Lòng tự trọng nhìn từ chuyện "giàu thật - nghèo giả"
VOV.VN - Người có cuộc sống khó khăn thì xin thoát nghèo, nhiều hộ kinh tế khá giả thì lại chạy vào hộ nghèo. Đáng nói, có người là người nhà của lãnh đạo đã lợi dụng để lấy đi “miếng ăn” của người nghèo.
Câu chuyện của cụ bà Đỗ Thị Mơ ở xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá đạp xe đến xã xin thoát nghèo đến nay vẫn khiến chúng ta phải suy nghĩ về giá trị của lòng tự trọng. Sống một mình trong căn nhà cấp 4, rộng chừng 20m2, cuộc sống và thu nhập hàng ngày của bà Mơ phục thuộc vào đàn gà, vườn rau, nhưng suy nghĩ của bà thì bình thản.
“Đến bây giờ khỏe mạnh được thế này cũng là hạnh phúc của tôi. Hạnh phúc không phải mình giàu có mới là hạnh phúc mà là sống có văn hóa, sống có tình làng nghĩa xóm”, bà Mơ nói.
Từ chuyện của cụ bà Đỗ Thị Mơ xin thoát nghèo, 14 hộ dân tộc thiểu số ở huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình, 49 hộ ở huyện Đăk Tô tỉnh Kon Tum và mới đây là tại huyện biên giới Quan Sơn tỉnh Thanh Hoá, 131 hộ gia đình dân tộc thiểu số đã viết đơn “Đề nghị xin thoát nghèo, thoát cận nghèo” gửi chính quyền địa phương với mong muốn được thoát khỏi hộ nghèo.
Mỗi năm có nhiều người thoát nghèo, nhưng câu chuyện của bà Mơ và hàng chục hộ đồng bào dân tộc thiểu số vừa nêu thì lại khác. Vượt qua ranh giới của sự xét duyệt, bầu bán, hay tính toán được – thua, họ xin thoát nghèo là vì giá trị thực của cuộc sống. Bởi lẽ, kinh tế có thể vẫn còn khó khăn, nhưng tấm lòng nhân ái, biết chia sẻ và yêu thương mới là lẽ sống.
Nghèo là thế nhưng họ giàu lòng tự trọng, biết quý trọng giá trị thực cuộc sống, không “xin được nghèo” để rồi đánh đổi giá trị, nhân cách vì lợi ích cá nhân. Bởi thực tế, không khó để điểm qua chuyện lãnh đạo xã ở Thanh Hóa hay Quảng Bình bị kỷ luật, thậm chí mất chức vì để “lạc” vợ con vào danh sách hộ nghèo nhằm nhận ưu đãi, hưởng các chính sách của nhà nước. Hay chuyện 12 con dê “đi nhầm” vào nhà Bí thư huyện ủy; chuyện cán bộ, lãnh đạo cắt xén tiền của hộ nghèo cho vào túi mình…
Để rồi, khi được hỏi vì sao nhà có điều kiện vẫn xin vào hộ nghèo. Và đây là cách giải thích “xin được nghèo” của một trường hợp ở Quảng Xương, Thanh Hóa: “Hỏi ý kiến trong thôn thì biết là ngân hàng có hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp thì chúng tôi muốn vậy thôi. Chúng tôi đầu tư nghề với số tiền lớn nên muốn được ngân hàng hỗ trợ theo dạng hộ cận nghèo để lãi suất giảm đi”.
Phần lớn những người có của ăn, của để xin vào hộ nghèo để được hưởng chế độ hoặc được hưởng ưu đãi khi vay vốn ngân hàng mà họ không ý thức được rằng: 1 nhà giàu hoặc có điều kiện hơn lọt vào hộ nghèo cũng đồng nghĩa với 1 hộ nghèo mất đi quyền lợi. Hơn thế nữa, điều này còn làm sai lệch, đi ngược chế độ, chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Rõ ràng, việc bầu chọn, bình xét trên cơ sở tiêu chí hộ nghèo ở các địa phương đang có vấn đề. Có việc “xin - cho hộ nghèo” của một bộ phận cán bộ, lãnh đạo - những người đúng ra phải cầm cân, nẩy mực, liêm chính thì lại làm điều ngược lại.
Ông Trần Xuân Lờ, Phó Chủ tịch phụ trách UBND xã Quảng Nham huyện Quảng Xương, một trong những địa phương có nhiều gia đình giàu lọt vào hộ nghèo thừa nhận: Việc bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo của địa phương còn nhiều bất cập.
“Không đúng đối tượng, những hộ cận nghèo xét chưa chính xác là do bình xét chưa chính xác. Việc này Đảng, Nhà nước đang khuyến khích người tốt, việc tốt, chúng tôi cũng hết sức thấm nhuần”, ông Trần Xuân Lờ nói.
Xử lý những cán bộ, đảng viên tiếp tay cho câu chuyện “giàu thật, nghèo giả” ở Thanh Hoá, tại kỳ họp thứ 12, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa khóa XVII (nhiệm kỳ 2016-2021), ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa đề nghị phải báo cáo rõ ràng trước cử tri về việc xử lý những cán bộ liên quan khi để “nhà giàu lọt vào hộ nghèo”.
“Kết quả xử lý những hộ nào được đưa vào hộ nghèo, cận nghèo nhưng không đảm bảo tiêu chí, quy định thì đã xử lý thế nào. Cán bộ chỉ đạo từ cấp thôn trở lên thì cấp ủy đã xử lý thế nào. Vừa rồi tổ chức đại hội thì một số người không đảm bảo tiêu chuẩn vì vi phạm điều này thì đã đưa ra khỏi danh sách từ đoàn chủ tịch, tái cử, cấp ủy… để nhân dân, đội ngũ cán bộ biết, toàn tỉnh biết và làm cho đúng. Những điều này là không thể chấp nhận được, quy định nhà nước thế nào thì phải làm thế, sai phải xử lý, đó là nguyên tắc”, ông Trịnh Văn Chiến chia sẻ.
Những cán bộ, đảng viên để xảy ra sai phạm hoặc tiếp tay cho hộ khá giả lọt vào hộ nghèo hoặc bị đưa ra khỏi danh sách nhân sự đại hội nhiệm kỳ mới, kỷ luật hoặc cách chức, được xử lý kịp thời. Thế nhưng, qua chuyện này cho thấy, vật chất là đáng quý, nhưng sống tự trọng mới là điều được trân quý và trao truyền./.