Luật BHXH (sửa đổi): Lo ngại tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH
VOV.VN - Hôm nay (27/5), Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tập trung các nội dung: Lựa chọn phương án về quy định rút BHXH một lần, cải cách tiền lương, mở rộng đối tượng tham gia BHXH, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về trốn đóng, nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội…
Nội dung được đại biểu Quốc hội góp ý nhiều nhất đối với dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) liên quan đến lựa chọn quy định rút BHXH một lần, theo đó, Ban soạn thảo thiết kế 2 phương án trình Quốc hội quyết định việc rút BHXH một lần, gồm:
Phương án 1, người lao động có thời gian đóng BHXH trước khi Luật có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu được rút BHXH một lần. Người bắt đầu đi làm và tham gia hệ thống từ sau 1/7/2025 không được rút BHXH một lần, trừ trường hợp theo quy định.
Phương án 2, người lao động chỉ được rút BHXH không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng chế độ BHXH.
Các đại biểu cho rằng, đây là vấn đề khó, còn nhiều ý kiến khác nhau và liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhiều người lao động trong thời điểm hiện tại và khi hết tuổi lao động. Đa số ý kiến đại biểu tán thành với Phương án 01.
Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý, Đoàn Đồng Nai cho rằng: “Phương án 1 có ưu điểm là đảm bảo kế thừa quy định của Luật bảo hiểm xã hội hiện hành, không tạo ra sự xáo trộn trong xã hội, tránh được những phản ứng ngừng việc tập thể của người lao động. Về lâu dài, người tham gia mới sẽ không còn được hưởng BHXH một lần nên góp phần gia tăng số người ở lại hệ thống để được thụ hưởng các chế độ BHXH từ chính quá trình tích lũy của mình, giảm gánh nặng cho xã hội, ngân sách Nhà nước, giảm dần nghịch lý người lao động hưởng BHXH một lần khi vẫn còn trong độ tuổi lao động”.
Đóng góp ý kiến về nội dung xử lý vi phạm về tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng làm rõ nội hàm, tách riêng các điều quy định về từng hành vi và biện pháp xử lý chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, cần quy định chặt chẽ và có tính khả thi. Đối với việc xử lý các hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, đại biểu Lê Thị Thanh Lam, đoàn Hậu Giang và đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh, Đoàn Quảng Nam đề nghị: nên có quy định về trách nhiệm tổ chức kiểm tra chặt chẽ hơn. Vì thời gian qua vấn đề trốn đóng, chậm đóng và đặc biệt là nợ bảo hiểm xã hội rất cao, thiệt thòi quyền lợi cho người lao động, ảnh hưởng đến quyền lợi và phải bắt người lao động là phải ra tòa bởi vì quyền lợi của mình, từ luật dân sự, Luật hình sự nhưng không giải quyết được. Nếu thiếu thủ tục Tòa án sẽ trả về, thời gian qua kéo dài người lao động vẫn bị thiệt thòi. Có thể là Chính phủ giao hẳn cho ngành Bảo hiểm xã hội chịu trách nhiệm kiểm tra, xử phạt hoặc đề nghị kiến nghị ra tòa theo luật hình sự.
Cũng theo các đại biểu, Dự thảo luật nên giữ nguyên hành vi bị nghiêm cấm được quy định Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, đó là chiếm dụng tiền đóng hưởng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp vì thực tế hiện nay tình trạng các đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT cho người lao động nhưng vẫn trích từ tiền đóng của người lao động hàng tháng khi trả lương diễn ra phổ biến. Do đó, luật cần thiết phải quy định hành vi cấm chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn để có căn cứ xử lý vi phạm đối với hành vi này.
Quan tâm đến nội dung bảo vệ quyền lợi của người lao động khi doanh nghiệp phá sản, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy, Đoàn Bình Định nêu ý kiến: "Tôi đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, bổ sung theo hướng bảo vệ quyền lợi của người lao động trong bất cứ trường hợp nào cũng được xem xét là đối tượng ưu tiên hàng đầu phải thực hiện khi thực hiện các thủ tục pháp lý về phá sản và xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với doanh nghiệp".
Thảo luận về quy định mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đại biểu Trần Thị Kim Yến, đoàn thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu đánh giá bổ sung đối tượng cần được mở rộng trong quy định của Luật Bảo hiểm xã hội với những lao động đặc thù như xe công nghệ, chủ hộ kinh doanh…
Đối với việc thay thế “mức lương cơ sở” bằng “mức tham chiếu”, nghị quyết số 27 quy định bãi bỏ “mức lương cơ sở” khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Như vậy, theo lộ trình thực hiện, từ 01/7 năm nay, sẽ không còn “mức lương cơ sở” để làm căn cứ điều chỉnh tiền lương đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu và tính hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội.
Đại biểu Đại biểu Chu Thị Hồng Thái – đoàn Lạng Sơn đề nghị tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung này: "Quy định mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế và phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước, quỹ bảo hiểm xã hội. Đây là nội dung sẽ được sử dụng trong suốt quá trình thực hiện các chế độ đóng và hưởng bảo hiểm xã hội khi thực hiện cải cách tiền lương không còn mức lương cơ sở. Tuy nhiên, việc thực hiện điều chỉnh với các tiêu chí như trên, tôi thấy vẫn còn chung chung, nhất là việc trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng. Đây là chỉ số không ổn định và hay thay đổi thất thường trong thời gian ngắn. Tôi băn khoăn có ảnh hưởng đến mức đóng - hưởng của người lao động tại thời điểm trước - sau khi tăng hoặc giảm chỉ số giá tiêu dùng hay không".
Một số đại biểu cũng đề nghị chưa thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại kỳ họp này để có thêm thời gian đánh giá sự ổn định cũng như tác động thực tế của chính sách cải cách tiền lương đối với chính sách bảo hiểm xã hội, chỉ nên ban hành luật này khi đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, quyền lợi của người lao động trên cơ sở nguyên tắc đóng -hưởng.
Giải trình về những nội dung đại biểu nêu trong phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) phù hợp với thông lệ quốc tế, nhận được sự ủng hộ của người dân, người sự dụng lao động, cán bộ công nhân viên của BHXH Việt Nam. Về phương án quy định rút BHXH một lần, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ, đây là vấn đề nhạy cảm nhất và phức tạp nhất, đòi hỏi phải lựa chọn phương án được đảm bảo quyền lợi tối ưu cho người lao động.
“Từ kỳ họp thứ 6 đến nay, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo cũng đã lấy ý kiến đã tác động rất rộng rãi của các đối tượng người lao động 5 địa phương có tỷ lệ rút nhiều nhất hiện nay, đặc biệt là phía Nam thì đại bộ phận các ý kiến gửi cho tôi đều nói là chọn phương án 01, tôi thấy rất ít người đề xuất phương án 2. Tôi cũng tán thành rất cao cùng với việc có chính sách cho rút này. Để hạn chế cho rút thì có nhiều giải pháp, trong đó có các chính sách hỗ trợ cho vay không lãi suất thì dứt khoát phải có chính sách này. Chính phủ cũng thống nhất nhưng những chính sách hỗ trợ này, nhưng không đưa được trong luật này mà bố trí bằng các luật khác và các nghị định khác” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.