Những người gieo “con chữ” nơi biên giới Điện Biên
VOV.VN - Với tinh thần vượt lên khó khăn, gian khổ, với lòng yêu nghề các thầy cô Trường Mầm non Pa Tần vẫn ngày ngày bám bản, bám trường để dạy dỗ các em, phát triển giáo dục nơi biên giới (Dự án 5) trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030
Với tinh thần vượt lên khó khăn, gian khổ, với lòng yêu nghề các thầy cô Trường Mầm non Pa Tần vẫn ngày ngày bám bản, bám trường để dạy dỗ các em, góp phàn triển khai hiệu quả nội dung "Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số" (Tiểu dự án 1, Dự án 5) trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Bản Huổi Púng cách trung tâm xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên khoảng 20km. Con đường lên điểm trường Huổi Púng sau những cơn mưa trơn trượt và nguy hiểm. Một bên là núi cao, một bên là vực sâu, đất đá từ sườn núi sạt xuống lấp đường đi. Thế nhưng, với các cô giáo vùng cao nơi đây vẫn thường xuyên phải vượt con đường khó khăn này để đến trường.
Cô Chảo Pham Mềnh - Trường Mầm non Pa Tần, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên cho biết: Người dân vùng cao nhiều nơi trình độ nhận thức còn hạn chế, chưa quan tâm đến sự học của con em mình, chỉ cần nhà có việc hay đến mùa làm nương là sẵn sàng cho con trẻ ở nhà phụ việc. Do đó các giáo viên phải rất vất vả để đến từng nhà vận động học sinh ra lớp.
"Để vận động học sinh ra lớp thì phải đi cả ngày mới đến nhà học sinh. Sau khi quay về được đến trường thì đã tối, lúc đấy đã phải khóc, nhưng mà vì mình yêu nghề, trẻ ham mê học, phụ huynh quý cô giáo nên mình cố gắng", cô Chảo Pham Mềnh chia sẻ.
Còn với cô giáo Lường Thị Hường - Trường Mầm non Vàng Đán, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, sức mạnh giúp cô bám trụ ở địa bàn vùng khó khăn biên giới này sau nhiều năm công tác chính là từ “ánh mắt trẻ thơ”. Cô Hường chia sẻ, điểm trường mầm non Huổi Dạo có gần 50 học sinh, đây cũng là điểm bản cách xa nhất với điểm trường trung tâm. Sống và làm việc trong điều kiện khó khăn, chưa có điện, không sóng điện thoại, lại xa gia đình, nên chỉ có tình yêu nghề, yêu con trẻ mới tiếp thêm nghị lực cho các giáo viên bám trụ với nơi này.
"Mình lên đây đi lại rất khó khăn, đi mãi chưa đến điểm bản, nhớ con, nhớ nhà, tủi thân khóc rất nhiều, nhưng cũng vì các con đến lớp đến trường, các cô cũng động viên nhau, cùng nhau cố gắng để các con biết chữ", cô giáo Lường Thị Hường nói.
Các huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh Điện Biên vẫn có hàng trăm điểm trường mầm non nằm trên các bản làng xa xôi, cách trở. Đường sá đi lại nguy hiểm, điều kiện làm việc, ăn ở thiếu thốn về mọi mặt. Để giúp các thầy cô an tâm cống hiến nơi các bản làng xa xôi, ngành Giáo dục tỉnh Điện Biên cũng đã có những chính sách thu hút đặc thù cho các giáo viên cắm bản vùng cao.
Ông Nguyễn Văn Đoạt - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên nói: "Có thể nói Điện Biên là tỉnh còn khó khăn, ngân sách cơ bản là phụ thuộc vào ngân sách Trung ương nên chế độ chính sách đặc thù riêng cho các thầy cô còn khó khăn. Tuy nhiên tỉnh cũng rất quan tâm ưu tiên nguồn vốn đầu tư nhà công vụ cho các cô. Hiện nay có khoảng 230 phòng công vụ cần đầu tư ở các điểm bản. Bên cạnh đó, các cấp các ngành, địa phương cũng quan tâm huy động nguồn xã hội hóa để đầu tư cho các thầy cô".
Gác lại những mong ước của tuổi trẻ, rời xa gia đình, bằng tình yêu nghề và tình thương với con trẻ, những giáo viên vùng cao nơi biên giới Điện Biên vẫn hàng ngày vượt núi cắm bản để con chữ được nảy mầm cho bao thế hệ trẻ em vùng cao ở những nơi khó khăn, thiếu thốn nhất.