Người có hoàn cảnh đặc biệt rất ít được tiếp cận dịch vụ xã hội
VOV.VN - Theo thông tin từ bộ LĐTB&XH, chỉ có khoảng 28% các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt được tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ xã hội.
Nghề Công tác xã hội cung cấp dịch vụ cần thiết đảm bảo phúc lợi và công bằng xã hội cho những người yếu thế. Tuy nhiên, diện bao phủ nghề này chỉ chiếm khoảng 28%, nhiều đối tượng xã hội, đặc biệt là những người có hoàn cảnh đặc biệt, được tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ xã hội còn rất hạn chế.
Đây là thông tin đưa ra trong hội thảo “Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nghề công tác xã hội” do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Hiệp hội Nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam tổ chức hôm nay (14/12), tại Hà Nội.
Hội thảo Hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển nghề Công tác xã hội. |
Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có 9 triệu người nghèo, 7,5 triệu người cao tuổi, 4 triệu người nhiễm chất độc da cam, 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt…, cần được xã hội quan tâm chăm sóc, bảo vệ…Số người thuộc diện trợ giúp cả về tinh thần lẫn vật chất rất lớn nhưng số người được tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ xã hội còn rất ít.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu, tư vấn Giáo dục nghề nghiệp và An sinh xã hội cho rằng, nghề công tác xã hội góp phần giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến sức khỏe, đời sống cộng đồng, từng cá nhân, từng nhóm nhỏ, những người yếu thế, gia đình và trẻ em. Nhưng hiện nay, khuôn khổ pháp lý cũng như các văn bản quy phạm pháp luật về công tác xã hội và thực hành nghề chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, quyền của người làm nghề này chưa được quy định cụ thể, dẫn đến việc trợ giúp gặp nhiều khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương kiến nghị: “Trách nhiệm thì phải có quyền lực. Sở dĩ người làm công tác xã hội vào gia đình người ta nhưng không có quyền lực vì luật pháp không quy định. Luật này phải ghi rõ, trách nhiệm đi kèm giám sát và giám sát ấy giao cho ai? Rõ ràng phải giao cho cả người làm nghề công tác xã hội. Vì họ đại diện cho hành chính để giám sát, khi đã giám sát thì có quyền lực. Vấn đề chúng ta quy định quyền lực đến đâu. Chúng ta phải quy định vào luật những vấn đề đó, và đó phải là luật cụ thể”.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, cần thiết phải xây dựng Luật thực hành nghề công tác tác xã hội. Luật này cần đồng bộ với các luật liên quan như Luật nghề Y dược, Luật nghề luật sư, Luật nghề tư vấn pháp luật…Bổ sung, điều chỉnh các quy định về vai trò, nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên công tác xã hội, các thủ tục giải quyết việc cung cấp dịch vụ công tác xã hội…
Ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết sẽ tiếp tục lấy ý kiến các cơ quan, ban ngành và người dân để hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nghề công tác xã hội: “Mỗi Luật phải có quy trình đánh giá tác động xã hội, đánh giá tác động xã hội, tác động kinh tế, tất cả vấn đề phải được đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện và phù hợp với thực trạng, điều kiện kinh tế, xã hội của chúng ta. Tôi dự kiến từ nay đến 2018 chúng tôi sẽ hoàn thiện bộ hồ sơ chuyển sang Bộ Tư pháp thẩm định, đề nghị, sau đó gửi báo cáo Chính phủ. Theo quy trình, chậm nhất đến tháng 3/2019 gửi sang báo cáo Thường vụ Quốc hội”./. Ấm lòng bữa cơm 1000 đồng cho người nghèo giữa Thủ Đô
Bà bán rau vỡ hụi tiền tỷ, nhiều người nghèo bơ phờ tiếc của