Người Cơ Tu đi hái măng rừng
VOV.VN - Mùa mưa là mùa đi hái măng rừng của người Cơ Tu. Họ đã biết đem măng rừng và các sản vật khác ra chợ trao đổi mua bán
Khi những cơn mưa bắt đầu rơi ngày càng nặng hạt hơn, lúa trên rẫy cũng đã sắp sửa chờ đến ngày thu hoạch cũng là lúc bà con Cơ Tu các thôn, bản các huyện vùng cao của huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam tranh thủ ra các bìa rừng để hái măng đem ra chợ bán kiếm thêm thu nhập.
Ngay từ sáng sớm, chị em gọi nhau thành chụm 3, chụm 4 lên rừng. Cuối chiều, những gùi măng chất đầy trên lưng được các chị em đưa về.
Măng rừng được các chị, các mẹ hái rồi gùi về |
Măng rừng trở thành hàng hóa
Trong vài năm gần đây, khi món ăn được chế biến từ măng ngày càng phổ biến, nhu cầu thu mua măng của bà con cũng cao, tại các làng hoặc ở chợ đều có điểm tập trung măng để các lái buôn đến thu mua. Nhờ đó, bà con đi hái măng về cũng thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ và giá cũng ổn định.
Măng là giống mọc tự nhiên trong rừng. Măng mọc quanh năm ở các vùng triền đồi, núi nhiệt đới. Đặc biệt, sau những đợt mưa, mưa kéo dài măng mới bắt đầu mọc. Cứ khoảng tháng 5 đến tháng 9 (âm lịch) rơi vào mùa mưa cũng là mùa măng mọc nhiều nhất. Vì vậy, cứ sau những trận mưa tháng Giêng, các gia đình người Cơ Tu ở phía Tây Quảng Nam lại bước vào mùa thu hoạch măng. Măng không chỉ là lương thực dự trữ lâu nay của bà con Cơ Tu trong mùa mưa lũ mà còn là sản phẩm mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình.
Bà Ating Thị Nhới ở thôn Trao, thị trấn P’rao, huyện Đông Giang cho biết “Mấy năm nay, bà con trong thôn ai cũng đi hái măng hết. Mỗi ngày mình cũng kiếm được một gùi măng, phần mình bán cho các quán, còn thì để dành chế biến mang ra chợ bán buổi sáng cùng với các rau rừng khác”.
Trên thị trường hiện nay, giá măng tươi đã lột vỏ bán được từ 5-7 ngàn/kg. Để bán được giá cao, nhiều gia đình tự chế biến măng tại nhà rồi mang ra chợ bán vào mỗi sáng với giá từ 10-15 nghìn/kg. “Bây giờ đang là mùa măng rừng nên bà con mang ra chợ bán đông lắm. Gia đình mình rất hay mua vì hàng hóa của người địa phương bán vừa an toàn, giá rẻ lại tươi ngon”. Chị Trần Thị Hà ở thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang nói.
Người già, trẻ nhỏ đều ra chợ bán măng rừng cùng các sản vật khác |
Ngoài bán măng tươi, măng đã qua chế biến, bà con Cơ Tu còn phơi khô để làm lương thực dự trữ cho những ngày mưa lũ. Cũng nhiều nơi bà con phơi khô dành để bán măng với giá từ 20-30 nghìn/kg. Năm nay, do mưa ít, mùa mưa đến muộn hơn mọi năm, diện tích đất rừng cũng ngày càng thu hẹp... nên măng mọc không được nhiều. Với người Cơ Tu, những sản vật của rừng như cây đót, măng rừng ... là nguồn thu nhập đáng kể cho bà con trong thời gian nhàn rỗi. Không chỉ người lớn mà cả trẻ con cũng tham gia hái măng và bán măng. Em Bhơ nướch Thị Hoài, học sinh lớp 6 ở thị trấn P’rao, huyện Đông Giang cũng giúp mẹ bán măng mỗi buổi sớm. “Sáng nào em cũng ra chợ bán măng giúp mẹ. Mẹ và các cô bác trong thôn lên rừng hái măng, còn trẻ con thì mang ra chợ bán. Mỗi sáng em bán được từ 30-50 ngàn đồng tiền măng và hai ba chục ngàn tiền bán các loại rau củ khác.”- Hoài tâm sự
Nhọc nhằn nghề hái măng rừng
Công việc hái măng cũng không đơn giản. Vì những bụi tre, lồ ô thường mọc trong rừng, măng mọc giữa các cây tre, lồ ô lớn, do đó người dân gặp khá nhiều vất vả. Những tai nạn do những gai tre đâm phải, rượt chân, té ngã trong lúc đi rừng hái măng vẫn xảy ra. Những bụi cây rậm rạp sau những đợt mưa cũng là nơi “trú ngụ” lý tưởng của nhiều loại côn trùng như muỗi, rắn, rết, vắt... nên bà con phải rất thận trọng với việc di hái măng rừng.
Không chỉ vùng phía Tây của Quảng Nam nổi tiếng với các loại món chế biến từ măng rừng, ở các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My bà con người Ca Dong, Xê Đăng, Cor cũng hái măng rừng để bán và làm thực phẩm ngon không kém. Một điểm chung ít ai biết, dù các sản vật mọc ở vùng Tây hay vùng Đông, tỉnh Quảng Nam thì người dân bản địa chốn non ngàn cũng rất biết cách khai thác và bảo vệ nguồn lợi của núi rừng. Bởi người dân hiểu rừng là nguồn sống, tạo ra nguồn lợi nuôi sống cho dân làng. Măng có sức sống mãnh liệt trên những mảnh đất cọc cằn, bạc màu. Người Cơ Tu, Ca Dong, Xê Đăng hay Cor ở chốn rừng thiêng Quảng Nam cũng như cây tre, cây măng vậy! Trải qua bao biến cố của cuộc sống, cộng đồng các nhóm dân tộc ít người nơi đây vẫn vượt qua khó khăn để tồn tại và ngày càng tiến bộ hơn ./.