Nhiều bài học quý từ một Bí thư Đảng ủy xã kỳ cựu

VOV.VN -Ông Quang Văn Thỉnh đã góp nhiều công sức giúp nhân dân trong xã thoát khỏi đói nghèo, có cuộc sống ngày càng giàu mạnh.

Năm nay 72 tuổi, ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông Quang Văn Thỉnh vẫn được cán bộ, đảng viên, nhân dân trong xã tín nhiệm đề nghị tiếp tục làm Bí thư Đảng ủy xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai, Hà Nội và không cho ông về hưu bởi ông đã có công làm cho nhân dân trong xã thoát khỏi đói nghèo, có cuộc sống ngày càng giàu mạnh.

Đi trước một bước trong quy hoạch đất đai

Theo đồng chí Trần Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thanh Văn, đội ngũ cán bộ lãnh đạo trong xã học tập được ở đồng chí Bí thư nhiều bài học quý trong công tác lãnh đạo, điều hành. Nhân dân trong xã thường gọi đồng chí là “Ông Bí thư” một cách gần gũi và thân thiện.

Với sự kính phục, người dân trong xã gửi tặng ông Quang Văn Thỉnh một bình hoa thật đẹp tại phòng làm việc

Vốn là người từng làm trong ngành Thủy lợi, ông Quang Văn Thỉnh nhìn thấy ngay những gì cần làm trên những cánh đồng chiêm trũng quê mình. Vậy là, ngay từ năm 1987, khi ông được bầu làm Bí thư Đảng ủy, ông đã đưa ra việc cần phải quy hoạch, quản lí, sử dụng đất hợp lí, khoa học, lâu dài. Theo quy hoạch, xã giao đất cho dân sử dụng ổn định, lâu dài nhưng vẫn giữ lại diện tích khá lớn để phát triển giao thông và hệ thống hạ tầng. Do vậy, sau này, khi làm đường nội đồng, xây dựng trường học, nhà văn hóa… xã có sẵn quỹ đất để thực hiện, không phải vận động dân hiến đất và không mất tiền đền bù.

Đến nay, Thanh Văn hiện có 21km đường nội đồng đã bê tông hóa, rộng 6m, dày 0,2m, thuận tiện cho việc sử dụng ô tô và máy nông nghiệp. Đường nội đồng này do Thanh Văn thiết kế, thi công, dưới sự giám sát của nhân dân nên không thất thoát một kg xi măng, một xô cát nào. Theo tính toán của UBND xã, tổng kinh phí làm đường chưa tới 100 tỉ đồng, trong khi nếu công ty nhà nước thi công theo đơn giá thì mất tới 130 tỉ đồng. Toàn bộ kinh phí này là do dân đóng góp, không phải vay ngân hàng hay Nhà nước hỗ trợ.

Cũng từ việc quy hoạch đất đai trước nên Đảng ủy xã đã thấy rõ được nông dân trong xã có nhiều mảnh ruộng ở xa nhau, mất công canh tác mà hiệu quả thấp. Bí thư Đảng ủy lại một lần nữa có tiếng nói quyết định khi đưa ra chủ trương phải dồn điền, đổi thửa cho nhân dân để có quy mô sản xuất tốt nhất. Từ chủ trương đó, những thửa ruộng rộng rãi, vuông vắn được chia lại cho người dân, những máy móc hiện đại đã có thể xuống ruộng giải phóng sức lao động cho bà con nông dân. Từ chỗ mỗi hộ có hàng chục mảnh ruộng ở các địa điểm khác nhau, nay chỉ còn một, hai thửa, từ 500 m2 đến 1.000 m2.

Toàn bộ đường nội đồng của xã Thanh Văn được đổ bê tông với độ rộng 2 xe công nông tránh nhau 



Có cánh đồng mẫu lớn, dĩ nhiên phải sản xuất hàng hóa. Hệ thống kênh mương nội đồng được xây dựng kiên cố, chủ động tưới tiêu, đi liền với việc đưa giống mới có năng suất, chất lượng cao như lúa Bắc thơm vào sản xuất, xã Thanh Văn đã xây dựng được thương hiệu "gạo Bồ Nâu" có uy tín. Tại Hội chợ nông nghiệp cuối năm 2013, xã đưa đi hai tấn, chỉ một ngày đã bán hết. Đường đẹp, ruộng to, nhân dân ngày càng được ấm no nhờ vào làm ruộng.

Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, Bí thư Đảng ủy xác định, “nếu chỉ làm nông nghiệp thì chỉ đủ ăn nhưng không giàu được, tôi không làm giúp được nông dân, nhưng có thể nghĩ được cho người khác”. Nói thế, ông lại có ý nên khuyến khích nhân dân làm kinh tế trang trại, hướng tới sản xuất đa ngành, lợi nhuận cao và phát triển làng nghề. Nhưng việc đi trước một bước không phải ai cũng chấp nhận cho ý tưởng của ông, của xã, tuy nhiên, sự thực về phát triển kinh tế trang trại mang lại việc làm và lợi nhuận của nhân dân trong xã đã được nhân dân hoàn toàn ủng hộ. Kết quả tích cực đó là báo cáo tốt nhất để ông và lãnh đạo xã được công nhận. Đến nay, xã đã có gần 50 trang trại lớn nhỏ, trồng lúa cao sản, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm và mở du lịch sinh thái theo hướng sản xuất hàng hóa. Phong trào làm chăn, ga, gối, đệm, khâu nón được tổ chức phát triển, tăng thêm thu nhập cho nhân dân. Nhờ có thêm các ngành, nghề phụ, Thanh Văn từ một xã yếu kém, nay đã hạ thấp diện hộ nghèo (theo tiêu chí chưa làm được nhà xây kiên cố) xuống còn 4%. Bước sang năm 2014, Thanh Văn có đến hơn 60% nhà tầng khang trang, đường làng, ngõ xóm, đường ra cánh đồng sạch đẹp.

Dựa vào sức mạnh của dân

“Ở một vùng nông thôn mà nông dân được hưởng lương, đảng viên cao tuổi được hưởng trợ cấp như ở xã Thanh Văn là niềm mơ ước của hàng triệu nông dân trong cả nước” - Bà Phạm Thị Nhật, người nông dân gốc trong xã chia sẻ. Bà cho biết, anh em, họ hàng nhà bà ở các tỉnh khác cũng thấy vui mừng vì cùng là người già như bà, nhưng ở xã này mới được hưởng như thế. Bà bày tỏ sự kính phục đối với Bí thư Đảng ủy xã Quang Văn Thỉnh cũng như sự đoàn kết, nhất trí của tập thể Đảng bộ, chính quyền trong xã cho nên mới có nhiều chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân và được nhân dân ủng hộ.

Bà Nhật kể về Quỹ Bảo hiểm và phúc lợi xã mà người dân vẫn gọi là “Quỹ Lương hưu” được thành lập năm 1989, lấy ngày 1/1 hằng năm là ngày truyền thống. Thời gian đầu, do nhiều lí do, quỹ thất bại. Đến năm 2000 Đảng ủy quyết định tái lập quỹ từ 3 nguồn: Các cơ sở kinh doanh, các cá nhân, tập thể hảo tâm đóng góp, các thành viên tham gia. Nhân dân đóng góp theo 2 hình thức: Đóng 20.000 đồng/tháng trong vòng 20 năm (tương đương 4,8 triệu đồng); hoặc góp ngay 4,8 triệu đồng. Các thành viên sẽ nhận lương hưu từ lúc 60 tuổi, mức hưởng 350.000 đồng/tháng cho đến hết đời.

Sau hơn 10 năm tích lũy, từ 19/4/2011, quỹ chính thức khai trương với số vốn 20 tỉ đồng và có 250 thành viên tham gia (có 196 người từ 60 tuổi trở lên). Sau 2 năm, quỹ tăng lên 45 tỉ đồng, với 1.500 thành viên tham gia. Ông Thỉnh cho biết, với vốn 45 tỉ đồng, lãi suất hằng tháng là 450 triệu đồng, chỉ chi hết 250 triệu đồng, số dư sẽ nhập vào gốc. Theo lộ trình, từ ngày 1/1/2014, lương hưu sẽ tăng lên thành 400.000 đồng/người/tháng; từ ngày 1/1/2015 sẽ tăng lên 500.000 đồng/người/tháng. Cứ đến ngày 15, 16 hằng tháng, gần 700 nông dân từ 60 tuổi trở lên, thuộc các thôn Bạch Nao, Quan Nhân, Tam Ða... lại nhộn nhịp ra trụ sở UBND xã để nhận "lương hưu". Mỗi lần như vậy, họ lại được cầm trên tay bản thông báo mới của HÐQT Quỹ cho biết đến thời điểm này tổng thu bao nhiêu, chi ngần nào, số người tham gia tăng bao nhiêu.

