Ngành Kiểm sát năm 2014: Cụ thể hóa Hiến pháp về quyền con người
VOV.VN -Năm 2014 là năm có rất nhiều biến động, tình hình vi phạm và tội phạm gia tăng, xuất hiện nhiều loại tội phạm có quy mô lớn vượt khuôn khổ quốc gia.
Năm 2014 là năm đầu tiên triển khai Hiến pháp mới với những quy định tiến bộ về quyền con người. Điều này cũng đặt ra yêu cầu đối với ngành Kiểm sát là phải kiểm sát chặt chẽ hơn những biện pháp cưỡng chế tố tụng liên quan đến việc hạn chế quyền con người. Đây cũng là năm mà ngành Kiểm sát thực hiện được chỉ tiêu kiểm sát 100% các vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố; tỷ lệ truy tố đúng thời hạn đạt hơn 99%, triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan sai, bỏ lọt tội phạm. Tỷ lệ hồ sơ Tòa án trả để điều tra bổ sung chiếm tỷ lệ thấp. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao về những nội dung này.
PV: Thưa ông, ông có thể cho biết những thuận lợi, khó khăn và những yêu cầu đặt ra đối với việc thực hiện nhiệm vụ của ngành Kiểm sát trong năm 2014?
Ông Nguyễn Hòa Bình: Năm 2014 là năm có rất nhiều biến động, tình hình vi phạm và tội phạm gia tăng, xuất hiện nhiều loại tội phạm có quy mô lớn vượt ra ngoài khuôn khổ quốc gia. Tính chất tội phạm ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng công an, lực lượng thi hành pháp luật, thậm chí có cả đổ máu, hy sinh.
Trong lĩnh vực hành chính và dân sự liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát, số lượng các vụ việc về hành chính và dân sự tăng. Nếu trong lĩnh vực hình sự, ngành đã giải quyết khoảng 90.000 vụ thì lĩnh vực hành chính, dân sự phải giải quyết hơn 250.000 vụ. Phần lớn trong các vụ án về hành chính và dân sự liên quan đến đất đai, và lợi ích của người dân. Đặc biệt năm 2014 là năm đầu tiên Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực. Trong Hiến pháp có nhiều nội dung mới, rất tiến bộ. Hiến pháp đặt ra yêu cầu phải kiểm sát chặt chẽ hơn những biện pháp cưỡng chế tố tụng liên quan đến việc hạn chế quyền con người theo tinh thần đảm bảo tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
PV: Thưa ông, trong điều kiện vi phạm và tội phạm có chiều hướng gia tăng như ông vừa nêu, ngành Kiểm sát vẫn đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong năm qua. Vậy những thành tựu đó của ngành là gì?
Ông Nguyễn Hòa Bình: Trong năm 2014, ấn tượng nhất có thể nói đến một số nội dung: Thứ nhất là chúng tôi đã tập trung mọi nỗ lực để hoàn thành tốt chỉ tiêu mà Quốc hội đã giao cho các cơ quan tư pháp, trong đó có ngành Kiểm sát, đặc biệt là 4 chỉ tiêu cơ bản liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị thể hiện trong Nghị quyết 37, Nghị quyết 63 của Quốc hội về công tác tư pháp. Thứ 2 chúng tôi cùng với các cơ quan thi hành tố tụng như cơ quan điều tra, tòa án các cấp giải quyết được rất nhiều vụ án kinh tế, vụ án tham nhũng lớn được dư luận quan tâm, ví dụ như vụ Huyền Như. Việc thứ 3 là giải quyết những vụ án oan sai theo đúng tinh thần Hiến pháp 2013 là đã xác định người bị oan thì phải được minh oan, người làm oan phải bị xử lý và người bị oan phải được bồi thường theo đúng Điều 31 của Hiến pháp.
Trong hoạt động của cơ quan điều tra của Viện kiểm sát, ngoài việc giải quyết các vụ án oan sai còn xử lý rất hiệu quả một số vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp. Đây là một nét mới trong hoạt động của cơ quan điều tra và cũng phù hợp với luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân vừa được Quốc hội ban hành.
PV: Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong năm qua thì trong năm 2015, ngành Kiểm sát đề ra những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Hòa Bình: Trong năm 2015, nhiệm vụ quan trọng trước mắt là chúng tôi vẫn là tập trung thực hiện tốt các Nghị quyết 37, Nghị quyết 63 của Quốc hội. Thứ 2, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng thể chế, theo đó, năm 2015 chúng tôi báo cáo với Quốc hội Dự án bộ Luật Tố tụng hình sự mà Quốc hội giao cho Viện kiểm sát xây dựng.
Có thể nói, sau Hiến pháp, đây là Bộ luật rất quan trọng thể hiện bản chất nhân đạo của chế độ ta. Bộ luật sẽ tạo ra hành lang pháp lý để có thể trấn áp tội phạm một cách nhanh chóng, nghiêm khắc và kịp thời. Đồng thời cũng là công cụ để thực thi những yêu cầu của Hiến pháp về bảo vệ quyền con người và quyền công dân thông qua bộ luật này. Một nhiệm vụ rất quan trọng nữa là tổ chức, thực thi Luật tổ chức Viện kiểm sát vừa được Quốc hội thông qua cuối năm 2014. Có thể nói đây là một công việc rất quan trọng cho nên từ nay đến tháng 1/2016 là thời điểm Luật này có hiệu lực thì cũng cần phải hình thành được mô hình tổ chức mới.
PV: Xin cảm ơn ông!./.