Núi bã thải gyps của DAP Đình Vũ: Lo ngại một Formosa tại Hải Phòng
Bã gyps phát sinh từ Nhà máy DAP Đình Vũ theo thiết kế khoảng 50 nghìn tấn/tháng được thu gom bằng hệ thống băng tải đưa ra bãi gyps tạm thời.
Ngày 17/8, tại Kỳ họp thứ 2, HĐND TP Hải Phòng khóa XV, nhiều đại biểu lo lắng chất vấn Giám đốc Sở TN&MT Hải Phòng về núi bã thải gyps (một loại thạch cao có chứa chất axit) rộng hơn 10ha, cao tới gần 40m của Nhà máy DAP Đình Vũ.
Ngọn núi độc
Ngày 17/8, PV Báo Giao thông có mặt tại khu công nghiệp Đình Vũ chứng kiến núi bã thải gyps khổng lồ của Nhà máy DAP Đình Vũ. Gọi đây là một ngọn núi không có gì là quá vì nó rộng 13ha, cao gần 40m, cao hơn tất cả những tòa nhà 5 tầng ở khu vực này. Núi bãi thải này không mới bởi nó tồn tại ở đây đã vài năm và nằm ngay sát con đường xuyên đảo Đình Vũ. Không ít lần khách du lịch ra đảo Cát Bà đi theo đường bến phà Đình Vũ lắc đầu ngao ngán. Người dân cũng gửi đơn kiện hàng chục lần nhưng chẳng hiểu sao sự việc đều chìm vào im lặng suốt mấy năm qua.
Núi bã thải gyps này thuộc “sở hữu” của Công ty cổ phần DAP - Vinachem. Công ty đi vào hoạt động từ năm 2008, có 4 nhà máy chính gồm: Nhà máy sản xuất axit sulfuric, nhà máy nhiệt điện, nhà máy sản xuất phân bón phức hợp Diamon photphat (DAP), ngoài ra còn một số nhà máy phụ trợ. Với công suất thiết kế của nhà máy DAP là 330.000 tấn/215.416 tấn phân bón DAP/năm, nguyên liệu và hóa chất sử dụng là lưu huỳnh rắn, apatit, amoniac… chất thải của nhà máy này là gyps.
Formosa sắp vận hành thử 6 ống khói phát tán khí thải ra môi trường?
Từ khi triển khai tới nay, dự án này xảy ra nhiều sự cố như: Rò rỉ 7 tấn axit tại bồn chứa nhà máy axit sulfuric ngày 26/7/2009; rò rỉ amoniac khi công ty đang nhập nguyên liệu từ tàu xảy ra ngày 25/2/2011; tràn nước hồ điều hòa bãi bã thải gyps xảy ra ngày 23/6/2013 và mới đây nhất là sự cố sạt lở bãi thải gyps ngày 4/9/2015.
Về núi bã thải gyps của Nhà máy DAP Đình Vũ, ngày 10/5/2016 sau quá trình thanh tra, đoàn thanh tra của Bộ TN&MT khẳng định: Bã gyps phát sinh từ Nhà máy DAP Đình Vũ theo thiết kế khoảng 50 nghìn tấn/tháng được thu gom bằng hệ thống băng tải đưa ra bãi gyps tạm thời. Tuy nhiên, công ty chưa thực hiện đúng với nội dung báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được phê duyệt. Bãi bã thải gyps tạm thời có diện tích là 10ha, thời gian lưu trữ tạm thời là 3 năm, trồng cây xanh xung quanh. Hiện, bãi thải tạm thời của Công ty DAP đã là 13 ha (lớn hơn ĐTM, thời gian lưu trữ đã là trên 5 năm và chưa trồng cây xanh theo cam kết ĐTM. Cũng theo báo cáo của Bộ TN&MT, tại thời điểm thanh tra, khối lượng gyps tại bãi thải lên tới 2,3 triệu tấn, hơi axit từ khu vực bãi thải phát tán ra môi trường không khí lớn.
Trả lời chất vấn của các đại biểu, ông Phạm Quốc Ka khẳng định, tại khu vực của Công ty Cổ phần DAP - Vinachem đều xả khí thải có hàm lượng độc tố cao như clorua, ni tơ… Lượng axit tồn dư và hóa chất là kim loại nặng trong chất thải gyps cao gây nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Sở TN&MT đã yêu cầu nhà máy phải giảm công suất. “Trong thời gian chưa xử lý được triệt để, yêu cầu đơn vị phải chuyển bãi thải gyps sang bãi thải lâu dài, thu gom triệt để nước thải, khí thải. Nếu đơn vị vi phạm sẽ xử lý nghiêm và có khả năng là đóng cửa nhà máy”- ông Ka nói.
Chủ đề núi bãi thải nóng ran nghị trường
Tại cuộc họp thứ 2, HĐND TP Hải Phòng khóa XV, chủ đề núi bã thải gyps của Nhà máy DAP Đình Vũ quá tải, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường được các đại biểu tập trung chất vấn ông Phạm Quốc Ka, Giám đốc Sở TN&MT. Thậm chí, nhiều đại biểu còn thẳng thắn: Nếu không có biện pháp xử lý ngay từ bây giờ, núi bã thải này sẽ gây hậu quả chẳng kém gì Formosa Hà Tĩnh.
Những chất vấn của các đại biểu là có cơ sở bởi môi trường khu vực gần núi bã thải gyps đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Theo giải trình của Công ty Cổ phần DAP - Vinachem, bã thải cùng nước sẽ vào bãi bằng đường ống, nước thải được thu gom, tuần hoàn. Để xử lý bã thải gyps, công ty đã thành lập một công ty thạch cao nhằm xử lý bã thải.
Tuy nhiên, thực tế trong mấy năm qua toàn bộ các đầm nuôi trồng thủy sản gần khu vực bãi thải gyps bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trước đây, những hộ gia đình có đầm nuôi thủy sản không ít lần mang tôm, cua, cá bị “nhiễm độc” đến đổ trước cổng công ty này để “bắt đền”. Những năm gần đây, chán nản họ bỏ cả đầm chẳng thiết nuôi trồng gì nữa. Phản ánh của người dân về mùi hóa chất nồng nặc quanh khu vực cũng vừa được đoàn Thanh tra Bộ TN&MT kết luận là hơi axit từ bãi thải gyps phát tán ra môi trường./.
Vụ ông Trịnh Xuân Thanh, Formosa: Qui trình có lỗi gì?