Nhiều giáo viên ở Quảng Trị bị cắt hợp đồng ngay đầu năm học
VOV.VN - Đang dạy hợp đồng từ 5-10 năm trong ngành giáo dục, bất ngờ 67 giáo viên ở huyện Gio Linh (Quảng Trị) bị cho nghỉ việc, nhiều người lâm cảnh khó khăn.
Đầu năm học này, 67 giáo viên và nhân viên trong ngành giáo dục huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị bị cắt hợp đồng lao động. Trong đó, nhiều người có từ 5-10 năm đóng góp cho sự nghiệp giáo dục ở vùng biển, vùng khó của huyện. Mất việc làm, nhiều gia đình giáo viên lâm cảnh khó khăn.
Hàng chục giáo viên bị cắt hợp đồng lao động đầu năm học mới.
Dạy hợp đồng môn Mỹ thuật tại trường Tiểu học Trung Sơn, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị đã 10 năm nay nhưng đầu năm học này, cô giáo Phan Thị Thúy Hằng trú tại thôn Kinh Môn, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh vẫn bị cắt hợp đồng giảng dạy.
“Tôi dạy 10 năm tại trường Tiểu học Trung Sơn, do huyện ký hợp đồng từ năm 2007 đến nay. Trong quá trình hợp đồng thì cũng được hưởng quyền lợi đó là được đóng bảo hiểm thôi, còn mọi phụ cấp thì mình không có, mức lương 2,5 triệu đồng. Giờ bị cắt hợp đồng thì không biết làm gì, mình đã trên 35- 40 tuổi rồi, đi các doanh nghiệp thì họ không nhận nữa rồi”, cô Hằng chua chát tâm sự.
Năm 2017, ngành Giáo dục huyện Gio Linh được giao hơn 1.300 chỉ tiêu biên chế. Sau khi rà soát, hiện còn thiếu 84 chỉ tiêu, trong lúc số lượng giáo viên, nhân viên hợp đồng năm học 2016 - 2017 là 151 người. Vì vậy, huyện Gio Linh buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động với hàng chục giáo viên. Năm nay, việc ký hợp đồng lao động giao trực tiếp cho các trường thay vì huyện ký như những năm trước. Hiệu trưởng các trường căn cứ nhu cầu thực tế để xét tuyển.
Ông Trương Chí Trung, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị cho biết, huyện sẽ có văn bản gửi Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị bảo lưu kết quả hợp đồng lao động, giải quyết chế độ thất nghiệp cho những giáo viên, nhân viên bị cắt hợp đồng trong đợt này.
“Việc tiếp tục hợp đồng giáo viên ngoài biên chế được giao là sai quy định pháp luật. Nếu tiếp tục hợp đồng với toàn bộ 151 giáo viên hợp đồng thì quỹ lương sẽ rất lớn, khả năng ngân sách của huyện cũng rất khó khăn để chi trả. Nếu như hợp đồng lại toàn bộ thì điều đó là không thể được. Chúng tôi đã có văn bản đề nghị với Sở Nội vụ, UBND tỉnh bảo lưu thời gian hợp đồng của anh chị em để sau này nếu có cơ hội tuyển dụng thì sẽ được xem xét đặc cách”, ông Trương Chí Trung nói./.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sẽ thí điểm bỏ công chức ở trường đại học
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Quyết quy hoạch lại các trường Sư phạm