Những thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp đi học nấu ăn
VOV.VN -Những người hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp không mặn mà với chính sách hỗ trợ học nghề, số ít theo học kỹ năng nấu ăn, pha chế đồ uống.
Mặc dù các chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đang hướng tới tăng cường hỗ trợ người lao động học nghề, ngoài việc trợ cấp tiền mặt, nhưng người lao động lại thờ ơ với chính sách này. Hiện nay, số người hưởng BHTN cao gấp hàng chục lần số người được hỗ trợ học nghề.
Học nhưng không nghĩ sẽ đi xin việc
Chị Phan Kim Liên, 45 tuổi ở CT2 Trung Văn (Hà Nội) chuẩn bị tốt nghiệp khóa học kỹ thuật nấu ăn 3 tháng tại Trung tâm Việc làm Hà Nội. Trước đây, chị làm cán bộ nhân sự ở một công ty. Sau đó, do công ty có sự thay đổi nên chị nghỉ việc và hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Được tư vấn, chị Liên quyết định hưởng chính sách hỗ trợ dạy nghề và theo học lớp nấu ăn.
Chị Phan Kim Liên cho biết: “Do đã lớn tuổi khi mất việc làm nên tôi theo học lớp nghề ngắn hạn. Lúc đầu tôi nghĩ chỉ để phục vụ cho bữa ăn gia đình, nhưng càng học càng thấy mình có niềm đam mê nấu ăn. Tôi không nghĩ mình sẽ không đi xin việc sau khi học xong mà dự định sẽ mở nhà hàng hoặc làm quản lý”.
Trung tâm Việc làm Hà Nội hiện có các lớp về sửa chữa xe máy, kỹ thuật nấu ăn, pha chế đồ uống, may công nghiệp, tin học văn phòng cho người lao động có BHTN. Ông Mai Chung Chiển, giáo viên dạy nghề nấu ăn cho biết, người đóng BHTN ngoài được hưởng chế độ tiền mặt, sẽ được Trung tâm tư vấn giới thiệu học nghề. Lao động thất nghiệp thường đã có gia đình, lớn tuổi nên có xu hướng lựa chọn học những ngành nghề dễ có cơ hội quay trở lại thị trường lao động.
Ông Mai Chung Chiển chia sẻ: “Tại Trung tâm, hầu hết các học viên lớn tuổi đăng ký theo học nghề kỹ thuật nấu ăn và pha chế đồ uống. Khoảng 80% lao động thất nghiệp học nghề này có trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ. Bởi trước khi thất nghiệp, họ lao động chất xám là chủ yếu nên khi bị mất việc làm, những lao động này muốn học những nghề để tự mở cửa hàng kinh doanh đồ ăn uống, quán trà, quản lý nhà hàng, làm tại các bếp ăn công nghiệp, trường học... Các anh chị này khi được cấp chứng chỉ học nghề có thể tự tạo được việc làm cho bản thân và những người khác”.
(Ảnh minh họa. Nguồn: Dân trí) |
Theo nhận xét, đa số những người hưởng BHTN tham gia học nghề đều chọn nấu ăn và pha chế đồ uống, bởi đây là những nghề thiết thực với cuộc sống, trong khi những nghề khác hầu như không có học viên. Nhiều người tuy thất nghiệp nhưng kinh tế vững nên theo học vì đam mê, sở thích, phục vụ nhu cầu cá nhân và gia đình. Những người hưởng BHTN có trình độ sẽ không học những nghề phổ thông, thậm chí nhiều người “học cho vui” trong lúc “nông nhàn” mà không xác định sẽ kiếm sống từ nghề.
Lao động chưa mặn mà với hỗ trợ học nghề
Theo quy định tại Luật Việc làm, đối tượng thất nghiệp được hỗ trợ học nghề với mức tối đa 1 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể tùy theo từng nghề, học phí và thời gian học nghề thực tế theo quy định. Đối với người lao động tham gia BHTN, họ sẽ chỉ phải đóng phần vượt quá nếu phí học nghề cao hơn mức hỗ trợ.
Tuy nhiên, điều này vẫn không hấp dẫn người lao động hưởng BHTN. Theo Bộ Lao động - Thương binh Xã hội, trong 8 tháng năm 2015, chỉ có khoảng 4% người có BHTN tham gia học nghề, trong khi tỷ lệ tìm được việc làm thấp (khoảng 30 – 40% với những nghề “hot” như nấu ăn, pha chế đồ uống).
Báo cáo tình hình thực hiện BHTN trên địa bàn của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, năm 2015, trong số hơn 32.700 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, chỉ có 1.979 người có quyết định hỗ trợ học nghề.
Ông Nguyễn Toàn Phong, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, công tác thông tin tin truyền để người lao động hiểu về chính sách BHTN vẫn cần phải có thời gian. Kể cả doanh nghiệp cũng cần phải có nhận thức đầy đủ về chính sách này, bởi khi thay đổi sản xuất kinh doanh, lao động bị bất ngờ mất việc hoặc hết hợp đồng thì họ cần chỗ bấu víu. Đầu tiên, người lao động nghĩ đến là sự hỗ trợ của nhà nước bởi họ đã có thời gian đóng BHTN và đủ điều kiện được hưởng, sau đó mới nghĩ đến cơ hội việc làm.
“Muốn lao động quay trở lại thị trường lao động sớm, chúng tôi phải giúp họ hiểu sâu hơn về chính sách BHTN. Nếu không hiểu, họ cứ 60% lương lĩnh trong vòng 3 hoặc 6 tháng rồi mới đi tìm việc làm, thậm chí né tránh trung tâm giới thiệu việc làm. Người lao động chưa hiểu rằng đi làm sẽ được bảo lưu ở giai đoạn sau, tương đương quy đổi. Đây là điều chúng tôi mong muốn nâng cao chất lượng tư vấn sâu cho lao động BHTN” – ông Nguyễn Toàn Phong nói.
Cũng theo ông Nguyễn Toàn Phong, với tỷ lệ người tham gia BHTN được đào tạo nghề ít là biểu hiện lao động mới quan tâm tới việc làm, chưa nghĩ tới đào tạo nghề. Trong quá trình tư vấn, người lao động mới biết học nghề được nhà nước bảo đảm, đồng thời là cơ hội cho họ. Hiện nay, tỷ lệ đăng ký học nghề hằng năm bắt đầu tăng dần, tuy chưa được nhiều.
Bên cạnh đó, lý do lao động thất nghiệp không muốn học nghề vì khóa đào tạo 3 đến 6 tháng chưa đảm bảo vững chắc cho họ, bởi một chuyên môn nghề nghiệp cần được đào tạo ít nhất 18 tháng. Cho nên những lao động BHTN mới chỉ dừng lại ở việc học những nghề dịch vụ ăn uống./.