“Những nhà báo ra Trường Sa đều là người nhiệt huyết”
VOV.VN -Chuẩn Đô đốc Nguyễn Ngọc Tương: Trách nhiệm công dân của các nhà báo phát huy rõ nét mỗi lần họ đến Trường Sa.
Trong những chuyến công tác của các cán bộ, quân và dân tới quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) và nhà giàn DK1, một thành phần không thể thiếu đó là đội ngũ phóng viên các báo, đài. Dù chỉ một lần trong đời được tới Trường Sa tác nghiệp đã là vinh dự và may mắn đối với những “chiến sĩ cầm bút”, song có những nhà báo đã được nhiều lần tới Trường Sa, trong đó phải kể tới nhà báo Nguyễn Đình Quân, Báo Tiền Phong - với 5 lần. Với Nguyễn Đình Quân, cho dù nhiều lần ra đảo, nhưng anh vẫn hồi hộp, háo hức như lần đầu.
Nhà báo Nguyễn Đình Quân và chiến sỹ Nguyễn Duy Chinh tại đảo Sơn Ca
Mỗi lần tới Trường Sa, anh có thêm những cảm xúc mới, những người bạn mới ở đảo xa và có những chiến sĩ đã coi Nguyễn Đình Quân như anh em trong nhà. Chiến sĩ Nguyễn Duy Chinh, quê Hải Phòng, hiện đang công tác ở đảo Sơn Ca cho biết, anh và bà xã nên vợ nên chồng qua mục kết bạn của báo Tiền Phong, vì thế anh Quân không những là người anh, mà còn là “ông mối” mát tay. Lần ra đảo hồi tháng 4 năm nay, anh Quân đã chọn trong vườn nhà những quả xoài xanh thơm ngon nhất để đem ra làm quà cho người em trai đặc biệt và đồng đội ở đảo Sơn Ca.
“Trách nhiệm, sự đóng góp của nhà báo không gì hơn là qua bài viết. Nhà báo viết về chủ quyền biển đảo càng phải hiểu sâu sắc về vấn đề này. Mỗi bài báo về Hoàng Sa, Trường Sa cần phải giúp mọi người dân Việt thêm đoàn kết, đồng lòng cùng Chính phủ trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Tôi viết bài về chủ quyền biển đảo với suy nghĩ, tâm niệm đó”, nhà báo Đình Quân nói.
Nhà báo Đàm Minh tác nghiệp tại Trường Sa (Ảnh: HB)
Nhiều đêm ngày lênh đênh trên biển, vượt hàng trăm hải lý tới Trường Sa, nhà báo nữ Đàm Minh của Truyền hình VTC1 không hề thấy mệt nhọc. Cô luôn cười rạng rỡ khi tác nghiệp ở Trường Sa, thậm chí còn vác máy quay chạy phăng phăng dưới cái nắng như cháy da thịt nơi đảo xa, khiến các chiến sĩ phải trầm trồ, thán phục.
Đàm Minh tâm niệm, ra Trường Sa cũng là “ra chiến trường”. Do đó, thông qua tác phẩm báo hình của mình, nữ nhà báo Đàm Minh mong muốn đem đến cho khán giả truyền hình những hình ảnh chân thực, sống động nhất từ Trường Sa, khơi gợi lòng yêu nước, yêu biển đảo quê hương. Qua chuyến công tác, cô có cơ hội khai thác thêm những tư liệu, bằng chứng sống để truyền tải tới khán giả thông điệp “chúng ta có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam”.
Trong các chuyến công tác tới Trường Sa, những phóng viên đều được “ưu tiên” hơn những thành viên khác khi được rời tàu xuống xuồng trước và tất nhiên, họ may mắn là những người đầu tiên trong đoàn công tác được đặt chân lên các đảo. Họ luôn háo hức, ngập tràn cảm xúc và mong muốn đem đến cho độc giả, khán thính giả những tác phẩm báo chí hay nhất, tâm huyết nhất.
