Những bất cập khi chi trả chế độ bảo hiểm không dùng tiền mặt ở Nghệ An
VOV.VN - Thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp nhằm gia tăng tỷ lệ hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản cá nhân (ATM). Bên cạnh những kết quả đạt được, phương thức chi trả này ít nhiều gây khó khăn.
Tại xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, ghi nhận có hàng chục đối tượng chính sách đi nhận chế độ hưu trí tại điểm giao dịch Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Mỹ, thay cho việc chi trả trực tiếp tại Bưu điện xã Nghi Lâm như trước đây.
Theo người dân thì việc thay đổi này đã ít nhiều gây khó khăn cho người dân. Thực tế, đối tượng chính sách là những người cao tuổi không quen sử dụng điện thoại thông minh và lạ lẫm với tài khoản cá nhân; kéo theo đó là thủ tục để hoàn thiện chuyển, rút tiền mất thời gian đi lại.
Ông Nguyễn Văn Ý và ông Nguyễn Văn Quy, xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc cho biết: "Chúng tôi là người già; thứ hai là số điện thoại thông minh không có; mà như thế nếu như chuyển cho con chẳng hạn thì con ở trong Sài Gòn thì chuyển cho chúng tôi sao được. Xuất phát từ đó chúng tôi thấy bức xúc quá, tháng 1 chúng tôi nói rồi, tức là hoàn thiện lại cho chúng tôi để chúng tôi được nhận như các đồng chí hiện nay đang nhận tại bưu điện xã Nghi Lâm".
"Thứ nhất là đường sá đi lại, thứ hai nữa là bây giờ chúng tôi không biết tài khoản như thế nào, giờ họ nói trả tiền vô tài khoản khiến chúng tôi sợ, vì ta già rồi nói trước quên sau. Tôi kiến nghị cho nhận tại địa phương để thuận lợi hơn", người dân cho biết.
Được biết, việc thay đổi phương thức chi trả này là thực hiện theo Đề án 06, trong đó có việc triển khai chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội.
Theo Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Nghi Lộc trên địa bàn có hơn 4.800 đối tượng chính sách, hiện có 1.500 trường hợp đã đăng ký chi trả qua tài khoản ngân hàng và đã thực hiện chi trả cho hơn 500 đối tượng. Tuy nhiên, để thực hiện chủ trương này địa phương cũng mới thực hiện thí điểm tại 10 xã theo tinh thần tự nguyện và vừa làm vừa nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân.
Ông Đặng Văn Lương, Trưởng phòng LĐTB XH huyện Nghi Lộc, Nghệ An cho biết: "Trên cơ sở là nguyện vọng của các đối tượng, những đối tượng nào mà có điều kiện thuận lợi hơn, điều kiện sức khỏe cũng như điều kiện về đi lại thuận lợi thì chúng tôi phối hợp với ngân hàng để chi trả trực tiếp; còn riêng những đối tượng đang có khó khăn vướng mắc chúng tôi tiếp tục tuyên truyền để giải thích cho họ hiểu, rà soát những các xã có các điểm chi trả gần trung tâm để thực hiện việc chi trả cho các đối tượng".
Việc thực hiện chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng an sinh xã hội là chủ trương đúng và cần gấp rút triển khai. Tuy nhiên, từ những vấn đề thực tiễn cán bộ chuyên trách xã cũng cần hướng dẫn chi tiết và thống kê nguyện vọng để đề xuất tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đối tượng chính sách trên địa bàn.