“Phóng viên thường trú tống tiền doanh nghiệp do thiếu tài chính“
VOV.VN - Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng hiện tượng phóng viên tống tiền doanh nghiệp, người dân là do thiếu điều kiện cơ sở vật chất, thiếu tài chính.
Trong phiên chất vấn tại Hội trường sáng nay (17/11) đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn (đoàn Ninh Bình) chất vấn Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có giải pháp gì để chấn chỉnh tình trạng thời gian vừa qua có một số phóng viên vi phạm pháp luật, hù doạ, tống tiền doanh nghiệp và người dân, gây ra bức xúc trong xã hội, mà những hiện tượng này không phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Luật báo chí năm 2016?
Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (đoàn Ninh Bình) chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông |
"Nhiều PV thường trú đã làm cho tờ báo của mình có giá trị hơn bởi những tin bài sát hơn, đúng hơn, hay hơn và cần thiết hơn cho bạn đọc ở địa phương. Đó là một thực tế. Vai trò của PV thường trú rất lớn đối với cơ quan báo chí. Và hầu hết PV thường trú đều là người địa phương, họ gắn bó chặt chẽ tình cảm, gia đình, bạn bè ở đấy, lãnh đạo địa phương cũng là bạn bè, người thân của họ nên nhiều PV thường trú công tâm, có nhiều bài viết hay, sâu sắc, phản ánh đầy đủ mọi mặt của địa phương" - Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói.
Tuy nhiên, cũng như đại biểu đã nêu, gần đây có tình trạng báo chí, nhất là PV thường trú vi phạm pháp luật, hù doạ doanh nghiệp. Lâu nay, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã rất cương quyết trong việc xử lý các trường hợp không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích như xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền, đình bản hoạt động, xử lý phóng viên thường trú.
Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn. |
Những người đó đi tìm kẽ hở của địa phương để viết. Một địa phương rất nhiều việc tốt không viết. "Có đồng chí lãnh đạo tỉnh nói một PV trong một tháng viết đến 7 bài nói xấu mà không có một bài báo nào nói tốt về địa phương dù người ta làm rất nhiều việc" - ông Trương Minh Tuấn nói.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho biết có PV thường trú cấu kết với một số CTV tạo thành lực lượng tự cho mình có quyền lực thứ 4 đi hù doạ các doanh nghiệp, kêu gọi quảng cáo. Nguyên nhân là do các cơ quan báo chí khi tổ chức cơ quan thường trú lại không đảm bảo các điều kiện nhất định. Vấn đề này cũng có trách nhiệm của địa phương, khi kiểm tra để cho thành lập cơ quan thường trú cũng ít xem xét các điều kiện. Điều kiện về cơ sở vật chất, điều kiện về tài chính, khoán trắng cho PV thường trú. Từ đó, họ phải tự kiếm sống cho mình rồi kêu gọi quảng cáo để nộp về toà soạn nên dẫn dến tình trạng như vậy.
Nhiều doanh nghiệp có tới 50 cơ quan kêu gọi quảng cáo trong một tuần. Khi bị hù doạ như thế họ cũng không dám đứng ra tố cáo. Nhiều doanh nghiệp nói rằng sợ “được vạ má sưng”, thà chấp nhận, nhịn một chút để yên lành, nhưng rồi đâu có yên lành.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Phương Tuấn về những giải pháp chấn chỉnh tình trạng này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết: "Thời gian vừa qua Bộ đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, với các cơ quan liên quan thành lập 5 đoàn thanh tra đi kiểm tra ở khu vực Miền Trung, Tây Nguyên và Miền Tây Nam bộ. Hiện nay đang tổng hợp lại để xem xét, xử lý và đề ra các giải pháp căn cơ.
Trong đó, phải nói đến giải pháp ngay chính bản thân các cơ quan báo chí phải cử đúng người, có đủ năng lực và trình độ, tổ chức các văn phòng, các cơ quan thường trú đủ điều kiện thực hiện chức năng của mình"./.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Đừng coi mạng xã hội là xấu
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội