Kỳ tích làng hầm, địa đạo Vịnh Mốc
VOV.VN -Làng địa đạo Vịnh Mốc, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị giống như một tòa lâu đài cổ nằm im lìm trong lòng đất…
Trong chiến tranh, Đặc khu Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt của quân đội Mỹ. Với ý chí "một tấc không đi, một ly không rời", bám trụ bảo vệ quê hương và giữ thông mạch máu chi viện cho tiền tuyến, quân và dân Vĩnh Linh đã chuyển cuộc sống từ mặt đất xuống lòng đất, kiến tạo một hệ thống làng hầm đồ sộ với 114 địa đạo, dài hơn 40km cùng với hệ thống giao thông hào hơn 2.000km, nối thông các làng hầm với nhau. Trong đó địa đạo Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch là tiêu biểu nhất- một kỳ tích cho sự tồn tại để sống và chiến đấu, ngày này trở thành địa điểm tham quan nổi tiếng.
Trong Nhà trưng bày tại Khu di tích lịch sử địa đạo Vịnh Mốc, ngay trên tấm phù điêu lớn đặt trang trọng ở căn chính giữa khắc ghi dòng chữ: "to be or not to be- Tồn tại hay không tồn tại". Trước sự tàn phá hủy diệt của bom đạn chiến tranh, con người nơi đây muốn tồn tại chỉ có bỏ xứ mà đi hoặc “chui” xuống dưới lòng đất. Và trong những năm tháng ác liệt đó, quân và dân Vĩnh Linh đã chuyển sự sống xuống dưới lòng đất bằng việc đào hầm địa đạo.
Thương binh Lê Xuân Vy, nguyên Đồn trưởng Đồn công an vũ trang Vịnh Mốc được xem là “người hùng” của làng hầm địa đạo Vịnh Mốc. Bây giờ, ông Vy đã bước qua tuổi 85. Ông hào hứng kể lại chuyện đào hầm địa đạo của 50 năm trước. Ngày đó, Mỹ điên cuồng ném bom tàn sát với mức độ hủy diệt, mặt đất chi chít hố bom, hố pháo. Từ đây, quân và dân Vĩnh Linh ngày đêm đào hầm tránh bom đạn. Hầm đào trong nhà, lấy hầm làm nhà. Giao thông hào chằng chịt thay mọi nẻo đường trên mặt đất. Thôn nối thôn, xóm nối xóm, nhà nối nhà, hầm nối hầm... Không có dầu thắp đèn thì chẻ tre làm đuốc, lấy mảnh bom làm cuốc xẻng.
Gần 2 năm trời, chỉ với những cuốc, xẻng, xe cút kít được làm từ các mảnh bom đạn, quân và dân Vịnh Mốc đã tạo dựng được một ngôi làng dưới lòng đất.
Ông Lê Xuân Vy nhớ lại, lúc đông nhất trong địa đạo có khoảng 1.200 người trú ẩn: “Địch đánh dọc biển từ Bắc vào Nam thì ta đào địa đạo từ Đông sang Tây. Bom thả trúng cũng khó. Cho nên địa đạo có lý tưởng là đảm bảo 3 tính chất về địa hình, thời tiết khí hậu không ảnh hưởng đến địa đạo, dân rất thuần. Nếu nhà quân sự khi nghiên cứu địa hình phải đảm bảo 3 yếu tố này: thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.
Trong những năm tháng ấy, địa đạo Vịnh Mốc còn là nơi dự trữ hàng hóa tiếp tế cho chiến trường miền Nam và đảo Cồn Cỏ. Mỹ điên cuồng đánh phá, chặn đường ra đảo, nhiều người dân từ địa đạo Vịnh Mốc đã lập thành đội tiếp viện cảm tử, mở đường máu chở hàng chi viện cho đảo tiền tiêu. Đêm đêm, những con thuyền nhỏ âm thầm vượt mấy chục cây số chở hàng ra đảo.