Các phóng viên tác nghiệp mọi nơi, mọi lúc (Ảnh: HB)
Anh Phùng Quốc Nam, một kiến trúc sư tới Trường Sa cùng các phóng viên chia sẻ: “Những thành viên đoàn công tác đều có chung nhận định, những nhà báo tới Trường Sa đều rất tâm huyết, nhiệt tình, đó chính là biểu hiện của tình yêu nghề nghiệp, bằng khả năng của mình góp phần tuyên truyền về biển đảo, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng của Tổ quốc. Đấy là chưa kể việc các nhà báo sẵn sàng chụp ảnh “miễn phí” và gửi ảnh kịp thời cho bất cứ thành viên nào có nhu cầu lưu giữ những hình ảnh đẹp và đáng nhớ nhất tại Trường Sa”.
“Báo chí có sức mạnh to lớn trong tuyên truyền về biển đảo”
Chuẩn Đô đốc Nguyễn Ngọc Tương, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Hải quân cho biết, ông đã trực tiếp đi với hàng trăm phóng viên báo chí, thực hiện nhiều chuyến đi tới quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. “Tôi trân trọng và ghi nhận tất cả tình cảm của anh em báo chí mỗi lần ra với biển đảo. Phóng viên ra đảo đều là những người có tinh thần nhiệt huyết, tận tâm với công việc, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, tâm huyết với nghề nghiệp. Những sản phẩm báo chí của họ mang cả trái tim, khối óc, trách nhiệm đối với chủ quyền biển đảo Tổ quốc và trước quốc gia, dân tộc. Trách nhiệm công dân của các nhà báo phát huy rõ nét mỗi lần họ lên từng điểm đảo, từng đảo, nhà giàn, đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa” – Chuẩn Đô đốc nói.
Chuẩn Đô đốc Nguyễn Ngọc Tương tới thăm chiến sỹ đảo Cô Lin
Theo Chuẩn Đô đốc, báo chí có sức mạnh và hiệu quả rất to lớn trong việc tuyên truyền nói chung, về biển đảo nói riêng, đặc biệt từ khi có Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, nhấn mạnh đưa dân tộc Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển. Ngay chủ trương giải pháp thứ nhất trong Chiến lược Biển, Đảng ta cũng đã nhấn mạnh công tác tuyên truyền về biển đảo. Có nâng cao nhận thức thì khi đó tất cả các tầng lớp nhân dân, kể cả nhân dân ở trong nước và cả nước ngoài mới hiểu rõ tiềm năng, lợi thế của biển. Từ đó thấy được trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, bảo vệ xây dựng biển đảo nói riêng.
Theo Chuẩn đô đốc Nguyễn Ngọc Tương, đổi mới về tuyên truyền biển đảo, trong đó trò truyền thông, báo chí có vai trò hết sức quan trọng. Mỗi loại hình báo chí có một sứ mệnh riêng, thế mạnh riêng trong công tác tuyên truyền, đặc biệt phải kể đến phát thanh và truyền hình.
Tác nghiệp ở Trường Sa là kỷ niệm khó quên đối với các nhà báo (Ảnh: HB)
Chuẩn Đô đốc nhấn mạnh: “Đối với công tác thông tin, tuyên truyền về biển đảo, theo tôi, tới đây chúng ta phải tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức trong công tác tuyên truyền nhằm nâng cao hiệu quả, để nội dung tuyên truyền đến được mọi tầng lớp nhân dân. Có như thế chúng ta mới nâng cao được nhận thức của nhân dân về chủ quyền và tiềm năng của biển đảo, từ đó mới tạo được phong trào hành động mạnh mẽ. Thực tiễn những năm qua, từ việc xây dựng Trường Sa mạnh về phòng thủ, tốt về đời sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực trong quan hệ quân dân cũng bắt nguồn từ công tác tuyên truyền”./.