghi bằng chữ phổ thông rồi bằng chữ Ja rai. Gạch xóa, rồi ghi…
Đi, nghe, đọc và ghi chép hơn 20 năm ròng để rồi bắt tay vào công việc ít ai ngờ tới. Đó là biên soạn bộ từ điển dùng cho ngành phát thanh. Bộ từ điển Ja rai - Việt- Pháp, hay Việt -Ja rai trước đây chỉ xấp xỉ 11.000 từ.
“Bộ từ điển anh đang biên soạn lên đến trên 30.000 từ. Mình sẽ cố hoàn thành trước khi nghỉ hưu”, anh nói.
Anh đã làm điều gì thì hết mình với nó. Nhớ một lần tôi làm đạo diễn dựng một câu chuyện truyền thanh. Hôm ấy anh thể hiện. Kịch đang diễn ngọt đèn đỏ phòng thu tắt vụt. Anh diễn nhập vai quá: Đập bàn, rồi đứng dậy chỉ tay, quát! Cậu kỹ thuật viên giật thót, tưởng mình bị mắng nên vội kéo chiết áp bàn trộn xuống.
Những dịp tôi đến các buôn ở vùng sâu vùng xa, khi gặp những vị cao niên, hoặc những người am hiểu văn hóa của dân tộc Jơ rai, tôi thường ghi lại một vài bài dân ca, hoặc một câu chuyện cổ mang về làm quà cho anh. Một lần như thế ở Ayun Pa (Gia Lai) tôi bật máy, ghi âm lời kể một câu chuyện cổ chừng 30 phút. Xong việc, tôi hỏi người kể chuyện, ông bà hay bố mẹ đã kể cho anh câu chuyện này? - Ồ! Mình nghe Si mon kể trên đài. Hay quá nên nhớ và kể lại đó mà.
Anh đã nhận rất nhiều bằng khen, có lẽ đến vài ba chục. Một lần tôi đến buôn làng Ja rai ở Ia Pa (Gia Lai). Biết tôi người nhà đài cùng với Kpă Si mon, bà con ở đây hỏi: Si mon đau ốm gì hay sao mà cả tuần nay không nghe nó nói trên đài? Đây là tấm bằng khen không chữ ký và dấu đỏ.
Kpă Simon đến buôn người M' Nông |
Anh đã có cuộc trò chuyện thân mật, thấm đẫm tình người và lẽ phải với người mẹ đáng thương này bằng tiếng Ja rai. Chúng tôi ghi âm những lời tâm sự của bà về phát trên sóng phát thanh. Bà khuyên người dân ở các buôn làng đừng nghe theo lời thằng con ngỗ ngược, phản động của mình. Tôi nhớ mãi hình ảnh người mẹ già nua, lập cập tiễn anh xuống cầu thang gỗ ngôi nhà sàn cũ nát. Bà cầm tay anh, xúc động rân rấn nước mắt.
Lê Bích Phượng, đồng nghiệp của tôi sau chuyến đi này có loạt bài: “Những người thân của ngài “tổng thống” Ksor Kơk nói gì?” đoạt huy chương Vàng Liên hoan phát thanh toàn quốc và và giải B giải Báo chí quốc gia năm đó.
Kpă Si mon là thế, phóng khoáng với đời, nhưng tẩn mẩn và hết lòng với công việc. Đối với các chương trình phát thanh tiếng các dân tộc Tây Nguyên anh chăm chuốt từng li từng tý. Hiệu đính chuẩn từng câu chữ, nghe kỹ từng chương trình đã phát sóng để nhặt dần những hạt sạn. Anh thường đến phòng thu để hướng dẫn cách nén hơi, nhã chữ cho các phát thanh viên. Tin trong nước phải đọc khác với tin thế giới; đọc tin tai nạn khác với đọc tin được mùa. Diễn kịch, đọc truyện cổ lại càng phải khác nhau nữa.
Họp về chuyên môn, anh thường hay nổi cáu, to tiếng. Một lần anh nói: Chúng ta không ai tài giỏi cả, chỉ toàn người dốt. Tôi là người dốt nhất, nên cần phải đọc thật nhiều, nghe thật nhiều, ghi chép thật nhiều. Mình có hiểu tường tận, nói ra may ra người khác mới hiểu.
Nhờ anh mà việc dịch, đọc, diễn của các phát thanh viên, biên tập viên của Cơ quan thường trú Tây Nguyên chuẩn lên, hấp dẫn thêm. Cũng vì mục đích nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh này mà anh dồn tâm sức biên soạn bộ từ điển Ja rai-Việt.
“Đây sẽ là món quà tri ân tất cả mọi người, tất cả bạn nghe đài đã từng yêu giọng đọc, và diễn kịch sân khấu truyền thanh của tôi”, anh Kpă Simon tâm sự.
Nhớ hồi hai vợ chồng chúng tôi sau khi về quê cưới, vào Buôn Ma Thuột làm bữa cơm ra mắt hai cơ quan. Tôi mời, anh bảo: “Mày không được mời miệng như thế. Phải mua thiệp cho trịnh trọng. Mà thôi, ghi danh sách khách mời ra. Mọi việc anh lo cho”. Rồi anh mua thiệp, viết và gửi. Con gái tôi giờ đã là sinh viên năm thứ 2, đôi ba cái thiệp cưới năm nào tôi chưa gửi hết, vẫn còn giữ lại. Chữ của anh rắn rỏi. Chữ o viết rất tròn nhưng không kín miệng. Biểu hiện của con người ruột để ngoài bụng!?
Năm ngoái anh về quê xây cho cụ thân sinh ngôi nhà xấp xỉ 200 triệu đồng, năm nay anh lại xây cho cụ một công trình vệ sinh và giếng nước gần 70 triệu. Có lẽ đó là số tiền anh dành dụm được bấy lâu nay. Hiện anh đang ở căn phòng tập thể rộng mấy chục mét vuông, sáng ăn tô bún riêu, uống ly cà phê vỉa hè. Đi về trên chiếc xe máy cũ cũ quê quê./.