Nâng cao năng lực quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn
VOV.VN -Theo các chuyên gia khí tượng thủy văn, thời gian qua, công tác phòng chống thiên tai ở nước ta vẫn còn bất cập.
Thời gian qua, với việc hoàn thiện các hệ thống chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, củng cố Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, Việt Nam giảm đáng kể các thiệt hại do thiên tai gây ra, như: số người chết và mất tích giảm 8%, số người bị thương giảm 17% so với 5 năm trước.
Tuy nhiên Việt Nam cần tiếp tục nâng cao năng lực quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Theo các chuyên gia khí tượng thủy văn, thời gian qua, công tác phòng chống thiên tai ở nước ta vẫn còn bất cập. Trong đó, việc dự báo thiên tai là bài toán phức tạp, các bản tin dự báo bão luôn gặp phải các sai số về vị trí tâm và cường độ. Việc xác định vị trí và cường độ bão chủ yếu sử dụng ảnh vệ tinh. Phương pháp này thường cho sai số vị trí tâm bão trung bình khoảng 30-50km, sai số xác định cường độ bão là cộng trừ 1 đến 2 cấp. Bên cạnh đó, việc nắm được đầy đủ các thông tin về điều tiết, vận hành hồ chứa còn hạn chế, thiếu số liệu quan trắc.
Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho rằng, việc nâng cao chất lượng bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, trong đó tập trung nâng cao chất lượng và thời gian dự báo bão, áp thấp nhiệt đới… là mục tiêu quan trọng để thực hiện công tác phòng chống thiên tai đạt hiệu quả.
Việt Nam giảm đáng kể các thiệt hại do thiên tai gây ra, như: số người chết và mất tích giảm 8%, số người bị thương giảm 17% so với 5 năm trước. |
Ông Lê Thanh Hải nói: “Hiện nay tất cả các địa phương trên toàn quốc, các Đài Khí tượng thủy văn các tỉnh, Đài Khí tượng thủy văn các khu vực đã đưa ra các cảnh báo cực ngắn về các hiện tượng dông nguy hiểm, kèm theo giông tố lốc sét đã được chúng tôi đưa ra ngay từ tháng 4. Trong các bản tin dự báo, cảnh báo của chúng tôi hiện nay đã được phát sớm hơn 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ trên các hệ thống thông tin đại chúng cũng như đưa ra các cảnh báo, dự báo sớm cho cộng đồng, cho các cơ quan chỉ đạo phòng chống thiên tai của tất cả các địa phương để sớm có những chỉ đạo kịp thời đối với tình hình thiên tai”.
Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan, các địa phương ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, trong đó có Chiến lược Quốc gia về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020.
Cùng với việc thực hiện Kế hoạch hành động của quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012-2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai quyết liệt và thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2020. Theo đó, đưa vào hoạt động 18 trạm quan trắc hải văn ven biển và hải đảo, 334 trạm đo mưa, đo mặt tự động và các loại trạm thiết bị đo khí tượng tự động, thủy văn tự động.
Theo ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), về lâu dài cần phải nâng cao năng lực trong quan trắc dự báo khí tượng thủy văn: “Tăng cường, tiếp tục thực hiện các chiến lược về phát triển ngành khí tượng thủy văn, các dự án đầu tư để mà nâng cao chất lượng của hệ thống quan trắc, đảm bảo cung cấp đầy đủ số liệu; Đồng thời có sự phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan địa phương và các chủ hồ chứa để có các số liệu về vận hành các hệ thống hồ chứa, các thông tin xả lũ và thực hiện nghiêm chỉnh 11 quy trình về vận hành liên hồ chứa, dự báo nguy cơ nước biển dâng cụ thể, chi tiết cho từng vùng”.
Thời gian tới, nhằm nâng cao hiệu quả phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đông về các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực và quốc tế nhằm nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo bão, lũ và các hiện tượng thiên tai khác./.