Người dân ngóng, chủ đầu tư khóc vì …bãi đậu xe ngầm
VOV.VN - Với một đô thị lớn như TP.HCM thì nhu cầu đậu xe ở khu vực trung tâm là rất lớn. Trong khi đó, dù có nhiều kỳ vọng nhưng các dự án bãi đậu xe ngầm lớn vẫn nằm trên giấy 20 năm qua vì nhiều vướng mắc.
Người dân ngóng, nhà đầu tư khóc
Có mặt tại khu vực Công viên Lê Văn Tám, Quận 1, chúng tôi thấy trên vỉa hè hàng dài xe ô tô đang đậu tại đây. Lượng xe ô tô đậu khá kín khiến cho các xe đến sau phải loay hoay tìm chỗ đậu… Đây là một trong những địa điểm dự kiến làm bãi đậu xe ngầm nhưng mọi thứ vẫn đang nằm trên giấy.
Gần đó, tại tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, bên cạnh sân vận động Hoa Lư, một điểm được chọn làm bãi đậu xe ngầm khác, các tài xế tranh thủ đậu xe, nghỉ trưa…. Anh Nguyễn Xuân Anh Tuấn, lái xe cho một công ty cho biết, hằng ngày, sau khi đưa người của công ty đi làm, anh phải chạy lòng vòng tìm chỗ đậu miễn phí. Thỉnh thoảng hết chỗ, anh Tuấn đành liều đậu ngoài khung giờ ở một số địa điểm và từng bị phạt. Tuy nhiên, cá nhân anh Tuấn cho rằng phải có thêm nhiều bãi đậu xe, trải rộng ở khắp địa bàn TP để phù hợp với nhu cầu người dân:
"Giờ cũng chưa thấy các dự án đậu xe nhúc nhích gì. Nhưng nhiều lúc các chỗ đó đâu có phù hợp với mình chờ đón khách nên phải kiếm chỗ phù hợp. Đón khách xong kiếm chỗ đậu an toàn còn đậu mấy chỗ cấm đậu cũng đậu tạm, xui bị bắt thì chịu thôi", anh Tuấn nói.
Trao đổi với phóng viên VOV, ông Lê Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Không gian ngầm (IUS), chủ đầu tư dự án bãi đậu xe ngầm Công viên Lê Văn Tám, Quận 1 cho biết, đến nay công ty đã bỏ vào hơn 17 triệu USD để thực hiện dự án nhưng…kết quả cũng chỉ bằng không. Ông Tuấn cho biết nguyên do là bởi đã có xung đột giữa quyền lợi nhà đầu tư và quyền lợi công cộng. Trước những vướng mắc, khó khăn, TP đã để nhà đầu tư trơ trọi và lại có giải pháp theo kiểu chặn luôn cả cơ hội của các bãi đậu xe là cho phép xe đậu trên lòng đường để thu phí.
Thậm chí, ông Lê Tuấn cho rằng, hiện nay nếu các vướng mắc được giải quyết thì tính khả thi của các dự án bãi đậu xe ngầm cũng không còn. Trong 15 năm qua, TP vẫn đang loay hoay không có dự án nào hoàn thành là bởi đã không đứng trên quan điểm là làm bãi đậu xe ngầm là để phục vụ cho giao thông công cộng, tức là phải được hỗ trợ.
Với dự án bãi đậu xe ngầm công viên Lê Văn Tám, ông Lê Tuấn chua chát cho rằng, chỉ còn một tia hy vọng là khi tuyến metro số 5 đi vào hoạt động thì dự án sẽ khả thi. Tuy nhiên, cơ chế hiện nay sẽ không cho phép kéo dài thời gian để chờ đợi. Do đó, dự án đi vào ngõ cụt và số tiền đầu tư của chủ đầu tư xem như mất.
Ông Lê Tuấn phân tích thêm, nếu đưa vào các bãi xe lắp ghép cao tầng thì tính khả thi cũng không cao bởi đầu tiên là mất mỹ quan đô thị; thêm nữa suất đầu tư một chỗ đỗ xe rất cao, khi đưa vào hoạt động thì phải thu với mức khoảng 4 USD/h, quá cao so với thu nhập người Việt. Còn nếu ở mức 50 – 70.000 đồng/h thì nhà đầu tư lỗ và phải cả trăm năm mới hoàn vốn. Đó là chưa kể không thể cạnh tranh với mức giá thu phí đậu xe trên lòng đường vỉa hè ở khoảng 30 – 40.000 đồng/h như hiện nay.
