MCD trao “cần câu” cho dân ứng phó biến đổi khí hậu
(VOV)-Những hoạt động mà Trung tâm MCD hỗ trợ người dân ứng phó BĐKH được đánh giá như đang trao “cần câu” cho họ để sinh tồn bền vững.
Là một quốc gia có đường biển dài, khu vực đất liền chủ yếu là các châu thổ thấp, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (tên tiếng Anh viết tắt là MCD) đang cùng các đối tác chung sức cùng cộng đồng dân cư ven biển hành động nhằm đạt các mục tiêu bền vững để ứng phó với biến đổi khí hậu.
BĐKH sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến Việt Nam
Theo dự báo, vào cuối thế kỷ XXI, nhiệt độ trung bình năm ở nước ta tăng khoảng 2-3 độ C, tổng lượng mưa năm và lượng mưa mùa mưa tăng, trong khi đó lượng mưa mùa khô lại giảm, mực nước biển có thể dâng khoảng từ 75 - 100 cm so với thời kỳ 1980 - 1999. Nếu mực nước biển dâng cao 1 m, sẽ có khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập, khoảng 10-12% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP.
Nếu mực nước biển dâng cao 1 m, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập |
Tác động của biến đổi khí hậu đối với nước ta là rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cho việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước.
Nhận thức rõ những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đến sự phát triển bền vững của đất nước, Chính phủ đã có chiến lược, chương trình mục tiêu và các giải pháp đồng bộ nhằm ứng phó với BĐKH, với quan điểm ứng phó với BĐKH là trách nhiệm của toàn hệ thống; phát huy vai trò chủ đạo trong quản lý, điều hành của nhà nước, nâng cao tính năng động, sáng tạo và trách nhiệm của khu vực doanh nghiệp, phát huy cao nhất sự tham gia và giám sát của các đoàn thể chính trị xã hội, nghề nghiệp và cộng đồng dân cư.
MCD góp phần tăng lợi ích cho người dân…
Trong số các lực lượng tham gia vào công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, các tổ chức dân sự xã hội có vai trò rất quan trọng. Là một tổ chức phi chính phủ trong nước, được thành lập từ năm 2003 với mục tiêu hài hòa nhu cầu của cộng đồng ven biển với gìn giữ môi trường biển trong bối cảnh BĐKH, trong suốt 10 năm qua, MCD không ngừng tăng cường năng lực và hỗ trợ nhân dân một số địa phương tham gia bảo vệ môi trường, sử dụng và quản lý bền vững nguồn lợi biển để cải thiện đời sống, đồng thời với việc tác động tích cực vào chính sách quản lý tài nguyên môi trường vùng ven biển ở các cấp.
MCD triển khai các mô hình thực tế và các tư vấn kỹ thuật về quản lý tài nguyên ven biển, cải thiện sinh kế cộng đồng thích ứng BĐKH, cùng với các đề xuất, góp ý cải thiện chính sách trong lĩnh vực này.
Trồng rừng ngập mặn nhằm chắn sóng, chắn gió bão bởi nước biển đã dâng (Ảnh: Vacne) |
Từ những hoạt động đơn giản giúp người dân thay đổi nhận thức nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, giờ đây, những nơi có dự án của MCD đi qua, nhận thức về biến đổi khí hậu đã trở nên phổ biến, thành một kỹ năng sống của cộng đồng cư dân. MCD đã học hỏi các kỹ năng, kinh nghiệm từ các nước phát triển ứng dụng thành công và điều chỉnh phù hợp với điều kiện và nhu cầu Việt Nam.
Những lần đầu tiên khi đề cập tới biến đối khí hậu, hầu như người dân nghèo ven biển không coi đó là việc họ cần quan tâm. Miếng cơm manh áo và đời sống hằng ngày mới là lo toan của họ. Những khái niệm như thích ứng, phòng ngừa dần dần được tiếp cận nhờ các công cụ gần gũi với người dân.
