Lào Cai đưa gia súc xuống núi tránh rét

(VOV) - Gần nửa tháng nay, nhờ sự chủ động và biện pháp hợp lý, tỉnh này vẫn chưa có trường hợp trâu, bò nào bị chết rét.

Rút kinh nghiệm từ những vụ rét trước, ngay từ đầu vụ rét năm nay, người dân vùng cao Lào Cai đã chủ động che chắn lại chuồng trại và dự trữ thức ăn cho đàn trâu, bò. Cùng với rơm rạ, cỏ khô và thức ăn tinh bột tích trữ từ trước mùa rét thì nhiều gia đình còn chủ động chuẩn bị cả chất đốt để sưởi ấm cho trâu bò trong những ngày giá rét.

Có một biện pháp nữa cũng rất hiệu quả mà người dân vùng cao Lào Cai đang áp dụng - đưa đàn trâu bò xuống núi để tránh rét.

 

Lùa trâu xuống núi (ảnh: tinmoitruong)

Hơn hai tuần nay, gia đình chị Giàng Thị Pay ở thôn Chu Lìn 2 xã Trung Chải huyện Sa Pa di chuyển 4 con trâu vượt 30km về xã Cốc San huyện Bát Xát để tránh rét. "Nơi ở mới" chỉ là tạm bợ, nhưng chị Pay vẫn cố gắng khắc phục, bởi có như vậy thì mới đảm bảo an toàn cho “cơ nghiệp” của mình. 

Chị Giàng Thị Pay cho biết: “Nhà mình ở Tắc-Cô, rét quá, thì mình đuổi trâu xuống chỗ cây 13 cho trâu đỡ chết rét, trâu khỏe thì sang năm mình mới có trâu cày cấy, mới được ăn. Xuống đây vất vả quá, ngủ không ngon, ăn cũng không ngon và đi lại vất vả quá. Nhưng miễn sao trâu bò nó đảm bảo sức khỏe, nó không chết.”

Rét đậm kéo dài nên người dân vùng cao của huyện Sa Pa phải di chuyển đàn trâu bò đến vùng thấp, ấm hơn và chuẩn bị các điều kiện để phòng tránh rét cho trâu bò. Địa điểm mà họ thường đến là khu đất trống của xã Cốc San huyện Bát Xát, cách thị trấn Sa Pa gần 30 cây số. Hai năm nay, địa điểm này là chỗ mà hơn hai chục hộ dân với khoảng 100 con trâu, bò ở vùng cao Sa Pa xuống để tránh rét.

Anh Châu A Vàng - Thôn Chu Lìn 2 xã Trung Chải - Sa Pa - Lào Cai chia sẻ: “Trời rét quá tôi phải đuổi trâu xuống dưới này cho đỡ rét thì trâu nó không chết. Thì mới có trâu cày bừa, làm ruộng. Dưới này ấm hơn, có cỏ cho trâu ăn. Trên nhà mình rét quá, trâu không chịu được. Năm kia nhà tôi có một con trâu bị chết, năm ngoái và năm nay đuổi xuống dưới thấp này thì trâu không bị chết”.

Khi lùa trâu xuống núi, người dân thường chọn những bãi đất bằng phẳng, dưới những tán cây chắn gió, gần nơi có khe nước. Họ dựng lán trại và lấy tre, vầu, quây khu nuôi nhốt trâu, bò. Nơi ở của họ chỉ là lều bạt căng tạm, dưới đất lót áo mưa và tấm chăn cũ, nhưng có khi họ phải ở tạm như vậy đến hàng tháng trời.

Toàn tỉnh Lào Cai hiện có khoảng 125.000 con trâu, 17.000 con bò. Hai vụ rét năm 2008 và 2011 đã làm gần 34.000 con trâu bò bị chết rét và chết đói.

Năm nay, tỉnh Lào Cai sẽ không hỗ trợ kinh phí cho gia súc chết rét mà sẽ hỗ trợ bằng việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của người chăn nuôi trong việc chủ động các biện pháp chăm sóc gia súc trong mùa đông. Chính vì vậy mà đã gần nửa tháng nay, tuy thời tiết vùng cao rất khắc nghiệt, nhưng đến thời điểm này, trên địa bàn Lào Cai vẫn chưa có trường hợp trâu, bò bị chết rét. Việc áp dụng những kinh nghiệm của người vùng cao chống rét cho trâu, bò và sự nỗ lực của chính quyền địa phương sẽ góp phần giúp đàn gia súc ở Lào Cai được đảm bảo an toàn trong mùa đông này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đưa trâu bò từ vùng cao xuống vùng thấp tránh rét
Đưa trâu bò từ vùng cao xuống vùng thấp tránh rét

 Nhiều xã ở vùng cao tỉnh Lào Cai đã chủ động tổ chức đưa đàn trâu bò đi tránh giá lạnh theo phương cách này

Đưa trâu bò từ vùng cao xuống vùng thấp tránh rét

Đưa trâu bò từ vùng cao xuống vùng thấp tránh rét

 Nhiều xã ở vùng cao tỉnh Lào Cai đã chủ động tổ chức đưa đàn trâu bò đi tránh giá lạnh theo phương cách này

Người Hà Nội cho trẻ “sơ tán” tránh rét
Người Hà Nội cho trẻ “sơ tán” tránh rét

(VOV) -Do rét đậm, rét hại nên nhiều gia đình có trẻ nhỏ cho các cháu nghỉ học hoặc về quê tránh rét…

Người Hà Nội cho trẻ “sơ tán” tránh rét

Người Hà Nội cho trẻ “sơ tán” tránh rét

(VOV) -Do rét đậm, rét hại nên nhiều gia đình có trẻ nhỏ cho các cháu nghỉ học hoặc về quê tránh rét…