Ông Hồ Triêm một trong những cảm tử quân ở thôn Vịnh Mốc kể lại: trong một lần mở đường máu vượt biển, ông cùng người anh trai là liệt sỹ Hồ Tỷ bị tàu địch đánh phá, thuyền bị chìm, anh Tỷ hy sinh, còn ông trôi dạt vào bờ sống sót. Gần 2 năm, ông cùng bà con Vịnh Mốc băng qua mưa bom, bão đạn thực hiện thành công 24 chuyến hàng tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ. Hàng ngàn tấn vũ khí, lương thực, vật dụng cũng được những chiếc thuyền gỗ nhỏ bé chở từ đất liền ra đảo. Sức mạnh ý chí và hành động quả cảm của người dân Vịnh Mốc đã biến những điều không tưởng thành hiện thực sinh động.
Ông Hồ Triêm kể: “Lúc đó giặc Mỹ đánh phá hết sức ác liệt. Bảo vệ an toàn cho nhân dân cho lực lượng dân quân, công an để chiến đấu bảo vệ bờ biển, chúng tôi càng tự hào, cho thấy sức mạnh của toàn dân trong thời kỳ chiến tranh. Chúng tôi đề nghị xây một bia công tích để ghi nhớ những đồng chí đã hy sinh xương máu trong thời gian vận chuyển hàng ra đảo, sau này con cháu biết”.
Trong những năm tháng ác liệt ấy, dưới những làng hầm địa đạo ở Vĩnh Linh đã có 60 em bé sinh ra và lớn lên. Riêng làng hầm địa đạo Vịnh Mốc có 17 cháu chào đời. Bây giờ, những “em bé’ sinh ra dưới lòng đất ấy đã vào tuổi 50. Chị Hồ Thị Hường, con gái ông Hồ Triêm, một trong 17 em bé sinh ra, lớn lên dưới lòng địa đạo Vịnh Mốc ngày ấy nay đã có chồng và sinh được 3 đứa con, trong đó 2 người con đã học xong đại học, đang làm việc trong ngành công an.
Chị Hường kể, nhiều cựu chiến binh Mỹ đến thăm địa đạo Vịnh Mốc đã cố tìm gặp những em bé sinh ra trong địa đạo để nói lời xin lỗi. Đến khi nhìn chúng tôi đều khỏe mạnh, vui tươi, họ đã bật khóc nói rằng: “Chúng tôi thật có lỗi với các bạn. Chúng tôi hiểu sâu sắc về quyền sống, quyền được làm người của các bạn, vì lẽ đó, chiến thắng thuộc về phía các bạn”. Nhưng chị có biết được gì nhiều, bởi ký ức về những năm tháng sống dưới lòng đất chị Hường chỉ biết qua lời kể của mẹ cha: “Bà ngoại kể khi sinh tôi ra thì cực khổ. Bom đạn bắn cả ngày, rồi tàu chiến ngoài biển bắn vào nữa. Chiến tranh thiếu thốn, nấu ăn khó, sinh hoạt cũng khó, mới biết công ơn ba mẹ sinh mình ra quá gian khổ”.
Hôm nay về thăm địa đạo Vịnh Mốc, mấy ai nghĩ rằng, gần 5 thập kỷ trước, nơi đây từng là một pháo đài thép, chống lại cuộc chiến tranh phá hoại khốc liệt của đế quốc Mỹ. Trên những hố bom, hố pháo ngày trước, nay đã xanh mướt những vườn tiêu trĩu hạt, rừng cao su xanh tươi mang lại ấm no cho bao gia đình. Địa đạo Vịnh Mốc hôm nay đã trở thành Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, ngày ngày đón nhiều đoàn du khách trong nước và quốc tế về tham quan tìm hiểu.
Trong cuốn sổ Lưu niệm tại Nhà trưng bày địa đạo Vịnh Mốc, một du khách người Đức bộc bạch suy nghĩ: “Tôi đã từng nghi ngờ về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Vì sao một đất nước nghèo và nhỏ bé như Việt Nam lại có thể chiến thắng một nước giàu có và lớn như nước Mỹ. Nhưng khi đến thăm địa đạo Vịnh Mốc, đi qua 70 mét đường hầm, tôi đã có câu trả lời cho nghi ngờ này”.
Làng địa đạo Vịnh Mốc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị giống như một tòa lâu đài cổ nằm im lìm trong lòng đất, ẩn chứa bao điều kỳ lạ về những con người đã làm ra nó.