Lao động trên 35 tuổi khó tìm việc vì thiếu kỹ năng, không được đào tạo liên tục
VOV.VN - Theo Báo cáo thị trường lao động tháng 8 của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, nhu cầu tìm việc làm của nhóm lao động từ 35 tuổi trở lên khá cao, chiếm 40,95%, chỉ sau nhóm từ 25-34 tuổi (chiếm 48,86%). Tuy nhiên, lao động ở độ tuổi trung niên có thể gặp khó khăn khi tìm việc trên thị trường lao động hiện nay.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, nguyên nhân do thị trường lao động ngày càng cạnh tranh và thay đổi nhanh chóng. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và tự động hóa đã thay đổi nhiều ngành nghề, khiến cho những kỹ năng truyền thống mà lao động trung niên sở hữu trở nên lỗi thời. Các công việc hiện đại thường yêu cầu kỹ năng sử dụng công nghệ mới mà lao động trung niên có thể thiếu. Thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng cho thấy có đến 70% các vị trí tuyển dụng yêu cầu người lao động phải có kỹ năng công nghệ/tin học văn phòng. Đây là thách thức lớn với lao động trong quá trình tìm việc.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, lao động trên 35 tuổi cũng đang gặp những cạnh tranh khá lớn với nhóm lao động trẻ được đào tạo mới, có năng lực sử dụng công nghệ và sẵn sàng làm việc với mức lương thấp hơn.
Bên cạnh đó, việc thiếu kỹ năng và đào tạo liên tục, do không có cơ hội, hoặc khả năng tiếp cận với các chương trình đào tạo liên tục và cập nhật kém hơn cũng là hạn chế của lao động trung niên khi tìm việc. Việc này khiến họ khó cạnh tranh với lao động trẻ hơn trong các ngành nghề đòi hỏi kỹ năng mới.
Mặt khác, hiện vẫn thiếu các chính sách và chương trình hỗ trợ đặc thù cho lao động trung niên trong việc tìm kiếm việc làm, và nâng cao kỹ năng.
Theo ông Vũ Quang Thành, các chính sách này cần tập trung vào việc đào tạo lại, tạo điều kiện cho họ tham gia vào các ngành nghề mới và hỗ trợ tài chính trong quá trình chuyển đổi nghề nghiệp. Ngoài ra, lao động trung niên cũng cần thích ứng với xu hướng làm việc mới. Một số lao động trung niên có thể chọn con đường làm việc tự do hoặc khởi nghiệp như một cách đề duy trì thu nhập và phát triển sự nghiệp.
Những lĩnh vực như tư vấn, đào tạo và dịch vụ chuyên môn có thể phù hợp với kinh nghiệm và kỹ năng của họ. Một số lao động trung niên có thể tìm kiếm các công việc bán thời gian, hoặc công việc tạm thời để duy trì thu nhập và có thêm thời gian để học hỏi, phát triển kỹ năng mới.
Đối với doanh nghiệp, ông Thành cho rằng nên có các chương trình đào tạo nội bộ để nâng cao kỹ năng cho lao động từ 35 tuổi trở lên, giúp họ cập nhật những kiến thức và kỹ năng mới cần thiết cho công việc.
Còn tại thị trường lao động khu vực TP.HCM, ông Đàm Trung Hiếu, Phó Trưởng Phòng Quản lý Lao động Ban Quản lý các Khu chế xuất- Công nghiệp TP HCM cho biết, nhu cầu tuyển dụng tại các doanh nghiệp hiện nay cần tổng số lao động là 7.392 người. Trong đó, có 1.005 lao động có trình độ đại học trở lên, tập trung ở các doanh nghiệp ngành công một nghệ thông tin, công nghệ cao; lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp là 650 người; lao động phổ thông là 5.698 người, chủ yếu ở các doanh nghiệp ngành may mặc (3.402 người).
