Người thầy gần 20 năm dạy bơi miễn phí cho trẻ em vùng sông nước
VOV.VN - Suốt 20 năm qua, không những dạy cho gần 1.000 trẻ em biết bơi, thầy Lê Trung Sứng còn có công phát hiện, đào tạo nhiều VĐV bơi lội.
Thầy Lê Trung Sứng đang hướng dẫn các em bơi
Khi những đôi bàn chân quẫy đạp nước bì bõm cùng tiếng cười, nói xôn xao, sôi động cả một khúc sông, người dân trong vùng đều biết, đây chính là thời điểm thầy giáo Lê Trung Sứng - giáo viên của Trường tiểu học Long Hòa 1, quận Bình Thủy (thành phố Cần Thơ) đang dạy bơi cho các em.
Em Thái Thị Băng Tâm, 11 tuổi, ở khu vực Bình Yên B, phường Long Hòa, quận Bình Thủy (thành phố Cần Thơ) kể: “Thầy dạy em bơi từ lớp 2, lớp 3. Giờ em bơi rất rành và giỏi, chỗ nào, sông nào cũng biết bơi”.
Ở nông thôn không có hồ bơi khang trang như ở các trung tâm Thành phố nên để có điểm dạy bơi, thầy giáo Lê Trung Sứng phải lặn lội khảo sát, tìm kiếm những đoạn sông, con rạch hoặc ao, mương, thích hợp. Không thể tính được số giờ, số lần, số buổi mà người thầy này đã ngâm mình dưới nước để dạy bơi cho các em. Chỉ biết, trong 31 năm làm thầy giáo, thì đã có tới gần 20 năm thầy tranh thủ thời gian sau giờ lên lớp để dạy bơi và số trẻ em được thầy dạy cho biết bơi đã lên đến con số gần 1.000.
Trẻ em thường năng động, hiếu kỳ, bình thường rèn dạy ở trên bờ đã khó, đằng này lại đưa xuống nước mỗi lần từ 20 đến 40 em để tập luyện nên càng vất vả, khó nhọc hơn. Vậy mà, suốt khoảng thời gian dài, thầy giáo Lê Trung Sứng vẫn không ngại gian nan, một lòng tập luyện cho các em biết bơi. Những lúc thấy một mình không thể vừa dạy bơi, vừa quản lý các em, thầy lại nhờ bảo vệ trường, một số phụ huynh đứng trên bờ giám sát.
Thầy Lê Trung Sứng bộc bạch: “Dạy cho các em chưa biết bơi gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi phải chuẩn bị rào chắn, sân bãi cho đảm bảo, rồi phải có một lực lượng cứu hộ kịp thời cứu nạn cho các em khi bị chuột rút hoặc có hiện tượng khác. Khi dạy các em phải chọn con nước lớn, nước trong thì mới đảm bảo”.
Có thể nói, người dân trong vùng trân trọng, yêu mến thầy Sứng ở tấm lòng mà thầy dành cho những đứa trẻ ở miệt vườn, sông nước còn lắm khó khăn này. Bởi suốt gần 20 năm qua, thầy toàn tâm, toàn ý dạy bơi miễn phí cho các em. Cũng trong ngần ấy năm, những lớp dạy bơi do thầy đảm trách chưa xảy ra sự cố đáng tiếc nào.
Không chỉ dạy cho các em biết bơi, thầy Lê Trung Sứng còn có công phát hiện, đào tạo nhiều học trò để sau này một số em đã có điều kiện phát triển trở thành những vận động viên bơi lội nổi tiếng trong, ngoài nước như Ngô Minh Nhanh, Nguyễn Văn Nhân, Nguyễn Thị Ánh Viên…
Ông Nguyễn Văn Mà, ở khu vực Bình Yên A, phường Long Hòa, quận Bình Thủy cho biết: “ Con tôi là Nguyễn Văn Nhân, học trò bơi của thầy Sứng. Nhân đi thi đấu được nhiều Huy chương vàng, riêng biệt có 2 Huy chương vàng Đông Nam Á năm Nhân 11 tuổi. Hầu như trong khu vực Bình Yên A này, thầy Sứng dạy tất cả, em nào cũng biết bơi hết. Thầy Sứng dạy không lấy tiền gì hết, thành ra chúng tôi mang ơn thầy Sứng nhiều lắm”.
Thầy Lê Trung Sứng tâm sự, ở Việt Nam, trung bình một ngày có khoảng mười trẻ em tử vong do đuối nước. Tính ra mỗi năm tai nạn đuối nước đã cướp đi sinh mạng của 3.500- 4.000 trẻ em trong cả nước. Tỷ lệ đuối nước của trẻ em Việt Nam cao nhất trong khu vực và gấp mười lần các nước phát triển.
ĐBSCL có hệ thống sông, rạch chằng chịt, với tổng chiều dài khoảng 28.000km, chưa kể đến diện tích mặt nước rộng lớn từ những ao, hồ quanh nhà, khu nuôi trồng thủy sản, do đó đây là vùng có số trẻ em tử vong do đuối nước cao. Thực trạng này chính là động lực thôi thúc thầy tự nguyện tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em trong vùng nhằm hạn chế những cái chết thương tâm do không biết bơi.
Sau gần 20 năm dạy bơi miễn phí, đến thời điểm này, thầy Lê Trung Sứng vẫn chưa có ý định ngơi nghỉ. Hiện nay, ngoài việc giảng dạy ở trường, dạy bơi miễn phí cho các em trong vùng, thầy còn đảm nhận việc đào tạo, tập huấn cho nhiều giáo viên ở các trường trong Thành phố để tiến tới thực hiện mục tiêu mà ngành giáo dục Cần Thơ là xóa mù bơi lội trong học sinh tiểu học và Trung học cơ sở.
Nhiều phụ huynh ví von: sông, rạch thì có nước lớn, nước ròng; bên lở, bên bồi; chỗ sâu chỗ cạn nhưng tấm lòng của thầy Lê Trung Sứng đối với trẻ em vùng sông nước thì luôn đầy ắp, dạt dào, chan chứa yêu thương./.