"Sự thật là bây giờ các bãi đậu xe ngầm ở TP đều không có hy vọng. TP không thay đổi quan điểm, thị trường thì đã thay đổi từ lâu nên không có cách nào giải quyết. Đây là bài toán lằng nhằng. Trong khi đó, ở nước ngoài người ta làm bãi đậu xe thì TP phải bù giá, coi là hạ tầng phục vụ dân sinh công cộng. Mình thả nổi nên không làm được", ông Lê Tuấn nói.
Nhiều vướng mắc
Được biết, những dự án bãi đậu xe ngầm tại TP như Công viên Lê Văn Tám, Công viên Tao Đàn, Sân khấu Trống Đồng, Sân vận động Hoa Lư được TP kêu gọi đầu tư từ hơn 10 năm trước nhưng do nhiều nguyên nhân mà chưa thể thực hiện.
Cụ thể, dự án Công viên Lê Văn Tám, TP đã ký hợp đồng BOT với nhà đầu tư nhưng do nhiều nguyên do như nguồn vốn, thiết kế chi tiết, di dời các hạng mục…nên đến năm 2019, TP chỉ đạo dừng. Với dự án ở sân khấu Trống Đồng do vướng quy hoạch không gian ngầm với tuyến metro số 2 nên cũng bị ngưng.
Hai dự án còn lại TP cũng kêu gọi các nhà đầu tư nhưng quy hoạch không gian ngầm chưa có và phương thức đầu tư PPP hiện nay chưa có hình thức thương mại dịch vụ, trong khi nhà đầu tư đề xuất muốn kết hợp với tỷ lệ thương mại, dịch vụ từ 40 – 50% mới có hiệu quả. Do đó, dù nhu cầu bãi đậu xe là rất cấp thiết nhưng hiện nay rất khó thực hiện.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư TP.HCM nói: "Bãi xe thì nhu cầu rất bức xúc nhưng pháp lý để chúng ta thực hiện, thu hút đầu tư trong xây dựng thì vướng nhiều về quy hoạch không gian ngầm, an toàn cho công trình quan trọng quốc gia hay là các chỉ tiêu về thương mại dịch vụ trong các phương thức đầu tư để nhà đầu tư bù đắp kinh phí và có lợi nhuận. Tất cả những điều đó tạo nên cái vướng chung".
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng thừa nhận, thực trạng hệ thống bến bãi chưa đáp ứng nhu cầu người dân khi quy mô dân số đông, mật độ dân số lớn. Để giải quyết, TP đang thực hiện nhiều biện pháp tổng thể, khoa học. Đầu tiên là rà soát lại quy hoạch chung, TP đang chỉ đạo các sở, ngành rà soát, đánh giá, cập nhật bổ sung.
Bên cạnh đó, TP có các giải pháp để phù hợp với một siêu đô thị, phân định, quy định luôn bao nhiêu cho giao thông công cộng…có kế hoạch đầu tư phù hợp bến bãi và giao thông kết nối. TP cũng sẽ xác định các phương thức đầu tư phù hợp, có cơ chế kiến nghị sửa đổi, bổ sung phù hợp, đa dạng các loại hình đầu tư…
Trước mắt, TP đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để thông tin cho người dân biết về các điểm cho phép đỗ trên lòng đường, tránh chạy lòng vòng gây áp lực lên hệ thống giao thông và bị phạt. TP cũng tính toán việc phát triển các bãi đậu xe lắp ghép tạm để giải quyết bài toán chỗ đậu xe. Tuy nhiên, ông Trần Quang Lâm khẳng định, nếu chỉ đầu tư hạ tầng thì không bao giờ giải quyết bài toán ùn tắc giao thông mà bắt buộc phải phát triển giao thông công cộng.
"Bắt buộc chúng ta phải phát triển giao thông công cộng, phát triển giao thông công cộng là tất yếu với TP chúng ta để giải quyết câu chuyện giao thông bền vững, giảm ùn tắc, giảm ô nhiễm. phải có lộ trình giảm phương tiện giao thông cá nhân, có giải pháp hành chính, kinh tế và đồng bộ với phát triển giao thông công cộng", ông Lâm khẳng định.
Tính đến tháng 10/2022, TP đang quản lý gần 8,8 triệu phương tiện, trong đó số ô tô là gần 880.000. Mỗi ngày có thêm 217 xe ô tô đăng kí mới. Do đó, áp lực về chỗ đậu xe là rất lớn và đây là bài toán mà ngành giao thông cần sớm có lời giải để tránh tình trạng lòng đường, vỉa hè ken kín ô tô đậu đỗ, gây kẹt xe, ùn tắc, ảnh hưởng đến người dân./.