Nguy cơ mất an toàn giao thông từ xe tắc-tơ tự chế ở Bắc Kạn
VOV.VN - Xe tắc tơ không được đăng ký, đăng kiểm đúng quy định, các cơ quan chức năng lại chưa có chế tài để quản lý cụ thể, loại phương tiện này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông rất lớn.
Dọc quốc lộ, tỉnh lộ cho đến đường liên thôn, liên xã ở tỉnh Bắc Kạn, dễ dàng bắt gặp những chiếc tắc-tơ, loại xe tự chế sử dụng đầu kéo nông nghiệp gắn thêm thùng chở hàng cồng kềnh vượt gấp đôi, gấp ba chiều cao thùng cũng như chiều dài thân xe. Hàng hóa thường là nông sản như ngô, thóc lúa và các loại lâm sản như tre, gỗ. Với đặc điểm nhỏ, gọn, máy khỏe, bánh lốp cỡ lớn nên loại xe này có thể vượt qua qua những địa hình đồi dốc khó đi. Giá của mỗi chiếc xe này cũng chỉ khoảng từ 80 đến 150 triệu đồng và người dân không cần qua bất cứ trường lớp đào tạo nào cũng có thể điều khiển được. Vì lẽ đó, vài năm gần đây loại xe tắc-tơ phát triển nhanh về số lượng, ngẫu nhiên trở thành một loại phương tiện khá phổ biến.
Trên thực tế, đã có nhiều vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra. Thậm chí, tại huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn đã có 2 người tử vong vào cuối tháng 9 năm ngoái. Ông Nông Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông cho rằng: "Để làm sao đảm bảo an toàn giao thông cũng như an toàn tính mạng cho người dân cũng là trăn trở hiện nay. Chúng tôi mong làm sao các cơ quan chức năng có chế tài, hoặc có cấp phép hay đào tạo, bồi dưỡng để có đội ngũ lái xe có chứng chỉ, giấy phép nào đó để anh em lái xe có tay nghề vững vàng. Mục đích cuối cùng đó là làm sao vẫn duy trì phương tiện này nhưng đảm bảo tính mạng và nâng cao giá trị, hiệu suất công việc của bà con nhân dân".
Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn, trên địa bàn hiện có khoảng 1.400 xe tắc-tơ không qua đăng ký, đăng kiểm, phần lớn không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc... Khi nhập khẩu về đã được chủ phương tiện gia công, tự chế thêm phần thùng chở hàng để kéo phía sau; phương tiện cũng không có còi, đèn tín hiệu…
Thượng tá Dương Ấu Bình, Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Kạn cho biết: "Vấn đề khó hiện nay đó là không xác định được loại phương tiện này là xe máy kéo hay xe máy nông nghiệp, nếu là xe máy kéo thì phải đăng ký, đăng kiểm còn máy nông nghiệp thì không cần. Việc xác định dòng xe này là loại gì hiện cơ quan chức năng vẫn còn đang nghiên cứu. Lực lượng CSGT hiện nay chủ yếu tăng cường việc tuyên truyền và tuần tra, kiểm tra, cho các chủ phương tiện ký cam kết không tham gia giao thông trên các tuyến quốc lộ, chỉ dùng máy này cho phục vụ nông nghiệp. Hiện chủ yếu cũng chỉ dừng ở mức tuyên truyền như vậy còn xử lý vẫn đang gặp khó".
"Biết rồi, khổ lắm, nói mãi" - nguy cơ tai nạn giao thông là hiện hữu nhưng sự lúng túng của cơ quan chức năng trong quản lý, xử lý vi phạm phương tiện giao thông khá phổ biến này ở miền núi là có thật. Nếu không sớm có chế tài giải quyết dứt điểm thì rõ ràng là "lợi bất cập hại"./.