Ông Đàm Trung Hiếu cho hay, hiện nay, phần lớn doanh nghiệp đều quan tâm tổ chức đào tạo, huấn luyện người lao động khi vào làm việc để đáp ứng yêu cầu hoạt động sản xuất - kinh doanh của đơn vị. Nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đào tạo, bồi dưỡng lao động Việt Nam để bố trí, sử dụng vào các vị trí chức danh công việc quản lý như tổ trưởng, chuyền trưởng, quản đốc, trưởng phòng ban, giám đốc... được chủ doanh nghiệp đưa sang công ty mẹ ở nước ngoài để đào tạo ngắn hạn, dài hạn nhằm nâng cao trình độ, từng bước thay thế chuyên gia nước ngoài. Tổ chức đào tạo cho người lao động trước khi vào làm việc, trang bị kiến thức về pháp luật lao động và văn hoá ứng xử trong lao động, góp phần giúp người lao động nắm vững pháp luật lao động, có tác phong làm việc trong mỗi trường công nghiệp và hành xử theo các qui định của luật pháp Việt Nam.
Hiện nay Ban Quản lý các Khu Chế xuất - Công nghiệp TP.HCM đang phối hợp cùng doanh nghiệp đào tạo một số lĩnh vực như: Công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI); internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), giải pháp phần mềm công nghệ thông tin, quản trị mạng, an ninh mạng, điện toán đám mây, thiết kế đồ họa, công nghệ Web, cơ khí – ô tô, tự động hóa, cơ điện tử, kỹ thuật điện tử, kỹ thuật cơ điện tử, điện tử công nghiệp, điện – điện tử, kỹ thuật điện công nghiệp – dân dụng, kỹ thuật lắp đặt điện, điều khiển công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, logistics…
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn TP.HCM cũng chú trọng công tác đào tạo lại, nâng cao tay nghề cho người lao động, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp.
“Chúng tôi thí điểm tổ chức liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp ở các nội dung: chương trình, giáo trình đào tạo, thời gian thực hành tại doanh nghiệp, vật tư tiêu hao với tiêu chí đào tạo 50% thời lượng lý thuyết và thực hành cơ bản tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp; 50% thời lượng thực hành chuyên sâu tại các doanh nghiệp. Khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục vận hành mô hình này trong việc đào tạo tại đơn vị.
Để giữ chân người lao động phải đảm bảo về tiền lương, song song đó đảm bảo các nhu cầu sống như nhà lưu trú, nhà trẻ, chăm sóc sức khỏe”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh Văn phòng Bộ LĐ-TB-XH cũng nhận định rằng, trong bối cảnh của nền công nghệ số, chuyển đổi số, chúng ta đang đối mặt với khó khăn trong tiếp cận người lao động. Tỉ lệ người lao động qua đào tạo hiện nay rất cao nhưng tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ lại không cao. Nguyên nhân do một phần doanh nghiệp tự đào tạo cho người lao động sau khi tuyển dụng song họ không có chức năng cấp bằng cấp, chứng chỉ cho người lao động đó. Bên cạnh đó, một số nghề, lao động đang thu hút lao động nhưng chưa được định danh như chạy xe công nghệ, giao hàng…
Mặt khác, lao động đang có sự dịch chuyển về địa lý. Cụ thể người lao động đang có sự dịch chuyển dần về các địa phương. Với cùng một mức lương, người lao động có xu hướng chọn về các địa phương có mức sống thấp hơn. Do vậy, các doanh nghiệp trong lĩnh vực thâm dụng lao động cũng đang có xu hướng dịch chuyển nhà máy về các địa phương để tận dụng nguồn lao động.
Do vậy, để đạt hiệu quả tuyển dụng, ông Thắng nhấn mạnh rằng, bên cạnh chính sách về tiền lương, doanh nghiệp phải có các phúc lợi như nhà ở, nhà trẻ, song song với đó là họ phải được tôn trọng và có cơ hội phát triển.
Đặc biệt, hiện cả nước có 1.886 cơ sở đào tạo nghề trên cả nước, hoàn toàn đủ điều kiện đào tạo cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần liên kết với các cơ sở đào tạo này để đào tạo người lao động để có được lực lượng lao động có tay nghề.