Nhiều diện tích rừng phòng hộ ở Bình Định bị khai thác trái phép

VOV.VN - Thời gian qua, nhiều diện tích rừng phòng hộ ở huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định bị khai thác trái phép. Đáng nói, một số hộ dân được giao khoán, bảo vệ rừng lại cưa hạ cả khu vực rừng được giao. Đơn vị quản lý rừng phòng hộ phát hiện rừng bị chặt phá nhưng chậm báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xử lý.

Khu vực hồ thủy lợi Vạn Định được quy hoạch chức năng rừng phòng hộ. Đầu tháng 9 vừa qua, một số người dân ở thôn Vạn Định đã dùng máy cưa khai thác trái phép 1.600 m2 rừng keo khoảng 7 năm tuổi mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Sau khi sự việc xảy ra, UBND xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ mới lập chốt bảo vệ tại khu vực bờ hồ Vạn Định để ngăn chặn người dân khai thác gỗ keo trái phép.

Ông Đặng Tuấn Phương (63 tuổi) trú thôn Vạn Định, xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ cho biết: “Khu vực hồ Vạn Định trước đây UBND xã Mỹ Lộc cấm lấn chiếm. Người dân lên tự phát trồng, sau đó UBND xã Mỹ Lộc và huyện Phù Mỹ huy động chặt phá sạch hết và bắt đầu cây keo đó mới tái sinh đợt 2. Bây giờ, người dân nói cây keo của mình thì bán thôi. Họ cưa cây và làm trại ở tạm ngay sát rừng. Khi thấy họ ở gần rừng và sợ những người khai thác đốt cháy rừng, Công an xã Mỹ Lộc đã lên yêu cầu ra về”.

Thực tế cho thấy, việc quản lý rừng ở khu vực này khá lỏng lẻo. Từ năm 2015, một số hộ dân ở thôn Vạn Định, xã Mỹ Lộc lén lút chiếm hơn 45 ha rừng tại tiểu khu 131, xã Mỹ Lộc để trồng keo. Cuối năm 2016, huyện Phù Mỹ tổ chức chặt, nhổ bỏ toàn bộ cây keo trồng trái phép. Sau đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ phối hợp UBND xã Mỹ Lộc tổ chức trồng lại rừng theo tiêu chí phòng hộ tại tiểu khu 131, xã Mỹ Lộc nhưng một số hộ dân ở thôn Vạn Định không đồng tình. Đến năm 2018, số keo bị phá bỏ ở diện tích trên đã tái sinh và sinh trưởng tốt, UBND huyện Phù Mỹ đề nghị UBND tỉnh cho giữ lại để quản lý bảo vệ và được UBND tỉnh đồng ý. UBND tỉnh Bình Định giao UBND huyện Phù Mỹ chỉ đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Phù Mỹ tổ chức khoanh nuôi, bảo vệ và khai thác theo quy chế rừng phòng hộ, tránh tình trạng người dân tiếp tục lấn chiếm trồng cây trái phép.

Thế nhưng, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ không làm việc với các cơ quan liên quan để lập thủ tục tiếp nhận hơn 45 ha rừng trồng tái sinh. Vì vậy, từ năm 2020 đến nay, đơn vị này cũng không tổ chức quản lý, chăm sóc, bảo vệ hoặc giao khoán diện tích này cho người dân chăm sóc, bảo vệ; dẫn đến việc một số hộ dân vi phạm trước đây tiếp tục chăm sóc rồi khai thác trái phép trên diện tích này.

Ông Đặng Đình Kha, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ cho biết, việc chậm giao 45 ha rừng khu vực hồ Vạn Định cho Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện quản lý khiến địa phương gặp khó trong công tác quản lý.

“Nguyện vọng của người dân lúc trước trồng cây keo ở khu vực hồ Vạn Định họ muốn được khai thác hết diện tích này rồi sau đó trồng rừng theo quy chế phòng hộ. Tức là, Ban Quản lý rừng phòng hộ đứng ra tổ chức triển khai trồng rừng cho họ nhận khoán lại. Ban Quản lý rừng phòng hộ cho rằng, diện tích này quy hoạch chức năng phòng hộ nhưng chưa cấp sổ đỏ và không thực hiện quản lý. Hiện, UBND xã Mỹ Lộc đang làm văn bản để kiến nghị UBND tỉnh giao diện tích khu vực rừng hồ Vạn Định cho Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ quản lý. Bây giờ nếu để như vậy rất căng thẳng”, ông Đặng Đình Kha cho hay.

