Nghị lực phi thường của một người khuyết tật ở Tiền Giang
VOV.VN - Ông chủ cơ sở giày Tiến Phát ở tỉnh Tiền Giang là một người khuyết tật, đã có nhiều ý chí, nghị lực, vươn lên từ bàn tay trắng.
Tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, rất nhiều người biết đến thương hiệu của tiệm Giày Tiến Phát, tại góc đường Lê Lợi- Lê Đại Hành, thuộc phường 1. Đáng trân trọng ông chủ cơ sở giày Tiến Phát là một người khuyết tật, đã có nhiều ý chí, nghị lực, vươn lên từ bàn tay trắng.
Cơ sở kinh doang Giày Tiến Phát do ông Lê Quốc Huy- người khuyết tật làm chủ. |
Ở tuổi gần 70, bị khuyết tật không thể tự đi lại như bao người bình thường khác, nhưng ông Lê Quốc Huy vẫn miệt mài với công việc buôn bán các loại giày, ân cần phục vụ khách hàng. Ông Huy cho biết, đã hơn 30 năm gắn bó với nghề sản xuất, kinh doanh các loại giày da để mưu sinh và đây cũng là nghề truyền thống của gia đình.
Nhờ giữ chữ tín và đảm bảo chất lượng, nên khách hàng đến hiệu Giày Tiến Phát rất ổn định. Từ nghèo khó, nay gia đình ông Lê Quốc Huy có cuộc sống khắm khá. Nhìn lại cuộc đời của ông là câu chuyện khá hiếm hoi về một người khuyết tật vượt qua hoàn cảnh để vươn lên hòa nhập cuộc sống cộng đồng.
Mới 1 tuổi, không may ông bị bệnh sốt bại liệt, đôi chân bị teo cơ không thể di chuyển được. Tuy vậy, từ nhỏ ông rất ham học, từ lớp 1 đến lớp 6, ông được người cha ruột cõng trên vai đến trường để học. Lớn lên, ông Huy chịu khó chống gậy đi đến trường; đôi lúc được bè bạn chở bằng xe đạp. Có ngày, ông phải 2-3 lượt đến trường trong điều kiện như thế. Dù hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng ông rất chăm chỉ học tập và thi đỗ vào trường Đại học Y Sài Gòn (nay là Đại học Y dược TP HCM).
Ông Lê Quốc Huy say mê công việc kinh doanh dù tuổi gần 70. |
Sau khi tốt nghiệp ra trường, ông Lê Quốc Huy về địa phương công tác tại bệnh viện Y học Cổ Truyền Tiền Giang, sau đó chuyển nhiệm vụ ở Trung tâm Vệ sinh phòng dịch thuộc Sở Y tế Tiền Giang. Là viên chức nhà nước lại là người khuyết tật nhưng ông đã bỏ qua tự ti, mặc cảm, khắc phục hoàn cảnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đến năm 1986, do sức khỏe yếu dần, ông xin nghỉ việc để về gia đình cùng vợ đầu tư phát triển kinh doanh Giày da, nối ghề truyền thống của cha mẹ. Trong khi không ít người khuyết tật khác, tự ti, mặc cảm, phó thác số phận cho gia đình, xã hội thì ông Lê Quốc Huy lại vươn lên.
Ông Huy cho biết, chính việc học đã giúp ông nên người, ổn định cuộc sống và còn đóng góp cho xã hội: “Nếu ngày trước mà tôi không học thì tôi làm được cái gì bây giờ nên tôi phải học. Học đi cái đã, chuyện gì tới nó sẽ tới. Tôi nghĩ vô trường đại học Y là khó khăn rồi, mình thích ngành đó lắm nên mình cố gắng học hoàn tất hết khóa học”.
Ông Huy tận tụy hỗ trợ khách hàng. |
Trong kinh doanh, ông luôn giữ uy tín với khách hàng. Các loại giày da, ông bán đều có chất lượng, giá cả phải chăng. Hầu hết các loại giày đều được ông thuê thợ gia công, kiểm tra đạt chất lượng mới đem bày bán cho khách hàng. Khi mua giày, khách hàng có nhu cầu đổi lại hoặc sửa chữa… ông đều sẵn lòng và không thu tiền công. Dù thuộc diện kinh doanh được miễn thuế nhưng cơ sở Giày Tiến Phát luôn tích cực đóng góp thuế và các khoản kinh phí địa phương vận động. Riêng ông Huy đã không yêu cầu hưởng trợ cấp của Nhà nước dành cho người khuyết tật.
Ông Nguyễn Bảo Long, một cán bộ hưu trí ở xã Đạo Thạnh, thành phố Mỹ Tho, cũng là khách hàng thân tín của Hiệu giày Tiến Phát có vài nhận xét về ông Lê Quốc Huy: “Anh Huy cực kỳ tốt, giỏi quá rồi. Mặc dù anh khuyết tật nhưng rất nỗ lực vượt khó thành công. Đây là tấm gương mà những người khiếm khuyết noi theo”.
Hiện nay, dù đã có cuộc sống ổn định, người con ông đã thành đạt trong kinh doanh nhưng hàng ngày ông Lê Quốc Huy vẫn chăm chút công việc sản xuất kinh doanh.
Ông Huy cho biết, còn sức còn lao động để khẳng định mình dù bị tật nguyền nhưng vẫn có thể đóng góp cho gia đình và xã hội: “Riêng về lĩnh vực buôn bán thì phải đàng hoàng, chân thành với khách hàng, đừng có gian dối. Mình có thể làm ăn không phát đạt trong chốc lát, được sự tín nhiệm của khách hàng thì có thể tiến triển được. Tôi mà ngồi không ở nhà sẽ chán lắm, ngồi ở đây buôn bán, thứ nhất là giúp ích cho gia đình, thứ hai là nếu khách hàng cần gì mình có thể giúp người ta”.
Vượt lên số phận khẳng định mình trong cuộc sống của ông Lê Quốc Huy- một người khuyết tật ở Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang là tấm gương sáng cần được nhân rộng. Sự thành đạt trong cuộc sống của ông Lê Quốc Huy đã cho thấy, nếu cói ý chí, nghị lực và lòng quyết tâm, con người sẽ chiến thắng ngịch cảnh, đạt được niềm mong ước trong tầm tay./.
Việc làm cho người khuyết tật chồng chất khó khăn
Tăng số lượng người khuyết tật trong tương lai