Phòng khám tư Hà Nội: Nhìn đâu cũng thấy sai phạm
VOV.VN -Tình trạng “kiểm đâu, sai đấy” vẫn tiếp diễn khiến nhiều người lo ngại, việc siết chặt quản lý phòng khám tư nhân chỉ tồn tại trên giấy.
Thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện và tạm đình chỉ hàng loạt phòng khám tư vì nhiều sai phạm. Thế nhưng, không ít cơ sở vừa bị xử phạt xong lại “nhởn nhơ” hoạt động, khiến người bệnh “tiền mất tật mang...”.
Kiểm đâu - sai đấy
Những năm gần đây, nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày càng tăng cao, nên phòng khám y tế tư nhân ra đời đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, giảm tải cho các bệnh viện.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ sở chăm sóc sức khỏe có chất lượng, với các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hợp lý thì vẫn còn nhiều cơ sở hoạt động “chui”, không niêm yết giá, không ghi chép hồ sơ, bệnh án không đầy đủ, không bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực khám chữa bệnh. Nhiều nơi bác sĩ không có giấy phép hành nghề, hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được cấp phép, điều trị theo kiểu “nuôi” bệnh, bệnh nhẹ thành bệnh nặng, cố tình “móc túi” người bệnh…
Vì lợi nhuận nên không ít phòng khám tư đã “bỏ quên” y đức dẫn đến nhiều cái chết thương tâm của bệnh nhân. Đơn cử như trường hợp thai phụ Trần Thị Thu Tr. (29 tuổi, Quảng Ninh), tháng 3/2017, đã đến khám và điều trị phụ khoa tại Phòng khám đa khoa 168 Hà Nội. Để thu tiền của bệnh nhân, bác sĩ phòng khám đã chỉ định bệnh nhân sử dụng dịch vụ khí dung, dẫn đến hậu quả sản phụ bị hôn mê, chết não và tử vong sau đó. Trước đó, phòng khám này từng bị ngành chức năng “sờ gáy” và xử phạt tới 6 lần.
Tại buổi làm việc với phóng viên báo TNVN, đại diện Sở Y tế Hà Nội thừa nhận, tình trạng phòng khám bị xử phạt nhưng tái phạm diễn ra thường xuyên. Cụ thể, ngày 16/3, Sở Y tế đã kiểm tra đột xuất phòng khám Đa khoa Nhân Ái Hà Nội (số 709, đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai). Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện nhiều sai phạm nên đã quyết định đình chỉ hoạt động của phòng khám này 4,5 tháng, nhưng đến ngày 17/4, cơ quan chức năng phát hiện phòng khám này đã mở cửa trở lại. Hay trường hợp phòng khám Thiên Tâm ở Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa cuối năm 2016, đã bị xử phạt 120 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 4,5 tháng do thực hiện dịch vụ kỹ thuật quá phạm vi chuyên môn được cấp phép, song đến tháng 4/2017 tiếp tục tái phạm.
Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng hành nghề Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong năm 2016 và quý I/2017, Sở Y tế đã kiểm tra 170 lượt cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập, trong đó xử lý vi phạm hành chính 102 lượt với số tiền phạt gần 2,6 tỷ đồng. Đã có 5 cơ sở bị đình chỉ hoạt động, tước giấy phép có thời hạn 2 cơ sở, tước chứng chỉ hành nghề có thời hạn 5 bác sĩ, thu hồi giấy phép hoạt động 3 cơ sở. Đối với các cơ sở y tế có yếu tố nước ngoài, từ đầu năm 2017 đến nay đã kiểm tra 26 cơ sở, trong đó thu hồi giấy phép hoạt động 3 cơ sở, xử phạt hành chính 4 cơ sở, đình chỉ hoạt động 1 cơ sở, tước chứng chỉ hành nghề 1 bác sĩ người nước ngoài.
Các phòng khám tư nhân cần được kiểm tra thường xuyên (ảnh: q.t) |
Sai đấy ai kiểm?
Tình trạng “kiểm đâu, sai đấy” vẫn tiếp diễn khiến nhiều người lo ngại, việc siết chặt quản lý phòng khám tư nhân chỉ tồn tại trên giấy. Lý giải nguyên nhân này, ông Nguyễn Dương Trung, Phó Phòng Thanh tra, Sở Y tế Hà Nội cho biết, lực lượng thanh tra hiện chỉ có 14 người nhưng phải quản lý tới 3.200 cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập, 76 đơn vị trong ngành có chức năng khám chữa bệnh và 54 phòng khám y tế phường xã. Chưa kể nhiều cơ sở khám chữa bệnh chui... Công việc quá tải nên khó khăn trong quản lý, kiểm soát. Trong khi đó, các phòng khám tư nhân hoạt động rất tinh vi, ngày càng có nhiều “mánh khóe” để qua mặt cơ quan chức năng, nếu không “bắt tận tay, day tận trán” thì khó xử phạt. Một bất cập nữa là hình phạt chưa đủ sức răn đe, các phòng khám sẵn sàng nộp phạt rồi tái phạm vì lợi nhuận thu về lớn hơn nhiều số tiền nộp phạt. Bên cạnh đó, các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định phí dịch vụ và phải niêm yết công khai giá dịch vụ. Còn cơ quan chức năng chỉ có trách nhiệm giám sát nên không kiểm soát được tình trạng “chặt chém” khách hàng.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Trung cho rằng với quy định hiện nay khó đóng cửa được phòng khám tư nhân cho dù có liên tiếp tái diễn vi phạm. Do đó cần có mức xử phạt cao hơn với các phòng khám tư phạm lỗi nhiều lần, thậm chí là đóng cửa. “Chế tài xử lý hiện nay vẫn chưa đủ mạnh, do vậy, các phòng khám này cứ vi phạm, chấp nhận bị xử phạt và rồi tái phạm. Vì thế, cần phải bổ sung quy định một phòng khám nếu sai phạm nhiều lần liên tiếp sẽ phải đóng cửa”, ông Trung nói.
Còn ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho rằng nếu có sự chung tay, tham gia giám sát, quản lý hoạt động khám chữa bệnh của người dân thì tình trạng vi phạm sẽ giảm.
Như vậy, trong khi cơ quan chức năng đặt hy vọng vào sự tham gia giám sát của người dân thì quyền lợi thiết thực của người dân liệu có bị “thả nổi?./.
Bộ trưởng Y tế kiểm tra đột xuất phòng khám có bác sĩ người Trung Quốc
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát hiện sai phạm tại phòng khám tư