Ngày đầu mở cửa hàng không: 27 chuyến bay phải hủy
Trong ngày đầu tiên khôi phục lại các đường bay, vì nhiều lý do, các hãng hàng không đã phải hủy 27 chuyến bay.
Theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), trong ngày 10/10, các hãng hàng không đang triển khai 11 chuyến bay (giãn cách ghế). Gồm, TP.HCM- Đà Nẵng 75 khách, Đà Nẵng - TPHCM 14 khách; từ TP.HCM - Phú Quốc chỉ có 30 khách, Phú Quốc- TPHCM 37 khách; từ TPHCM đi Chu Lai tổng 33 khách, chiều Chu Lai-TPHCM 5 khách; TPHCM - Quy Nhơn 55 khách, Quy Nhơn - TPHCM 20 khách; TPHCM- Nha Trang 27 khách, chiều ngược lại 20 khách.
Riêng chuyến bay từ Hà Nội vào TPHCM lên tới 160 khách khởi hành 14h chiều ngày 10/10 do Vietnam Airlines thực hiện. Chuyến chiều ra được tổ chức là chuyến bay công vụ, không có khách thương mại.
Trong ngày đầu tiên khôi phục lại các đường bay, các hãng hàng không đã phải hủy 27 chuyến bay.
Bên cạnh các chặng bay đến Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng không thực hiện được vì lý do thời tiết mưa bão thì các chuyến bay của Vietnam Airlines chặng TPHCM - Hà Nội, của Vietjet chặng Đà Nẵng - Hà Nội đều không thực hiện được do TP Hà Nội quy định bắt buộc hành khách phải cách ly tập trung sau khi hạ cánh nhưng chưa đưa ra hướng dẫn cách ly tập trung cụ thể.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết, mặc dù đã được chấp thuận khai thác một chuyến bay khứ hồi chở khách từ TPHCM đi Hà Nội nhưng chuyến bay đã không thể thực hiện được vì Hà Nội chưa thống nhất về việc cách ly tập trung.
Cụ thể, hãng đã bán hết vé và khách cũng sẵn sàng lên đường. Chuyến bay từ TPHCM dự kiến hạ cánh xuống sân bay Nội Bài lúc 12h trưa nay. Tuy nhiên vào phút chót Vietnam Airlines nhận được thông báo của TP Hà Nội về việc chưa bố trí được nơi cách ly, nên chuyến bay buộc phải hủy bỏ. Vietnam Airlines đã hoàn trả tiền vé cho khách và xin lỗi về sự cố này.
Cũng liên quan đến quy định cách ly, chuyến bay VJ632 của Vietjet Air có hành trình TPHCM đi Đà Nẵng chở theo 75 hành khách đã phải tạm dừng 40 phút vì nhận được thông tin địa phương "chỉ tiếp nhận hành khách đến, từ các khu vực không có ca mắc trong cộng đồng trong vòng 14 ngày".
"Tất cả hành khách đi chuyến bay VJ632 đều đã tiêm vaccine, có giấy xét nghiệm âm tính, nhưng yêu cầu của Đà Nẵng đã khiến cả chuyến bay không đáp ứng được vì khởi hành từ vùng dịch TPHCM và không thể khai thác theo kế hoạch ban đầu. Tới 15h35, chuyến bay mới được cất cánh, hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng lúc 16h35. Rất may là hành khách hiểu về tình hình và thông cảm với hãng", đại diện Vietjet thông tin.
Chiều cùng ngày, UBND TP Đà Nẵng đã ra văn bản 6843 về việc triển khai áp dụng một số biện pháp phòng chống dịch COVID-19 đối với hành khách trên các chuyến bay tại sân bay quốc tế Đà Nẵng.
Theo đó, Đà Nẵng yêu cầu áp dụng các biện pháp y tế đối với những người đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 đến/về từ các khu vực có dịch COVID-19; các địa phương/khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao trên cả nước…
Hành khách phải tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, trong đó liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm đến/về địa phương; hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 và có giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc giấy ra viện.
Tuy nhiên, TP Đà Nẵng vẫn yêu cầu hành khách đi máy bay khi đến Đà Nẵng phải cách ly tại nhà/nơi lưu trú 14 ngày, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR 4 lần.
Theo Bộ GTVT, ngành giao thông đã lựa chọn đối tượng hành khách cho giai đoạn thử nghiệm là hành khách “xanh” kèm theo điều kiện phải xét nghiệm. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại văn bản 8318/BYT-DP ngày 3/10 thì đây là các đối tượng không phải cách ly tập trung. Song việc các địa phương vẫn cẩn trọng và yêu cầu phải cách ly tập trung và trả phí, khiến nhiều người dân không dám lựa chọn đi lại bằng đường hàng không.
Về phía các hãng hàng không, mặc dù vừa được "phá băng" khôi phục bay lại sau nhiều tháng, song lượng hành khách quá ít, những chặng đông khách thì đang vướng các quy định cách ly đang khiến các chuyến bay không hiệu quả.
Trong một diễn biến liên quan, chiều nay (10/10), Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Công điện số 1322/CĐ-TTg ngày 10/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tổ chức hoạt động vận tải hành khách bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Công điện nêu rõ, việc khôi phục các hoạt động vận tải hành khách trong tình hình hiện nay có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, vừa bảo đảm phục hồi sản xuất kinh doanh, nhu cầu đi lại của người dân, vừa bảo đảm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Về khôi phục vận tải hành khách bằng đường hàng không đã được Chính phủ chỉ đạo tại Thông báo số 263/TB-VPCP ngày 8/10/2021; tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ GTVT, hiện nay một số địa phương thực hiện chưa đúng chỉ đạo nêu trên cũng như chưa thực hiện đúng các quy định của Bộ GTVT, Bộ Y tế. Yêu cầu các địa phương cần rà soát, điều chỉnh và thực hiện nghiêm các chỉ đạo nêu trên.
Chính phủ giao Bộ GTVT và Bộ Y tế giám sát, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện của các địa phương; kịp thời chấn chỉnh và xử lý theo thẩm quyền các trường hợp thực hiện chưa đúng quy định; báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý đối với trường hợp vượt thẩm quyền.
Bên cạnh đó, để tiếp tục đáp ứng yêu cầu phục hồi kinh tế và nhu cầu đi lại của người dân, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch COVID-19, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, chậm nhất 3 ngày kể từ ngày ban hành công điện này, phải ban hành quy định, hướng dẫn và triển khai hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt, đường bộ trên toàn quốc bảo đảm an toàn phòng chống dịch.
Yêu cầu Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ GTVT, Bộ Y tế./.