Người lính làm hồi sinh những "vùng đất chết"
VOV.VN - Hàng ngày đối diện nguy hiểm, song những người lính công binh vẫn cần mẫn dò từng mét đất để rà phá bom, mìn.
Vui mừng khi dự án rà phá bom mìn đang được triển khai trên địa bàn, ông La Giáu Khèn, Chủ tịch xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn cho biết, sau khi bộ đội rà phá, giải phóng đất đai, chính quyền địa phương sẽ xin ý kiến để giao đất cho bà con phát triển thêm sản xuất.
“Do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh nên nhiều diện tích bị ô nhiễm bà con không thể chủ động khai thác vì lo ngại mất an toàn. Đất ở đây rất phù hợp bạch đàn, keo, thông. Nay bộ đội về rà phá, địa phương sẽ có thêm quỹ đất để giao cho bà con khai thác để nâng cao đời sống”, ông La Giáu Khèn cho biết.
Ông Hoàng Dương Bồng, Phó Chủ tịch xã Quốc Khánh cho biết thêm, kể từ sau chiến tranh, địa phương đã có hàng chục người bị thương vong do bom mìn còn sót lại. Có người mất cả vợ con, một số người bị thương nên gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, sinh hoạt.
“Được sự quan tâm và đầu tư của Đảng, Nhà nước về rà phá bom mìn, 100ha đất ở địa phương đã được giải phóng. Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn vẫn còn hơn 300ha bị ô nhiễm. Nay lại thấy bộ đội về rà phá, bà con rất vui vì sẽ có thêm diện tích để phát triển kinh tế đồi rừng, ổn định cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo”, ông Hoàng Dương Bồng cho biết.
Bom mìn được rà phá, người dân yên tâm đi rừng, làm nương |
Có thể nói, bom mìn còn sót lại sau chiến tranh là mối nguy hiểm thường trực đối với sự tính mạng và sức khỏe của nhân dân, ảnh hưởng tới nhiều mặt đời sống xã hội. Đặc biệt, với những người nghèo không may gặp nạn, cuộc sống vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Ông Hoàng Văn Hảo (44 tuổi), ở thôn Bó Luông, xã Quốc Khánh, bị thương bên sườn do mìn phát nổ khi đi chặt cây về dựng nhà cách đây 20 năm. Cuộc sống gia đình cũng gặp nhiều khó khăn hơn kể từ đó. “Chỉ mong sao không còn bom, mìn để đi rừng, làm nương an toàn”, ông nói.
Còn ông Đàm Văn Học (52 tuổi), sống tại thôn Nà Nưa, xã Phúc Khánh, bị cụt tay do mìn sót lại khi san nền nhà. Nhà có 5 miệng ăn trong khi lao động chính mang thương tật, kinh tế gia đình cũng vì thế bị ảnh hưởng nhiều.
“Làm ruộng may ra chỉ đủ ăn, cũng không dám đi rừng, làm nương vì sợ bom, mìn nên hoàn cảnh gia đình tôi gặp nhiều khó khăn. Tôi rất vui khi bộ đội tiếp tục dọn sạch bom, mìn còn sót lại để bà con có thêm đất sản xuất, yên tâm đi lại”, ông Học nói.
Cần mẫn giải phóng từng mét đất
Với những người lính công binh, ngoài việc hàng ngày đối diện với nguy hiểm, các anh còn phải vượt qua biết bao điều kiện khó khăn về địa hình, thời tiết khí hậu, điều kiện sinh hoạt. Nhiều khi phải đi bộ nhiều kilomet để đến điểm rà phá do địa hình trắc trở, xe không thể tiếp cận, có lúc phải dầm mình trong nắng nóng như thiêu đốt hay sương lạnh ngày đông, nhưng với người lính công binh, niềm vui khi hoàn thành nhiệm vụ xua tan tất cả khó khăn, là động lực để họ cần mẫn dò tìm, làm hồi sinh những “vùng đất chết”.
Đại úy Đào Tuấn Anh (Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn- Binh chủng Công binh) đã có 14 năm kinh nghiệm trong rà phá bom, mìn cho biết: “Tùy điều kiện địa bàn, anh em dựa dân để được giúp đỡ, nhưng cũng có khi phải dựng lán trại, cắt cử nhau kiếm củi cho nhà bếp nấu ăn. Bất kể địa điểm, thời gian và thời tiết, khi có lệnh là anh em chấp hành”.
Có một kỷ niệm mà Đại úy Đào Tuấn Anh nhớ mãi, đó là khi anh cùng đồng đội “đánh vật” để đưa được quả bom nặng 500 bảng Anh dưới vực sâu ở Quảng Bình đến vị trí xử lý. “Lúc đó trời nắng như thiêu như đốt nhưng anh em đều động viên nhau cố gắng hết sức. Mỗi quả bom được xử lý, ngoài việc người dân được an toàn còn góp phần giải phóng đất đai cho bà con sản xuất. Đó chính là nhiềm vui lớn nhất để anh em phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ”.
Đại úy Đào Tuấn Anh (Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn- Binh chủng Công binh) đang dò tìm bom, mìn ở xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn |
Chiến sĩ Nguyễn Tiến Sĩ (Lữ đoàn 575 Quân khu 1) cho biết, anh tham gia đội dò bom mìn từ năm 1996. Công việc nguy hiểm, thường xuyên xa nhà, nhưng nhờ “hậu phương vững chắc” nên anh luôn cố gắng vượt mọi khó khăn.
“Vợ con đều hiểu và động viên chồng hoàn thành nhiệm vụ, làm sạch đất do nhân dân canh tác. Ở những nơi mình từng đi qua, người dân rất quý mến. Đó là nguồn động viên rất lớn với chúng tôi”, anh chia sẻ.
Đại tá Nguyễn Xuân Tùng, Phó Tư lệnh Binh chủng Công binh cho biết, các lực lượng công binh quán triệt và thực hiện nghiêm các mệnh lệnh, chỉ thị cũng như chuẩn bị trang thiết bị để thi công ở mọi khu vực, với trách nhiệm cao nhất là bảo đảm an toàn cho người, thiết bị, giải phóng đất đai phục vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương.
“Rà phá bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh là nhiệm vụ lớn và lâu dài, đòi hỏi có đầu tư về nhiều mặt. Đối với đội ngũ cán bộ chiến sĩ luôn trách nhiệm, tập trung lực lượng cao nhất theo nhiệm vụ cấp trên giao, vì cuộc sống bình yên của nhân dân, góp phần vào sự phát triển của địa phương và đất nước”./.