Lập thôn 10 năm vẫn chưa có đường dẫn điện

VOV.VN - Gần 10 năm kể từ khi được thành lập tới nay, thôn Bình Tân, xã Ia Pia, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai vẫn không được đầu tư đường truyền tải điện.

Hơn 70  hộ dân trong thôn tự bỏ tiền kéo đường điện để phục vụ sinh hoạt. Tuy nhiên, đường dây điện tạm bợ này không đủ phục vụ nhu cầu sử dụng, mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Đường dây dẫn điện người dân thôn Bình Tân tự kéo có đoạn thấp cách mặt đất nửa mét.

Mặc dù chỉ sử dụng 1 bóng điện thắp sáng, 1 nồi cơm và 1 tủ lạnh loại nhỏ, nhưng hàng tháng, gia đình anh Trần Anh Hoàng ở thôn Bình Tân, xã Ia Pia, huyện Chư Prông phải chi trả xấp xỉ 1 triệu đồng tiền điện. Lý do là thôn Bình Tân không có đường truyền tải điện. Đường dây dẫn điện hiện nay là do 72 hộ dân trong thôn đóng góp, tự kéo về để phục vụ sinh hoạt.

Anh Hoàng cho biết, đường dây người dân tự kéo không đảm bảo khiến lượng điện hao hụt rất cao. Thêm vào đó, đường truyền này cũng không tải đủ điện cho nhu cầu sử dụng của bà con trong thôn. Vào giờ cao điểm từ 7 giờ tới 9 rưỡi tối, bóng điện trong nhà anh Hoàng và các hộ ở cuối đường dây thường đỏ quạch, không đủ thắp sáng. Có điện mà như không, các con anh Hoàng phải thắp đèn để học bài:

 “2 tháng vừa rồi tôi nộp gần 2,2 triệu đồng tiền điện. Thực ra, theo đồng hồ lắp tại gia đình thì thấy cứ 100 KW điện thì bị hao 33 KW. Làm đội giá điện lên quá cao. Nhiều lần chúng tôi đề nghị điện lực thu theo chỉ số công tơ tại các hộ gia đình, nhưng không biết tới khi nào họ mới đồng ý”, anh Hoàng nói.

Ông Trần Văn Đẩu, trưởng thôn Bình Tân, xã Ia Pia cho biết, đường dây điện tự đầu tư của người dân trong thôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Dẫn điện từ trụ cao thế về thôn Bình Tân có 3 đường dây. Trung bình gần 25 hộ dân chung nhau 1 đường truyền. Từ đường dây chính này về các xóm, các hộ dân, dây điện được giăng mắc chằng chịt qua các trụ điện bằng tre, gỗ rất tạm bợ. Nhiều đường dây chạm qua mái nhà, chạm ngang thân cây. Thậm chí có đoạn võng thấp chỉ cách mặt đất nửa mét rất nguy hiểm và tiềm ẩn nguy cơ cháy, chập điện cao.

Đường dẫn điện chạm đầu người rất nguy hiểm.

Ông Đẩu cho biết, vì đây là đường dẫn điện người dân tự kéo nên từ việc tu sửa tới bồi thường những rủi ro về điện, người dân cũng phải tự chịu trách nhiệm: “Năm ngoái, vào mùa mưa xảy ra nhiễu điện làm chết 1 con bò. Bà con phải góp 7 triệu để bồi thường cho người dân. Bà con phải cảnh giác chỗ đó, có vấn đề gì phải thuê người xuống sửa điện. Đường điện mình tự bắc phải bỏ tiền, điện lực không chịu”.

Điện sử dụng cho nhu cầu thiết yếu không đủ, nên để phục vụ sản xuất, các hộ trong thôn phải sử dụng máy nổ, máy bơm bằng dầu. Mong mỏi về một hệ thống truyền tải điện đảm bảo an toàn và đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện cho cuộc sống và sản xuất, người dân thôn Bình Tân đã nhiều lần làm đơn kiến nghị gửi UBND huyện Chư Prông và Công ty Điện lực Gia Lai.

Ông Võ Công Hiền, phụ trách truyền thông Công ty Điện lực Gia Lai, thuộc Tổng Công ty Điện lực Miền Trung cho biết, chi phí đầu tư đường truyền tải điện tới thôn Bình Tân ước tính khoảng 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc này đã được phê duyệt tại Quyết định 2081/QĐ-TTg về Phê duyệt chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020 ngày 8/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Dù hiện nay, dự án theo quyết định này chưa biết tới khi nào mới triển khai tới Gia Lai, nhưng để tránh chồng chéo, đơn vị sẽ không đầu tư đường truyền tải điện về đây.

Đường dẫn điện giăng mắc chằng chịt qua các trụ điện bằng tre, gỗ rất tạm bợ, nguy cơ gãy đổ cao vào mùa mưa.

Ông Hiền nói: “Nếu không có Quyết định 2081/QĐ-TTg thì ngành điện sẽ triển khai ngay. Nhưng nếu điện lực triển khai thì chồng chéo. Ngành điện làm việc về dự án 2081/QĐ-TTg thì họ nói chưa có tiền, khi có tiền mới triển khai. Chúng tôi sẽ tiếp nhận thông tin từ báo chí để làm việc với các sở ban ngành về vấn đề này”.

Thôn Bình Tân, xã Ia Pia, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai cách đường điện cao thế 700 mét, nhưng gần 10 năm nay, việc có một đường truyền dẫn điện đảm bảo an toàn và đủ phục vụ nhu cầu cuộc sống của người dân vẫn là ước mơ xa vời. Người dân nơi đây rất cần tới sự quan tâm hơn nữa từ chính quyền và đơn vị kinh doanh điện tại địa phương để ước mơ ấy trở thành sự thật./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

 Cắt nhầm dây điện, 1 phụ nữ tử vong
Cắt nhầm dây điện, 1 phụ nữ tử vong

VOV.VN -Đi cắt cỏ cho bò ăn, một phụ nữ ở Tiền Giang đã cắt nhầm dây điện nên bị giật tử vong.

 Cắt nhầm dây điện, 1 phụ nữ tử vong

Cắt nhầm dây điện, 1 phụ nữ tử vong

VOV.VN -Đi cắt cỏ cho bò ăn, một phụ nữ ở Tiền Giang đã cắt nhầm dây điện nên bị giật tử vong.

Rơi dây điện hạ thế, người đi đường chết oan
Rơi dây điện hạ thế, người đi đường chết oan

VOV.VN -Nạn nhân là ông Trần Minh Chung, đi xe máy qua khu vực tổ 5, thôn Trà Tây thì bất ngờ đường dây điện hạ thế bị đứt, rớt xuống mắc vào cổ

Rơi dây điện hạ thế, người đi đường chết oan

Rơi dây điện hạ thế, người đi đường chết oan

VOV.VN -Nạn nhân là ông Trần Minh Chung, đi xe máy qua khu vực tổ 5, thôn Trà Tây thì bất ngờ đường dây điện hạ thế bị đứt, rớt xuống mắc vào cổ