Tại huyện Phù Mỹ, thời gian qua cũng xảy ra một số vụ khai thác rừng trái phép, gây thiệt hại nhiều diện tích rừng phòng hộ, trong đó chủ yếu là rừng trồng. Trước tình trạng nhiều vụ khai thác rừng trái phép xảy ra ở huyện Phù Mỹ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định đang tập trung rà soát, tham mưu UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo huyện Phù Mỹ chấn chỉnh công tác quản lý bảo vệ rừng.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định cho biết: “Các vụ phá rừng liên quan tới Phù Mỹ là điểm nóng. Tôi cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, UBND huyện Phù Mỹ đi kiểm tra. Điểm ở thôn Vạn Định, xã Mỹ Lộc khai thác rừng phòng hộ như thế là sai quy định. Qua theo dõi, chúng tôi thấy rằng, diện tích rừng phòng hộ tại đây chưa giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ quản lý. Nếu như vậy thì quản lý rừng phòng hộ lỏng lẻo. UBND huyện Phù Mỹ phải sớm lập hồ sơ đề nghị với UBND tỉnh giao diện tích rừng này cho Ban Quản lý rừng phòng hộ. Đối với các vụ khai thác rừng trái phép, phải xác định thiệt hại và trách nhiệm của chủ rừng. Các lực lượng đang có điều tra, đánh giá và xử lý. Quan điểm của tỉnh sai đâu xử lý đó”.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bình Định làm rõ nhiều vụ khai thác rừng phòng hộ trái phép
Bình Định làm rõ nhiều vụ khai thác rừng phòng hộ trái phép

VOV.VN - Ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Định và cơ quan chức năng huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định đang tập trung làm rõ nhiều vụ khai thác rừng trái phép xảy ra tại các xã Mỹ Lộc, Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ.

Bình Định làm rõ nhiều vụ khai thác rừng phòng hộ trái phép

Bình Định làm rõ nhiều vụ khai thác rừng phòng hộ trái phép

VOV.VN - Ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Định và cơ quan chức năng huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định đang tập trung làm rõ nhiều vụ khai thác rừng trái phép xảy ra tại các xã Mỹ Lộc, Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ.

20 người liên quan vụ khai thác rừng trái phép quy mô lớn ở Bắc Kạn
20 người liên quan vụ khai thác rừng trái phép quy mô lớn ở Bắc Kạn

VOV.VN - Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Chợ Đồn đang khẩn trương làm rõ hành vi của khoảng 20 đối tượng liên quan vụ khai thác gỗ trái phép tại khu vực rừng giáp ranh giữa thôn Nà Tùm và Cốc Thử để xử lý theo pháp luật.

20 người liên quan vụ khai thác rừng trái phép quy mô lớn ở Bắc Kạn

20 người liên quan vụ khai thác rừng trái phép quy mô lớn ở Bắc Kạn

VOV.VN - Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Chợ Đồn đang khẩn trương làm rõ hành vi của khoảng 20 đối tượng liên quan vụ khai thác gỗ trái phép tại khu vực rừng giáp ranh giữa thôn Nà Tùm và Cốc Thử để xử lý theo pháp luật.

Cận cảnh khu vực khai thác vàng trái phép trong rừng Đắk Nông
Cận cảnh khu vực khai thác vàng trái phép trong rừng Đắk Nông

VOV.VN - Mặc dù các ngành chức năng địa phương liên tục truy quét, nhưng tại xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, vẫn tồn tại dai dẳng một điểm nóng khai thác vàng trái phép. Sau mỗi đợt giải tỏa, “vàng tặc” lại quay trở lại dựng lều trại, đào hầm, đưa máy móc vào băm nát nhiều diện tích rừng.

Cận cảnh khu vực khai thác vàng trái phép trong rừng Đắk Nông

Cận cảnh khu vực khai thác vàng trái phép trong rừng Đắk Nông

VOV.VN - Mặc dù các ngành chức năng địa phương liên tục truy quét, nhưng tại xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, vẫn tồn tại dai dẳng một điểm nóng khai thác vàng trái phép. Sau mỗi đợt giải tỏa, “vàng tặc” lại quay trở lại dựng lều trại, đào hầm, đưa máy móc vào băm nát nhiều diện tích rừng.