Theo bà Phạm Thị Nhật, nếu gửi các tổ chức tín dụng khác thì phải đủ thời gian mới được rút tiền, còn ở đây, những người 60 tuổi đóng đầu tháng thì cuối tháng được rút tiền luôn. Đó là cái hay và ưu điểm của Quỹ nên người già chúng tôi hưởng ứng rất nhiệt tình, giờ đây, nông dân cũng có thể giàu, người neo đơn, hoạn nạn cũng không sợ bị đói. Bà Nhật kể lại: “Tôi còn nhớ những năm 1980, Thanh Văn là xã nghèo nhất huyện Thanh Oai, là nơi được gọi là đất Chiêm khê, Mùa thối, có đến 40% hộ nghèo mới thấy được sự đổi thay và thành tích đáng nể của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã tôi”.

Để công khai, minh bạch số tiền của nhân dân, ngày đầu tiên của năm mới (1/1) hằng năm, Đảng ủy, chính quyền xã làm lễ tổng kết, có mặt đầy đủ các thành viên tham gia Quỹ. Sau lễ dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và lễ chào cờ, Bí thư Đảng ủy Quang Văn Thỉnh thay mặt Hội đồng Quản trị Quỹ dõng dạc nói trước nhân dân: “Chúng tôi xin thề: Ai đụng đến Quỹ Lương hưu của nông dân một cách bất chính, dù chỉ một đồng, thì trời tru đất diệt”, tiếp đó, lãnh đạo xã đồng thanh “Xin thề! Xin thề!”.

Khi hỏi về câu thề này, Bí thư Quang Văn Thỉnh giải thích rõ, “thề trước nhân dân là phải thề vận vào người mình, như thế, tự mình mới nghiêm túc thực hiện có kết quả tốt thì nhân dân mới tin tưởng. Tạo được lòng tin cho nhân dân là việc khó nhất, nhưng nếu làm được thì tôi mới có thể làm được tất cả các việc trong xã”.

Ðể thật sự là công bộc của dân, mỗi kỳ sinh hoạt chi bộ, mỗi khi Ðảng ủy kiểm điểm các công việc, từng cán bộ, đảng viên trong Ðảng bộ đều tự soi mình trước những lời căn dặn của Bác Hồ. Những câu nói của Bác: “Tất cả vì lợi ích của nhân dân” và “Cái gì có lợi cho dân phải hết sức làm. Cái gì có hại cho dân phải hết sức tránh" trở thành khẩu hiệu hành động treo trang trọng trong trụ sở xã, cũng là lời nhắc nhở hằng ngày, lời tâm nguyện, lời hứa của cán bộ, đảng viên xã Thanh Văn.

Để có được những thành công như Thanh Văn, theo Bí thư Đảng ủy xã Quang Văn Thỉnh, đó là xuất phát từ chủ trương thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở theo Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị Khóa VIII. Toàn bộ các chủ trương của Đảng ủy, Mặt trận, chính quyền, hợp tác xã đều đưa ra cho nhân dân tự do bàn bạc, góp ý, đến khi đạt đồng thuận cao mới thực hiện. Khi thực hiện thì đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của nhân dân. Những người đại diện cho dân giám sát các công trình chọn trong những người nổi tiếng kĩ tính ở địa phương, luôn săm soi các thiếu sót của người xung quanh. Các công trình lớn như trường mầm non, khu sinh hoạt văn hóa, di tích lịch sử lần lượt được đầu tư xây dựng, trùng tu, làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

Cũng vì những gì làm được cho nhân dân trong xã nên năm 2014 cũng là năm thứ 28 liên tiếp ông làm bí thư Đảng ủy xã. Ông cũng đã có tuổi và nhiều lần xin nghỉ, nhưng nhân dân trong xã không cho nghỉ và cùng đề nghị ông tiếp tục làm Bí thư cho tới khi nào chân chậm, mắt mờ. Những lãnh đạo xã qua nhiều thời kỳ và những người đương nhiệm đều nói về đồng chí Quang Văn Thỉnh với một lòng thán phục khôn xiết.