Là một trong số rất nhiều những trường hợp được hưởng lợi từ những hoạt động hỗ trợ của MCD, chị Phùng Thị Thìn, Chủ tịch LHHPN xã Giao Thủy (Xuân Thủy, Nam Định) cho biết: Qua sự hỗ trợ của MCD, nhiều chị em trong xã đã nâng cao được nhận thức bảo tồn sinh vật biển. Cùng với việc tham gia làm du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy, chị em vừa có việc làm thêm vừa tăng thu nhập.
Trao “cần câu” để người dân sinh tồn bền vững
GS Nguyễn Hoàng Trí, Ủy ban Sinh quyển và Con người (Trung tâm nghiên cứu và giáo dục môi trường) đánh giá: Chúng ta mang đến cho người nghèo một cái “cần câu” chứ đừng mang đến con cá. Nhưng cái cần câu ấy, có thể là việc xây dựng các mô hình thành công để bà con đến học tập. Hoặc tìm giải pháp là ngoài hoạt động đánh bắt thì họ có thu nhập khác ngoài thủy sản, đó là các sản phẩm trao đổi trong quá trình du lịch, các sản phẩm làm bằng tay, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, gây quỹ. Vấn đề cuối cùng phải là nâng cao dân trí ở vùng này.
Bà Nguyễn Thu Huệ, Giám đốc MCD chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy vai trò tham gia của người dân rất quan trọng. Bởi vì hiện nay các sáng kiến phải có sự tham gia của người dân. Chúng tôi muốn là cầu nối để mang những giá trị gia tăng cho người dân địa phương, dựa trên nền tảng văn hóa – xã hội và kinh tế của họ. Đây là cách tiếp cận mang tính kiên nhẫn. Tất nhiên, mỗi dự án đều có bắt đầu và đều có kết thúc. Dự án có bền vững hay không chính là dựa vào lòng dân, dựa vào sự quan tâm của người dân. Và sự quan tâm của người dân thì cần có sự ủng hộ của chính quyền địa phương cũng như các bên liên quan”.
Đồng quan điểm này, PGS Michael Tedengren, Khoa sinh thái học-hệ thống ĐH Stockholm, Thụy Điển, cho rằng, nếu lấy một cộng đồng nghề cá làm ví dụ, cần đưa ra các giải pháp quản lý tài ngyên để cộng đồng có thể tồn tại, phát triển, đó chính là gắn bó chặt chẽ với việc bảo tồn văn hóa của các cộng đồng.
Chính vì thế, ngoài việc trực tiếp tăng cường năng lực cộng đồng và xây dựng các mô hình trình diễn tại các điểm dự án, MCD tích cực vận động nguồn kết nối mạng lưới. Các tình nguyện viên đóng góp không nhỏ. MCD là cầu nối gắn kết các thành phần khác nhau, đặc biệt giới thiệu cách tiếp cận hệ sinh thái, hỗ trợ điều phối hợp tác giữa các ngành, các địa phương với nhau thông qua chia sẻ thông tin, kinh nghiệm quản lý các khu dự trữ sinh quyển, quản lý tổng hợp dải ven biển, góp phần giải bài toán ứng phó với BĐKH một cách toàn diện.
Từ những đóng góp và sự vươn lên, luôn tìm tòi, sáng tạo, năm 2009 MCD là thành viên sáng lập của mạng lưới các tổ chức phi chính phủ và biến đối khí hậu tại Việt Nam (VNGO&CC). Từ năm 2010, MCD chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN), là thành viên của Hiệp hội nghề cá nhỏ Đông Nam Á Seafish.
Mô hình sinh kế thích ứng vùng ven biển mà MCD xây dựng cùng các địa phương đã được ghi nhận là một trong các điểm sáng của báo cáo phát triển bền vững mà Việt Nam báo cáo tại RIO 20+./.