Làm cao tốc kiểu phân kỳ: Nguy cơ lãng phí lớn

VOV.VN - Như VOVGT đã đề cập về tình trạng một số dự án đường cao tốc do yêu cầu phân kỳ đầu tư nên chỉ có 2 làn xe, không có dải phân cách cứng như: cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, Cam Lộ - La Sơn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi tham gia giao thông.

Trong đó, một số dự án đang được đề xuất đầu tư mở rộng, nâng cấp thêm 2 làn xe với vốn đầu tư tăng thêm hàng ngàn tỷ đồng. Nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về tính hiệu quả về mặt kinh tế của hình thức phân kỳ đầu tư trong các dự án đường cao tốc. 

Năm 2014, tuyến đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai có chiều dài 264km được đưa vào khai thác với quy mô 4 làn xe đoạn Nội Bài - Yên Bái. Đây là dự án thực hiện phân kỳ đầu tư 2 làn xe đối với đoạn Yên Bái - Lào Cai.

Sau hơn 8 năm vận hành, lưu lượng phương tiện tăng nhanh, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nên mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản đề xuất mở rộng đoạn Yên Bái- Lào Cai lên 4 làn xe, chiều rộng nền đường 23m với tổng mức đầu tư gần 9.000 tỷ đồng.

Chuyên gia giao thông Doãn Minh Tâm cho rằng, phân kỳ đầu tư dựa trên lưu lượng phương tiện và nguồn vốn đầu tư là chủ trương phù hợp trong điều kiện nguồn lực kinh tế hạn chế, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc xuyên suốt quá trình phân kỳ đầu tư đảm bảo các yếu tố về an toàn giao thông.

Xét ở góc độ bài toán kinh tế, ông Tâm cho rằng, tính tổng của vòng đời dự án, chi phí khi thực hiện đầu tư toàn bộ dự án có nhiều lợi thế hơn so với phương thức phân kỳ đầu tư:

"Tư vấn phải chỉ ra, đầu tư ngay từ ban đầu là tốt nhất vì có thuận tiện là sẵn thiết bị, chỉ có vốn đầu tư ban đầu cao. Còn đã phân kỳ thì phát sinh ra nhiều hạng mục, phải sửa chữa nên tốn kém hơn làm 1 lần, chi phí tính tổng ra sẽ đắt hơn, chỉ tính được giai đoạn nào đủ tiền mới làm tiếp", Chuyên gia giao thông Doãn Minh Tâm cho biết.

Theo Thạc sỹ Vũ Anh Tuấn, Giảng viên trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội, đánh giá hiệu quả dự án thực hiện phân kỳ đầu tư còn phụ thuộc vào yếu tố cung- cầu vận tải trên tuyến đường đó. Nếu nhu cầu vận tải gần sát với năng lực của hệ thống cơ sở hạ tầng của tuyến đường đó và ngay trong 5 năm đầu đã vượt quá con số dự báo (hay còn gọi mãn tải) thì việc thực hiện phân kỳ đầu tư không hiệu quả, phương án đầu tư toàn bộ ngay từ đầu là giải pháp tối ưu hơn.

Trong trường hợp đầu tư toàn bộ dự án khi nhu cầu vận tải của tuyến đường cao tốc không lớn cũng có thể gây ra sự lãng phí trong đầu tư. Thạc sỹ Vũ Anh Tuấn phân tích:

"Nếu chúng ta phân kỳ chính xác thì hiệu quả trong toàn vòng đời lớn hơn là chúng ta đầu tư ngay từ giai đoạn đầu. Nhưng nếu phân kỳ không hợp lý sẽ gây ra tình trạng nếu như đầu tư luôn từ đầu rẻ hơn so với đầu tư theo từng giai đoạn phân kỳ. Về mặt nguyên tắc phân kỳ nó đúng nếu xét theo vòng đời dự án vài chục năm. Đúng ở đây xét về mặt hiệu quả kinh tế xã hội, huy động vốn, tài chính cho vòng đời dự án. Nhưng nó cũng có thể sai nếu chúng ta tính toán các giai đoạn phân kỳ đó không phù hợp".

PGS.TS Nguyễn Việt Phương, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội không phủ nhận tính hiệu quả của phương thức phân kỳ đầu tư nhưng trong điều kiện chi phí ngày càng tăng hiện nay, tổng chi phí quy đổi của các giai đoạn đôi khi nhiều hơn khá nhiều so với đầu tư 1 lần nên cần thận trọng khi luận chứng phương án phân kỳ đầu tư.