Có những người từng làm Chủ tịch UBND xã, trong quy hoạch lên huyện mà quyết ở lại làm Phó Bí thư, cùng sát cánh bên ông ở xã. Hiện có 2 cán bộ xã có trình độ Thạc sỹ đã từng công tác tại các đơn vị khác cũng đã tình nguyện về đầu quân cho Thanh Văn để học hỏi kinh nghiệm lãnh đạo từ ông. Đó là món quà lớn lao nhất mà cán bộ, đảng viên và nhân dân giành tặng người Bí thư Đảng ủy xã Quang Văn Thỉnh./.
 

"Ngày 1/8/2010, Đại hội lần thứ 22 của Đảng bộ xã Thanh Văn nhiệm kỳ 2010- 2015 khai mạc. Chủ trương của Huyện uỷ Thanh Oai là nhiệm kỳ này ông Quang Văn Thỉnh sẽ nghỉ, vì tính đến lúc đó, ông đã làm Bí thư Đảng uỷ liên tục 7 khoá, tuổi cũng đã 70. Một đoàn cán bộ, trong đó có 3 Phó Bí thư Huyện uỷ, đã được Huyện uỷ cử về Thanh Văn để dự đại hội và chỉ đạo trực tiếp.

Tại đại hội, Phó Bí thư Huyện uỷ phụ trách cơ sở Đảng đã công bố quyết định của Huyện uỷ để ông Quang Văn Thỉnh, Bí thư Đảng uỷ xã đương nhiệm, nghỉ hưu. Bản thân ông Thỉnh cũng xin nghỉ với lý do tuổi cao. Nhưng ngay lập tức, hàng chục đảng viên đã liên tiếp có ý kiến không nhất trí với quyết định của Huyện uỷ và với cả ý kiến của ông Quang Văn Thỉnh".

                                                                                                                 (Trích từ website xã Thanh Văn)


Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bí thư TW Đoàn đối thoại với cán bộ khối doanh nghiệp
Bí thư TW Đoàn đối thoại với cán bộ khối doanh nghiệp

VOV.VN-Nhiều vấn đề được đặt ra tại buổi đối thoại như: tái cấu trúc nền kinh tế, tìm kiếm nhân tài tham gia tổ chức Đoàn.

Bí thư TW Đoàn đối thoại với cán bộ khối doanh nghiệp

Bí thư TW Đoàn đối thoại với cán bộ khối doanh nghiệp

VOV.VN-Nhiều vấn đề được đặt ra tại buổi đối thoại như: tái cấu trúc nền kinh tế, tìm kiếm nhân tài tham gia tổ chức Đoàn.

Hà Nội biểu dương 1.002 gương người tốt, việc tốt
Hà Nội biểu dương 1.002 gương người tốt, việc tốt

(VOV) -Năm nay là năm có số lượng người tốt, việc tốt đông nhất từ trước đến nay

Hà Nội biểu dương 1.002 gương người tốt, việc tốt

Hà Nội biểu dương 1.002 gương người tốt, việc tốt

(VOV) -Năm nay là năm có số lượng người tốt, việc tốt đông nhất từ trước đến nay

1.000 gương người tốt, việc tốt được biểu dương
1.000 gương người tốt, việc tốt được biểu dương

Chỉ còn 731 ngày nữa là nhân dân cả nước sẽ cùng với Thủ đô Hà Nội kỷ niệm trong thể 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội. Phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới  

1.000 gương người tốt, việc tốt được biểu dương

1.000 gương người tốt, việc tốt được biểu dương

Chỉ còn 731 ngày nữa là nhân dân cả nước sẽ cùng với Thủ đô Hà Nội kỷ niệm trong thể 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội. Phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới