Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu công khai việc tiếp thu ý kiến cho dự thảo Luật Đất đai

VOV.VN - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu này khi làm việc với Bộ TN&MT và cơ quan liên quan về tổng hợp, tiếp thu ý kiến nhân dân đối với Luật Đất đai (sửa đổi).


Đánh giá cao công tác lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Thủ tướng nhấn mạnh quan trọng nhất phương pháp, kết quả tiếp thu ý kiến của nhân dân một cách khoa học, thực chất, hiệu quả, trung thực, khách quan, “đây là công sức, tâm huyết của các bộ ngành, cơ quan, tổ chức chính trị-xã hội từ Trung ương đến địa phương”.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho biết, việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân được thực hiện từ ngày 3/1/2023 đến ngày 15/3/2023; đã được các cơ quan Trung ương, Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp triển khai nghiêm túc, hiệu quả với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thu hút được sự quan tâm đông đảo của các tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng.

Tính đến hết ngày 2/4/2023, đã có 11.685.461 lượt ý kiến. Cụ thể: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với 1.159.990 lượt ý kiến; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất với 1.004.674 lượt ý kiến; tài chính đất đai; giá đất với 979.736 lượt ý kiến; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với 951.748 lượt ý kiến... Công tác tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu ý kiến của nhân dân được thực hiện ngay trong quá trình lấy ý kiến.

“Riêng báo cáo tiếp thu, giải trình của nhân dân dày khoảng 300 trang, còn báo cáo tổng hợp, phân loại các ý kiến để đối chiếu, so sánh, tiếp thu, giải trình nếu in ra dày khoảng 3.000 trang. Việc tiếp thu ý kiến của nhân dân được thực hiện rất đầy đủ”, Thứ trưởng Lê Minh Ngân nói.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Minh Ngân đã báo cáo phương án tiếp thu, giải trình các vấn đề khó, lớn, còn ý kiến khác nhau.

Cụ thể là quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm; Thẩm quyền thu hồi đất quốc phòng, đất an ninh. Đối tượng được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất. Quyền lựa chọn hình thức giao đất, cho thuê đất của đơn vị sự nghiệp công lập. Hình thức cho thuê đất trả tiền hàng năm hoặc một lần đối với trường hợp sử dụng đất thương mại dịch vụ có nhà nghỉ dưỡng và đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật du lịch, đất xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh. Sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất. Thời điểm cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất…

Để bảo đảm tính đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi ban hành, Bộ TN&MT cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, thống nhất quy định đối với những luật đã có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (Luật Giá; Luật Nhà ở; Luật Kinh doanh bất động sản; Luật Đấu thầu; Luật Đấu giá tài sản; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Công chứng, Luật Các tổ chức tín dụng,…); xây dựng phương án “một luật sửa nhiều luật” để sửa đổi quy định liên quan đến đất đai trong các luật chưa có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Chính phủ chỉ đạo một số bộ, ngành rà soát lại các luật, quy định liên quan đất đai để bổ sung các quy định nhằm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng tại Nghị quyết 18-NQ/TW, kiên quyết khắc phục tình trạng đầu cơ và sử dụng đất đai lãng phí; điều tiết chênh lệch địa tô; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương; bắt buộc giao dịch qua các sàn giao dịch, thanh toán qua ngân hàng, không dùng tiền mặt; xây dựng chính sách, pháp luật về thuế sử dụng đất theo thông lệ quốc tế, phù hợp với trình độ phát triển, điều kiện cụ thể và lộ trình thích hợp, quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang.

Ghi nhận các ý kiến tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu trên tinh thần cầu thị, có quan điểm, giải trình rõ ràng đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, “không đẽo cày giữa đường”.

Các bộ ngành tiếp tục nghiên cứu, đóng góp vào bản dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi cơ quan soạn thảo tiếp thu gần 12 triệu ý kiến của các tầng lớp nhân dân, bộ ngành, tổ chức chính trị-xã hội; đăng tải các bản tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) “công khai, minh bạch tới toàn dân”.

“Đối với những vấn đề thực tế làm tốt, chứng minh hiệu quả thì tiến hành đánh giá tác động và đưa vào trong luật”, Phó Thủ tướng lưu ý và yêu cầu Bộ TN&MT phối hợp với các bộ, ngành lập kế hoạch xây dựng các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi được ban hành./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát động dự án trồng cây hướng đến Net Zero vào năm 2050
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát động dự án trồng cây hướng đến Net Zero vào năm 2050

VOV.VN - “Dự án trồng cây hướng tới Net Zero” sẽ thực hiện trong 5 năm từ 2023-2027 với tổng ngân sách là 15 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát động dự án trồng cây hướng đến Net Zero vào năm 2050

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát động dự án trồng cây hướng đến Net Zero vào năm 2050

VOV.VN - “Dự án trồng cây hướng tới Net Zero” sẽ thực hiện trong 5 năm từ 2023-2027 với tổng ngân sách là 15 tỷ đồng.

"Ý kiến của nông dân tác động rất lớn trong quá trình xây dựng Luật Đất đai sửa đổi"
"Ý kiến của nông dân tác động rất lớn trong quá trình xây dựng Luật Đất đai sửa đổi"

VOV.VN - Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, người nông dân hiện nay chiếm trên 60% dân số, tham gia trực tiếp vào lĩnh vực nông nghiệp khoảng 15 triệu người. Vì vậy, việc lấy ý kiến của cán bộ, hội viên, nông dân hết sức quan trọng, tác động rất lớn trong quá trình xây dựng chính sách.

"Ý kiến của nông dân tác động rất lớn trong quá trình xây dựng Luật Đất đai sửa đổi"

"Ý kiến của nông dân tác động rất lớn trong quá trình xây dựng Luật Đất đai sửa đổi"

VOV.VN - Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, người nông dân hiện nay chiếm trên 60% dân số, tham gia trực tiếp vào lĩnh vực nông nghiệp khoảng 15 triệu người. Vì vậy, việc lấy ý kiến của cán bộ, hội viên, nông dân hết sức quan trọng, tác động rất lớn trong quá trình xây dựng chính sách.

10 nội dung mới tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
10 nội dung mới tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

VOV.VN - Bộ Tài nguyên và Môi trường giới thiệu 10 điểm đổi mới so với quy định hiện hành để nhân dân tập trung góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

10 nội dung mới tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

10 nội dung mới tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

VOV.VN - Bộ Tài nguyên và Môi trường giới thiệu 10 điểm đổi mới so với quy định hiện hành để nhân dân tập trung góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).