Mưa to, đồng bằng ngập sâu, miền núi Quảng Nam sạt lở
VOV.VN - Tại tỉnh Quảng Nam, mưa lớn kéo dài từ tối qua đến chiều nay (10/10), mực nước các sông dâng cao, nhiều khu dân cư khu vực đồng bằng ngập cục bộ. Tại các huyện miền núi, một số tuyến giao thông bị chia cắt và sạt lở.
Hôm nay, nhiều khu dân cư tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam bị ngập sâu hơn 1 mét. Người dân các xã, phường vùng Đông thành phố Tam Kỳ phải di chuyển bằng ghe, thuyền.
Ông Nguyễn Kiều Hưng ở khối phố Mỹ Thạch Trung, phường Hòa Thuận, thành phố Tam Kỳ cho biết, sau đợt mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 4 vào cuối tháng 9 vừa qua, khu dân cư thường xuyên bị ngập khi có mưa lớn.
“Từ 3h30 phút sáng nay, nước bắt đầu tràn vào nhà, cả nhà tôi thức dậy dọn dẹp đến tận sáng. Xe cộ phải chuyển đi trước chứ không là sáng nay không có chở con đi học. Chở đi học xong tôi gửi xe luôn tại trường học”, ông Hưng nói.
Chiều qua (9/10), 2 người dân xã Trà Cang, huyện Nam Trà My bị nước lũ cuốn trôi đến nay vẫn chưa tìm thấy. Mưa to làm mực nước sông, suối ở huyện vùng cao này dâng cao. Chính quyền địa phương cắm nhiều biển báo nguy hiểm tại khu vực nguy cơ sạt lở, lũ quét để người dân cảnh giác khi qua lại. Nhiều nơi nước lũ đổ về mang theo đất đá và cây cối tràn ra nhiều tuyến đường, bùn đất tràn vào nhà người dân.
Ông Trần Công Thịnh, thôn 1, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, bà con đã phải khơi thông cống rãnh để tạo dòng chảy: “Mưa hiện rất lớn, nếu cứ kéo dài thế này thêm 2-3 giờ nữa thì khả năng chúng tôi sẽ di dời đến khu vực cao ráo. Vừa rồi ở đây đất đá cũng sạt xuống một lần rồi”.
Hàng trăm nhà dân nằm sát sông, suối các huyện Nông Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc đã phải sơ tán do nước trên các sông lên nhanh. Ông Trương Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam cho biết, nếu mưa lớn kéo dài, mực nước trên sông Thu Bồn sẽ dao động từ báo động 1 đến báo động 2, trên sông Vu Gia sẽ đạt báo động 3. Hiện, các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã tích đầy nước, chỉ riêng hồ thủy lợi Phú Ninh mới tích nước đạt 41% dung tích.
“Địa phương đã dự báo được đợt mưa lớn này nên đã chủ động chỉ đạo hạ mực nước các hồ thủy điện trên địa bàn để đón lũ. Hồ thủy điện Sông Tranh 2 vẫn đang tích nước, còn 3 hồ thủy điện A Vương, Sông Bung 4 và Đắc Mi 4 đang vận hành giảm lũ cho hạ du”, ông Trương Xuân Tý cho hay.
Sáng nay, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn gửi các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh về việc tập trung ứng phó mưa lũ, theo phương châm “4 tại chỗ”. Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát các khu vực nguy hiểm để di dời người dân đến nơi an toàn, bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết.
“Ở khu vực miền núi có nguy cơ sạt lở thì có cảnh báo và đã có phương án sơ tán người dân. Lương thực, thực phẩm chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ cho khu vực vùng sâu, vùng xa. Tất cả các tuyến giao thông đã có phương tiện ứng trực để nếu xảy ra sạt lở gây chi cắt thì sẽ có phương tiện thông đường ngay”, ông Hồ Quang Bửu nói./.