Người dân sống nơi cổng trời Cha Lo bớt lo sạt lở mùa mưa bão
VOV.VN - Khu tái định cư đồng bào dân tộc Chứt ở biên giới tỉnh Quảng Bình nằm trên quả đồi phía dưới chân núi Giăng Màn, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa. Bà con được bố trí tái định cư trong những ngôi nhà khang trang ở vị trí an toàn, song điều người dân còn lo lắng là thiếu đất sản xuất.
Khu tái định cư của đồng bào Chứt, bản Cha Lo, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình nằm đối diện với khu Di tích lịch sử Cổng Trời, trên tuyến Quốc lộ 12A, cách Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo khoảng 8km. Khu tái định cư này hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2021. Đây là nơi ở mới của 34 hộ gia đình với 130 nhân khẩu đồng bào Chứt. Mỗi căn nhà mới có diện tích 50m2, trị giá 150 triệu đồng do Ngân hàng Phát triển Châu Á tài trợ và nguồn vốn đối ứng của huyện Minh Hóa.
Trước đây, gia đình bà Cao Thị Trực, ở bản Cha Lo, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa sống tại bản cũ, nhà sàn tạm bợ, lợp bằng lá cây rừng. Những đợt mưa lớn cuối năm 2020, cả 2 quả đồi phía sau bản xuất hiện 2 vết nứt kéo dài. Năm 2021, bà con được hỗ trợ di dời đến nơi ở mới.
Bà Cao Thị Trực tâm sự, có nhà xây kiên cố, không còn nỗi lo sạt lở đất nhưng chưa thể lạc nghiệp vì thiếu đất sản xuất: “Vất vả thiếu thốn về tiền bạc, ăn uống vật chất sinh hoạt thôi chứ nhà cửa bây giờ sướng rồi. Nước sinh hoạt cũng đầy đủ không thiếu nữa, thấy thoải mái an toàn hơn so với trước đây. Nhà cửa giờ đã ổn định hơn rồi. Hiện tại mong muốn làm sao nhà nước cấp cho mỗi hộ diện tích đất sản xuất để trồng lúa, trồng ngô mà ăn. Đồng bào ở đây sống bằng nghề nương rẫy mà giờ không làm được nương rẫy thì không có gì sống”.
Khu tái định cư bản Cha Lo có đường đổ bê tông, hệ thống điện lưới đến từng nhà. Bản cũng có bể chứa nước lớn cung cấp nguồn nước sạch cho mọi người. Nhìn bề ngoài, khu tái định cư bản Cha Lo khá khang trang nhưng vẫn còn thiếu trường học, nhà vệ sinh, nhà sinh hoạt cộng đồng và thiếu đất sản xuất.
Ông Hồ Thông, Trưởng bản Cha Lo cho biết, đồng bào hầu hết dựa vào nghề nông. Nơi ở mới không có đất canh tác, bà con phải về lại nơi ở cũ để trồng trọt, chăn nuôi.
“Dân ở bản ai cũng mừng khi thấy nhà cửa khang trang, kiên cố. Ở đây vùng đồi núi nhưng an toàn hơn bản cũ. Bây giờ, nhà cửa ổn định rồi hy vọng cấp trên hỗ trợ thêm đất sản xuất, giống vật nuôi để bà con chăn nuôi phát triển kinh tế”, ông Hồ Thông nói.
Toàn huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình có gần 3.000 hộ dân với gần 13.000 nhân khẩu đang sống trong vùng nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất cần di dời, tái định cư. Tại huyện miền núi này cũng xuất hiện hơn 70 điểm sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.
Ông Đinh Minh Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết, địa phương đang lập dự án để bố trí 5 điểm làm khu tái định cư cho người dân vùng nguy cơ sạt lở, ngập lụt: “Về lâu dài, UBND huyện cũng tranh thủ nguồn vốn để xây dựng các khu tái định cư để người dân có chỗ ở ổn định và phát triển sản xuất”.
Tỉnh Quảng Bình là địa phương thường xuyên hứng chịu thiên tai. Hàng nghìn hộ dân đang trong diện di dời nếu mưa lớn kéo dài, gây ngập lụt. Nhu cầu về tái định cư đối với người dân vùng sạt lở rất lớn nhưng thiếu nguồn kinh phí. Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, ngành đã lập danh mục các khu dân cư, công trình hồ, đập, đê, kè xung yếu, bị hư hỏng nặng, có nguy cơ mất an toàn trước mùa mưa bão và báo cáo UBND tỉnh xem xét, ưu tiên phân bổ nguồn đầu tư.
“Nguy cơ sạt lở là vấn đề rất lo. Đây cũng là vấn đề mà Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai Tìm kiếm cứu nạn của tỉnh quan tâm nhất. Nguy cơ sạt lở rất cao ở các khu dân cư sống gần đồi núi. Vừa rồi, Sở Nông nghiệp cũng phối hợp với các địa phương rà soát, có một số nguy cơ rất cao ở các bản làng thuộc huyện Minh Hóa. Đề nghị các địa phương theo dõi diễn biến thời tiết, nếu có mưa lớn phải có phương án đảm bảo tính mạng, tài sản cho người dân mùa mưa bão”, ông Mai Văn Minh cho hay.