Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì họp Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP
VOV.VN - Các bộ, ngành phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân đăng ký công bố chất lượng sản phẩm thực phẩm, cũng như tiếp nhận thông tin phản ánh từ sự giám sát của các tổ chức, đoàn thể chính trị-xã hội và người dân đối với việc tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm.
“Năm 2023, toàn quốc ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm, làm hơn 2.100 người ngộ độc và 28 trường hợp tử vong, đáng chú ý đã xuất hiện ngộ độc do clostridium botulinum”. Đây là thông tin tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì diễn ra sáng nay, tại Trụ sở Chính phủ.
Theo báo cáo, năm 2023, công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm được triển khai theo hướng tập trung vào những vụ việc cụ thể, hạn chế dàn trải, đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm với nhiều hình thức khác nhau, đảm bảo đúng pháp luật, công khai kịp thời trên phương tiện thông tin đại chúng.
Toàn ngành Y tế kiểm tra hơn 382.000 cơ sở, phát hiện 34,5 nghìn cơ sở vi phạm, trong đó xử lý 14,1 nghìn cơ sở với hơn 12.000 cơ sở bị phạt khoảng 44,4 tỷ đồng. Ngành Nông nghiệp thanh tra hơn 19,3 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản, xử phạt hành chính hơn 1,6 nghìn cơ sở với số tiền 14,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, toàn quốc vẫn ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm, làm hơn 2,1 nghìn người ngộ độc và 28 trường hợp tử vong, đáng chú ý đã xuất hiện ngộ độc do clostridium botulinum (độc tố rất hiếm gặp).
Tại cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo cho rằng: những vấn đề đặt ra trong lĩnh vực quản lý là kiểm tra, giám sát hoạt động bán hàng đa cấp, truy xuất nguồn gốc hàng hoá, đặc biệt trên sàn giao dịch điện tử, mạng xã hội…Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, hành lang pháp lý về quản lý an toàn thực phẩm đã đầy đủ, nhưng vẫn thiếu mô hình, tổ chức triển khai hiệu quả, sát với thực tế.
"Tôi đề nghị các giám sát nguy cơ, tỷ lệ lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm phải tăng, năm sau phải cao hơn năm trước, kết quả phải tốt hơn, những mẫu vi phạm giảm đi. Đây là con số có tính tuyệt đối, chứ không thể nhìn thực phẩm bảo cái này tốt, cái kia xấu.
Chúng ta cúng nên có đánh giá. Tại thành phố Hồ Chí Minh, phối hợp cả hai, công quỹ ngân sách chi cho giám sát nguy cơ để đi lấy mẫu thường xuyên hàng năm, chúng tôi cũng yêu cầu tất cả các hệ thống labo đều gửi kết quả kiểm nghiệm hàng năm về thành phố để tổng hợp chung", bà Lan nói.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị: Ban Chỉ đạo tiếp tục rà soát, tổng kết việc thực hiện Luật An toàn thực phẩm năm 2010, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình hành động về an toàn thực phẩm; cập nhật thực tiễn, các phương pháp, mô hình quản lý an toàn thực phẩm hiện đại, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền triệt để, đi đôi với tăng cường bảo đảm điều kiện, nguồn lực thực thi.
Các bộ, ngành phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân đăng ký công bố chất lượng sản phẩm thực phẩm, cũng như tiếp nhận thông tin phản ánh từ sự giám sát của các tổ chức, đoàn thể chính trị-xã hội và người dân đối với việc tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh cần đổi mới phương thức, hình thức truyền thông đa dạng, thường xuyên nhằm thay đổi nhận thức của các cấp, các ngành, nhất là ở cơ sở, người dân về các kiến thức an toàn thực phẩm; cũng như có các đợt cao điểm, các vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm nghiêm trọng.