Ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5: Hạnh phúc tìm được từ tận cùng nỗi đau
VOV.VN -Thầm lặng với việc từng giờ “gác cửa sự sống”, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, điều dưỡng viên đã tìm được hạnh phúc từ tận cùng nỗi đau của bệnh tật.
Tham gia vào quá trình điều trị, những điều dưỡng viên không chỉ thực hiện công việc quen thuộc là tiêm thuốc, truyền dịch cho người bệnh, mà còn từng ngày, từng từng giờ “gác cửa sự sống”, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và sử dụng liệu pháp tâm lý để góp phần chữa bệnh. Thầm lặng với công việc nhân văn đó, nhiều điều dưỡng viên đã tìm được hạnh phúc từ tận cùng nỗi đau của bệnh tật.
Ảnh minh họa. |
Làm việc tại Trung tâm phẫu thuật lớn nhất cả nước, không chỉ các bác sĩ mà cả những điều dưỡng viên cũng rất vất vả, nhiều áp lực vì Bệnh viện Việt Đức là nơi tiếp nhận những bệnh nhân chấn thương nặng nhất. Không chỉ cùng các bác sĩ khẩn trương cấp cứu những ca tai nạn, nhiều lúc các điều dưỡng viên còn mỏi nhừ tay vì phải bóp bóng liên tục, thức suốt đêm với những hy vọng mong manh của bệnh nhân hôn mê sâu.
“Chúng ta làm việc để mưu sinh, nhưng nghề điều dưỡng không giống nhân viên ngân hàng, hết giờ làm việc là đóng sập cửa lại. Dù hết giờ làm việc nhưng bệnh nhân cần vẫn phải giúp đỡ, giải quyết. Cách đây mấy hôm, hết ca làm việc nhưng nhiều điều dưỡng vẫn tập trung cấp cứu một ông 68 tuổi bị đột quỵ khi đang chăm sóc mẹ 88 tuổi tại bệnh viện…”, chị Trần Thu Ngân, Điều dưỡng trưởng khoa Phẫu thuật cấp cứu tiêu hóa chia sẻ.
Nhiều năm qua, cứ mỗi ca ghép tạng xuất viện là điều dưỡng Nguyễn Xuân Vinh, khoa Phẫu thuật tim mạch trẻ em lại đưa bệnh nhân về tận nhà, ân cần hướng dẫn gia đình cách chăm sóc và sau đó còn trao đổi tình hình qua điện thoại.
Anh Vinh kể, có những nạn nhân tai nạn quá nặng không thể cứu được, trước giây phút cuối cùng của sự sống, điều dưỡng viên không quên vuốt mắt cho bệnh nhân, băng kỹ vết thương, vệ sinh gương mặt, chỉnh lại quần áo, hy vọng giảm bớt nỗi đau khi người nhà đến nhìn bệnh nhân lần cuối.
“Mặc dù quá vất vả nhưng nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn nghề điều dưỡng vì nghề này mang lại nhiều cảm xúc và giúp tôi sớm giác ngộ về cuộc sống. Sau những cảnh của buồng bệnh là những điều dưỡng tận tâm, hết lòng vì người bệnh, giàu tình nhân ái và yêu thương con người”, điều dưỡng Nguyễn Xuân Vinh nói.
Không ít bệnh nhân phải điều trị dài ngày, như ca ghép phổi đầu tiên tại Bệnh viện Việt Đức nằm viện đã gần nửa năm, nhưng những điều dưỡng viên thì vẫn kiên trì chăm sóc, kéo dài sự sống cho người bệnh.
“Bác cô, các chú điều dưỡng viên rất quan tâm, nhiệt tình chăm sóc cháu. Họ làm việc rất chuyên nghiệp. Em là mẹ cháu thật nhưng cũng không chăm sóc được như các cô điều dưỡng vì cháu nó ngang bướng nhiều khi em bực mình, không kìm chế được, không kiên trì được như các cô điều dưỡng. Gia đình rất cảm ơn”, chị Nguyễn Thị Thuần, mẹ của bệnh nhân Nguyễn Văn Đức được ghép phổi nhận xét.
