Nên lấy ý kiến nhân dân khi xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc
(VOV)-Nhân dân chính là những người thụ hưởng giá trị văn hoá cũng như thành tựu của công trình giao thông đem lại.
Hiện nay, dư luận hết sức quan tâm dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao thông Ô Chợ Dừa (Hà Nội), bởi lo ngại việc xây dựng công trình này sẽ ảnh hưởng đến di tích Ðàn Xã Tắc, một trong những di tích khảo cổ quan trọng, mới được phát lộ vào năm 2006.
Chính vì vậy, Uỷ ban Nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan xây dựng các phương án thiết kế cầu vượt bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu bảo tồn di tích và đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân, tổ chức lấy ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia để tìm phương án tối ưu.
Về vấn đề này, phóng viên VOV online phỏng vấn ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.
Đàn Xã Tắc và khu vực tranh cãi xây cầu vượt |
PV: UBND thành phố Hà Nội vừa đưa ra 4 phương án xây dựng cầu vượt tại nút giao thông Ô Chợ Dừa. Ý kiến của ông về việc lựa chọn phương án xây dựng cầu như thế nào?
Ông Lê Như Tiến: Đàn Xã Tắc là di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia nên cần được chú trọng bảo tồn. Di tích này không phải không phải bỗng chốc mà có được mà phải hun đúc hàng trăm năm. Bảo tồn di sản văn hóa là nhiệm vụ cần thiết đã được Quốc hội thông qua trong Luật Di sản văn hoá. Đây cũng là trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với những di tích lịch sử do ông cha ta để lại.
Phương án xây dựng cầu vượt tại nút giao thông Ô Chợ Dừa đã được thành phố Hà Nội đưa ra tranh luận rất nhiều lần. Các nhà sử học, xã hội học và những lãnh đạo làm công tác giao thông cũng như chính quyền thành phố Hà Nội đã có những buổi làm việc để đưa ra phương án hài hoà, hữu hiệu nhất.
Theo tôi, phương án xây dựng cầu vượt tại nút giao thông Ô Chợ Dừa phải là sự kết hợp để vừa bảo tồn được di tích Đàn Xã Tắc lại vừa phát triển giao thông đô thị, giảm tai nạn giao thông.
Nếu như đưa những cọc bê tông chôn sâu dưới lòng đất mà gây ảnh hưởng đến di tích Đàn Xã Tắc thì cũng có nghĩa là chúng ta đã phá đi một di sản. Tôi không đồng ý với phương án phải hy sinh Đàn Xã Tắc để xây dựng cầu vượt.
Ông Lê Như Tiến |
PV: Thưa ông, hiện có nhiều ý kiến kiến nghị là nếu không nhanh chóng xây dựng, duyệt phương án xây dựng cầu vượt tại nút giao thông Ô Chợ Dừa thì sẽ mất đi cơ hội hỗ trợ nguồn vốn xây dựng giao thông của các nhà đầu tư ở trong và ngoài nước. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Ông Lê Như Tiến: Khi thực hiện những công trình giao thông có mối liên quan đến các di tích lịch sử thì các cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, không nên nóng vội.
Cụ thể ở đây là xây dựng cầu vượt tại nút giao thông Ô Chợ Dừa-nơi có di tích Đàn Xã Tắc. Đây là di tích có liên quan đến văn hoá, tâm linh của người Việt và lịch sử của cha ông ta để lại.
Theo tôi, việc xây dựng công trình trên cần phải được thảo luận kỹ thông qua những hội thảo. Sau khi lấy ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia văn hoá và kỹ sư xây dựng, chính quyền thành phố Hà Nội nên báo cáo với các cơ quan cấp trên để có quyết định đúng đắn nhất.
Chúng ta không nên vì lo ngại chậm trễ xây dựng cầu sẽ ảnh hưởng tới sự đầu tư ở trong và ngoài nước. Thực tế, chúng ta đã có những bài học hài hoà được cả lợi ích kinh tế lẫn bảo vệ được di sản văn hoá, di tích lịch sử như Hoàng Thành Thăng Long. Đó là nước ta vẫn xây dựng được Tòa nhà Quốc hội, vẫn giữ được di sản văn hoá của Hoàng Thành Thăng Long, vẻ đẹp vốn có của trung tâm chính trị Ba Đình.
Việt Nam là nước có nhiều di sản, di tích văn hoá nên khi xây dựng công trình, dự án có thể phát lộ nhiều di sản, di tích.
Việc xây dựng các công trình giao thông nói chung và xây dựng cầu vượt tại nút giao thông Ô Chợ Dừa nói riêng cần phải được tính toán kỹ lưỡng, bài bản để khi công trình xây dựng xong, không còn thấy những dư âm xấu, dư luận không tốt trong nhân dân.
PV: Theo ông, xây dựng cầu vượt tại nút giao thông Ô Chợ Dừa có nên lấy ý kiến của đông đảo tầng lớp nhân dân không và nếu có thì vì sao?
Ông Lê Như Tiến: Tôi cho rằng, việc trưng cầu ý kiến của nhân dân đối với xây dựng cầu vượt tại nút giao thông Ô Chợ Dừa là rất tốt. Bởi vì nhân dân chính là những người thụ hưởng những giá trị văn hoá cũng như thành tựu của công trình giao thông đem lại cho họ sự thông thoáng, thoải mái mỗi khi ra đường. Đặc biệt, chúng ta nên lấy ý kiến của nhân dân ở Ô Chợ Dừa và gần Đàn Xã Tắc, cộng đồng dân cư khu vực 4 phường thuộc quận Đống Đa.
Việc lấy ý kiến nhân dân cũng là khẳng định quyết tâm của các Bộ, ngành và chính quyền thành phố Hà Nội trong việc phát triển giao thông cũng như bảo vệ di tích văn hoá.
Ngoài ra, việc lấy ý kiến cũng là thể hiện sự tôn trọng, coi nhân dân là chủ thể của các di tích, di sản văn hoá cũng như các hoạt động, công trình đô thị. Điều này sẽ chứng minh rõ, việc xây dựng các công trình giao thông có các di tích, di sản văn hoá được thông qua lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, chứ không phải là sự áp đặt từ cấp trên xuống.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Nút giao thông Ô Chợ Dừa nằm trên tuyến đường vành đai 1 của thành phố Hà Nội. Việc xây dựng cầu vượt tại nút giao thông này được xác định trong Quy hoạch Phát triển giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2020, Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.