Ông Phương bày tỏ quan điểm: "Đường cao tốc Bắc Nam quy mô 4 làn xe chưa đạt chuẩn như một số đoạn Cao Bồ - Mai Sơn – QL45 – Nghi Sơn – Diễn Châu – Bãi Vọt.

Bởi lẽ, những đoạn tuyến này có quy mô giải phóng mặt bằng đã đầy đủ 6 làn xe, hầm cũng đã đạt chuẩn, chi phí tiết kiệm phân kỳ chỉ tầm 10-15% tổng mức đầu tư, trong khi tốc độ cho phép giảm từ 120km/h xuống 80km/h, kèm theo một loạt nguy cơ về tai nạn giao thông, tổn thất thời gian…

Điều này đặt ra nghi ngại về tính hiệu quả, liệu phương án phân kỳ này đã được luận chứng một cách tổng thể chưa?"

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung Ương cho rằng, trong bối cảnh các dự án đầu tư đường cao tốc bị hạn chế về vốn đầu tư, thì vẫn cần thiết phải thực hiện ngay việc mở rộng mặt bằng, sau đó dần dần hoàn thiện việc xây dựng đường cao tốc để tránh tình trạng phát sinh chi phí giải phóng mặt bằng sau này.

Ông Lê Đăng Doanh đề xuất: "Theo tôi công bố công khai quy hoạch, công bố dự kiến tiến độ với các địa phương và thu hút tối đa các nhà đầu tư nước ngoài, trong nước theo hình thức PPP để thực hiện càng sớm càng tốt một cách có hệ thống quy hoạch đường cao tốc, trên cơ sở đó tránh được tối đa phân kỳ đầu tư làm tốn kém thêm chi phí. Chúng ta nên có sự đánh giá một cách toàn diện có hệ thống và nghiêm túc để rút kinh nghiệm cho việc phát triển đường cao tốc trong thời gian sắp tới".

PGS.TS Nguyễn Việt Phương cho rằng, thực hiện phân kỳ đầu tư đường cao tốc vẫn có thể thực hiện trong thời gian tới nhưng cần phải dựa trên đánh giá hiệu quả dự án một cách tổng thể.

Các dự án đầu tư đường cao tốc sắp tới cần được đầu tư 4 làn xe tiêu chuẩn theo quan điểm của Chính phủ và Quốc hội, đảm bảo chất lượng khai thác cao ngay từ giai đoạn 1 và sẽ bền vững 10-20 năm, giống như cao tốc đoạn Cầu Giẽ – Ninh Bình.

Một số tuyến cao tốc không nằm trên trục Bắc Nam, hiện cũng chưa có tuyến song song đáng kể, có thể xem xét phân kỳ đầu tư đường 2 làn xe, một dạng tiền cao tốc để tạo tuyến kết nối bước đầu phục vụ phát triển kinh tế xã hội vùng.

Phân kỳ đầu tư là nguyên tắc tắc cơ bản trong đầu tư trong điều kiện hạn chế về nguồn lực tài chính và nhu cầu giao thông còn ít. Việc phân kỳ đầu tư không chỉ đơn giản là có bao nhiêu tiền thì làm đến bấy nhiêu mà cần phải có sự tính toán, phân tích hiệu quả kinh tế- kỹ thuật- xã hội.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bình Dương và Bình Phước ký kết triển khai xây dựng cao tốc 
Bình Dương và Bình Phước ký kết triển khai xây dựng cao tốc 

VOV.VN - Hôm nay (12/3), lãnh đạo 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng đường cao tốc đi qua 2 địa phương. 

Bình Dương và Bình Phước ký kết triển khai xây dựng cao tốc 

Bình Dương và Bình Phước ký kết triển khai xây dựng cao tốc 

VOV.VN - Hôm nay (12/3), lãnh đạo 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng đường cao tốc đi qua 2 địa phương. 

Thông xe kỹ thuật đường nối Quốc lộ 32C với cao tốc Nội Bài - Lào Cai
Thông xe kỹ thuật đường nối Quốc lộ 32C với cao tốc Nội Bài - Lào Cai

VOV.VN - Đây là công trình đặc biệt, chào mừng kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020).

Thông xe kỹ thuật đường nối Quốc lộ 32C với cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Thông xe kỹ thuật đường nối Quốc lộ 32C với cao tốc Nội Bài - Lào Cai

VOV.VN - Đây là công trình đặc biệt, chào mừng kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020).

Cần nghiên cứu kỹ Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam
Cần nghiên cứu kỹ Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam

VOV.VN - Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của PTT Trịnh Đình Dũng về nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.

Cần nghiên cứu kỹ Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam

Cần nghiên cứu kỹ Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam

VOV.VN - Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của PTT Trịnh Đình Dũng về nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.