Ở Bệnh viện Việt Đức thỉnh thoảng lại tiếp nhận bệnh nhân bị bỏ rơi, không người nhà thăm nuôi. Các điều dưỡng viên vừa phải chăm sóc toàn diện, vừa phối hợp với phòng công tác xã hội tìm nguồn lực hỗ trợ cho bệnh nhân. Sau đó, tất cả những người bệnh này đều hồi phục.
“Các điều dưỡng ở đây làm việc thầm lặng và thường không được biết đến nhiều. Việc làm cho tất cả bệnh nhân và người nhà hài lòng là một điều khó. Nhưng trước hết mình phải lắng nghe để đồng cảm, thấu hiểu với gia đình bệnh nhân, đặt tính mạng và sự an toàn của bệnh nhân lên trên hết”, điều dưỡng trẻ Nguyễn Thị Thiện, Trung tâm Gây mê hồi sức cho tâm sự.
Có những điều dưỡng viên hàng ngày phải vượt quãng đường xa hàng chục cây số để đến bệnh viện nhưng chưa bao giờ đi làm muộn, chưa một lần vi phạm quy tắc 10 không, trong đó không sử dụng điện thoại khi làm chuyên môn, không để buồng bệnh không có nhân viên y tế.
Anh Chu Văn Long, Phó trưởng phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Việt Đức cho biết: Điều dưỡng là "chốt chặn" cuối cùng để đảm bảo an toàn việc sử dụng thuốc cho người bệnh, chúng tôi- những người trực tiếp cho bệnh nhân dùng thuốc, luôn theo dõi phát hiện, xử trí ban đầu, thông báo cho bác sĩ những vấn đề bất thường, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện để cấp cứu người bệnh trước những phản ứng có hại của thuốc có thể xảy ra”.
Theo Thạc sĩ Trần Văn Oánh, Trưởng phòng Điều dưỡng, tất cả những cử chỉ, lời nói của điều dưỡng viên đều tác động đến sự an toàn của bệnh nhân. Chỉ một phút lơ đãng cũng có thể dẫn đến tiêm, truyền nhầm thuốc. Chỉ một cử chỉ không thân thiện là đem đến lo lắng cho bệnh nhân. Chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến mổ nhầm người bệnh.
“Nếu ghi tên bệnh nhân không chính xác thì sẽ dán nhầm kết quả xét nghiệm, có thể dẫn đến truyền nhầm nhóm máu. Ghi không đúng tên bệnh nhân cũng có thể đưa nhầm người bệnh lên phòng mổ. Vì vậy, Bệnh viện Việt Đức đã xây dựng quy trình chi tiết. Ngay khi bệnh nhân nhập viện là chúng tôi đeo một mã số vào tay bệnh nhân. Mã số này trùng với số chứng minh nhân dân của người bệnh”, Thạc sĩ Trần Văn Oánh cho biết.
Khi nhập viện, bệnh nhân thường muốn biết bác sĩ nào mổ, điều trị cho mình mà không nhiều người quan tâm hôm nay được điều dưỡng viên nào chăm sóc. Nhưng ở bệnh viện, vẫn có những điều dưỡng viên tận tâm, tận lực với công việc một cách âm thầm. Ngày đêm “gác cửa sự sống” cho bệnh nhân, họ đã tìm thấy hạnh phúc từ tận cùng nỗi đau./.
Cả trăm người nhập viện sau khi ăn uống ở trung tâm điều dưỡng
Điều dưỡng viên chết trong tư thế treo cổ tại bệnh viện
Khởi tố 2 điều dưỡng Bệnh viện Xanh Pôn làm giả giấy chuyển tuyến