Phải thay đổi nếu không muốn già trước khi giàu, hoặc già vẫn nghèo
VOV.VN - Việt Nam cần chớp lấy thời cơ “dân số vàng” để cải thiện năng suất lao động, vì cơ hội này sẽ không quay trở lại.
Tại hội nghị công bố báo cáo nghiên cứu “Tác động của biến đổi cơ cấu tuổi dân số đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam và các đề xuất chính sách”, diễn ra ngày 23/11 tại Hà Nội, PGS.TS Giang Thanh Long (Viện trưởng Viện chính sách công và quản lý, ĐH Kinh tế quốc dân, Trưởng nhóm nghiên cứu) khẳng định: Việt Nam chỉ chỉ có thể có “dư lợi dân số” tới năm 2018 nếu năng suất lao động không thay đổi.
“Dân số vàng”, nhưng năng suất lao động thấp
Nghiên cứu cho thấy, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn “cơ hội dân số vàng” với lực lượng lao động trẻ dồi dào; nhưng cũng đồng thời bước vào giai đoạn “già hóa dân số”, nên đòi hỏi cần có những chính sách phù hợp để tận dụng các cơ hội dân số cho tăng trưởng kinh tế.
PGS.TS Giang Thanh Long báo cáo về nghiên cứu “Tác động của biến đổi cơ cấu tuổi dân số đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam và các đề xuất chính sách” |
PGS.TS Giang Thanh Long cho biết, người Việt Nam tham gia lao động khá sớm và bắt đầu có thu nhập lao động khi 14 tuổi. Theo vòng đời, thu nhập từ lao động sẽ tăng nhanh từ 14 – 31 tuổi; sau đó bắt đầu giảm dần tới năm 51 tuổi và giảm nhanh cho tới 70 tuổi và giảm tiếp đến tuổi 90 thì thu nhập từ lao động bằng 0. Ước lượng với các số liệu của năm 2012 cho thấy, “thặng dư vòng đời” của người Việt Nam bắt đầu từ tuổi 23 và kết thúc ở tuổi 53, trong khi đó “thâm hụt vòng đời” xuất hiện ở độ tuổi 0 – 22 và từ 54 tuổi trở lên.
Theo ông Giang Thanh Long, trong khi số lượng người cao tuổi ở Việt Nam chiếm trên 10% dân số, thì tỷ trọng lao động trong nhóm đối tượng này không có tác động gì tới tăng trưởng các ngành. Tỷ lệ lao động trẻ có tác động tích cực tới tăng trưởng ở hầu hết các ngành được nghiên cứu; tỷ lệ lao động cận già (56 – 60) có tác động khác nhau tùy theo ngành.
“Nếu giả định cơ cấu thu nhập từ lao động và tiêu dùng bình quân đầu người theo từng độ tuổi của năm 2012 được giữ nguyên và năng suất lao động không thay đổi, thì biến đổi cơ cấu tuổi dân số chỉ có tác động tích cực tới tỷ số hỗ trợ kinh tế tới năm 2018. Nói cách khác, nước ta chỉ có “dư lợi dân số” tới năm 2018” – ông Giang Thanh Long nói.
Làm sao để tận dụng cơ hội “trăm năm có một?”
Theo đánh giá, thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” là một cơ hội hiếm hoi chỉ xuất hiện một lần trong lịch sử phát triển của mỗi quốc gia và đây chính là cơ hội để đưa Việt Nam bước sang một kỷ nguyên mới thịnh vượng hơn, nếu như có chính sách phát triển phù hợp để tận dụng cơ hội này.
Bà Ritsu Nacken, Quyền trưởng đại diện Quỹ dân số LHQ (UNFPA) tại Việt Nam khẳng định, thời kỳ cơ hội “dân số vàng” là cơ hội có một không hai dành cho Việt Nam. Do đó đầu tư cho thế hệ trẻ về giáo dục, y tế, sức khỏe sinh sản… có ý nghĩa quan trọng đối với năng suất lao động và sự phát triển của Việt Nam trong tương lai.
Tăng năng suất lao động và tạo việc làm cho các nhóm tuổi lao động phải được coi là định hướng quan trọng để tận dụng những tác động tích cực của biến động cơ cấu tuổi dân số đối với tăng trưởng kinh tế, phát huy tối đa tiềm năng giai đoạn cơ hội “dân số vàng”. Bên cạnh đó, Việt Nam cần có kế hoạch ứng phó với những thách thức của giai đoạn già hóa hiện nay trước khi quá muộn.
Bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Việt Nam đang đứng trước thách thức “kép” đó là cơ hội “dân số vàng” và tình trạng “già hóa dân số”. Cơ hội “dân số vàng” đặt ra không ít thách thức, đó là lao động thất nghiệp gia tăng trong nhóm trẻ tuổi, biểu hiện ở con số trên 50% đối tượng thất nghiệp là người trẻ; 178.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Trong khi đó, tăng trưởng năng suất trong dài hạn của Việt Nam đã giảm sút.
Làm thế nào để tận dụng cơ hội dân số vàng, giảm bất lợi của già hóa? Là câu hỏi lớn đang đặt ra đối với Việt Nam hiện nay. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, đây là vấn đề rất phức tạp, đòi hỏi có cái nhìn tổng thể, không bó hẹp trong lĩnh vực dân số mà liên quan đến mọi ngành như giáo dục, y tế, văn hóa, lao động, việc làm, văn hóa, đoàn thanh niên, công đoàn…
Bà Phạm Chi Lan khẳng định: “Trong vòng 20 – 30 năm nữa, tận dụng cơ hội dân số vàng để tăng năng suất lao động là vô cùng quan trọng. Điều này không thể chờ đợi được nữa, nếu như chúng ta không muốn già trước khi giàu, thậm chí già mà vẫn nghèo”.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cũng thừa nhận, Việt Nam cần chớp lấy thời cơ “dân số vàng” để cải thiện năng suất lao động, vì cơ hội này sẽ không quay trở lại, nếu có phải ít nhất 100 – 200 năm sau. Nếu không cải thiện năng suất lao động, trong khi nguồn lao động dồi dào như hiện nay, thì sẽ kéo sự phát triển đi xuống./.