Quinvaxem vẫn là sự lựa chọn của đa số người dân
VOV.VN - Nhiều phụ huynh đã tìm hiểu rất kỹ về các loại vắc xin và đi đến quyết định sẽ vẫn lựa chọn Quinvaxem tiêm cho con.
Ở thời điểm mà một bộ phận người dân đổ xô lựa chọn vắc xin dịch vụ để tiêm chủng cho trẻ, thì vẫn có rất nhiều người dân lựa chọn vắc xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Không phải vì điều kiện kinh tế, mà xuất phát từ sự tìm hiểu một cách thận trọng và kỹ lưỡng về các loại vắc xin hiện nay.
Trạm y tế phường 11, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh, có rất đông các phụ huynh đưa con nhỏ đến tiêm ngừa vắc xin Quinvaxem trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Trong số này, có nhiều phụ huynh đã tìm hiểu rất kỹ về các loại vắc xin và đi đến quyết định sẽ vẫn lựa chọn Quinvaxem.
Nhiều phụ huynh lựa chọn Quinvaxem để tiêm phòng cho con |
Chị Nguyễn Thùy Trang đưa con gái 6 tháng tuổi chích mũi Quinvaxem thứ 2 cho biết: “Tôi cũng có kết nối với Bộ Y tế qua zalo và facebook. Trước khi quyết định cho con tiếp tục tiêm ngừa Quinvaxem thì cũng có nhắn tin hỏi Bộ Y tế, chia sẻ những lo lắng của mình và được khuyên nên đi chích Quinvaxem và cách theo dõi bé sau chích ngừa như thế nào. Được sự tư vấn như thế nên cũng là lí do để đưa con đi chích ngừa Quinvaxem”.
Trung bình một tháng, tại Trạm y tế phường 11, quận Bình Thạnh, có khoảng 50 trẻ đến chích ngừa vắc xin Quinvaxem. Vào thời điểm Trạm có vắc xin dịch vụ thì số trẻ chích ngừa vắc xin dịch vụ cũng chỉ chiếm 1/3 so với trẻ chích Quinvaxem. Thậm chí, có trường hợp, người dân sau khi đưa con chích vắc xin dịch vụ nhưng sau khi được tư vấn và quan sát việc tiêm chủng được thực hiện nghiêm túc đã quyết định cho đứa con thứ 2 chích vắc xin Qinvaxem trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Trong khi đó, tại Trạm y tế phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, số trẻ chích ngừa Quinvaxem còn nhiều hơn. Trung bình 1 tuần Trạm dành riêng 1 ngày để chích Quinvaxem.
Anh Nguyễn Quốc Anh có 4 đứa con và đều lựa chọn Quinvaxem cho những đứa trẻ của mình, cho biết: “Theo tôi thì bất cứ loại vắc xin nào khi đưa vào cơ thể người lớn hay trẻ em thì đều tạo ra những phản ứng nhất định. Kinh nghiệm cho thấy những đứa con tôi chích Quinvaxem thì có phản ứng đôi chút, nhưng có thể chấp nhận được. Cái quan trọng là phải bỏ thời gian ra để theo dõi, chăm sóc con mình”.
Hiện nay, tại các trạm y tế phường, xã quy trình tiêm chủng vắc xin được tuân thủ nghiêm, từ việc đảm bảo khám sàng lọc kỹ lưỡng trước khi tiêm; khuyến cáo người dân theo dõi kỹ trẻ 24 giờ sau tiêm. Vì vậy nếu có bất trắc xảy ra với trẻ sau khi tiêm sẽ được xử lý ngay.
Y sĩ Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Trạm trưởng Trạm y tế phường 11, quận Bình Thạnh cho biết: “Trong 7 tháng thực hiện tiêm chủng, chỉ ghi nhận 2 trường hợp phản ứng nhẹ, chúng tôi xử lý tại chỗ như cho uống thuốc hạ sốt, hướng dẫn bà mẹ lau mát… Thường tôi tư vấn cho bà mẹ là trong thời gian chờ vắc xin dịch vụ mà con của chị mắc bệnh thì chị có cảm thấy có lỗi với con mình hay không? Có những phụ huynh suy nghĩ lại và đã quyết định lựa chọn tiêm vắc xin Quinvaxem”.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hồ Chí Minh, trong vòng 2 năm thực hiện tiêm ngừa Quinvaxem, thành phố chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào tử vong có liên quan đến vắc xin Quinvaxem. Cụ thể, trong năm 2014 có hơn 280.000 liều Quinvaxem được tiêm cho trẻ, trong đó chỉ có hơn 28 trường hợp có phản ứng nhẹ sau tiêm chủng với các biểu hiện, như: sốt, quấy khóc, sưng đau tại chỗ tiêm, chiếm tỷ lệ 0,01% số mũi tiêm.
Năm 2015 có khoảng hơn 300.000 liều Quinvaxem được tiêm chủng, trong đó có 32 trường hợp phản ứng nhẹ sau tiêm chủng, không có trường hợp nào tử vong có liên quan đến vắc xin Quinvaxem. Vắc xin sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia được bảo quản ở nhiệt độ từ 2 đến 8 độ C trong tủ lạnh chuyên dụng.
Trong ngày tiêm chủng, vắc xin sẽ được vận chuyển từ trung tâm y tế dự phòng quận huyện xuống các trạm y tế và trả về kho vắc xin của quận, huyện ngay trong ngày nếu không sử dụng.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Người dân cũng đã tham gia rất tích cực với vắc xin Quinvaxem trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Bởi lẽ với 300.000 liều vắc xin trong một năm thì cũng đã bao phủ gần hết số trẻ cần phải tiêm tại thành phố Hồ Chí Minh. Chỉ còn một số ít, thiểu số người dân chờ đợi vắc xin dịch vụ. Trong thời gian chờ đợi đó, trẻ có nguy cơ mắc một số bệnh. Chẳng hạn như mắc bệnh bạch hầu tại Quảng Ngãi, ho gà tại Thành phố Hồ Chí Minh do không tiêm ngừa vắc xin… Đó là những nguy cơ nếu chúng ta lệ thuộc vào vắc xin dịch vụ”.
Đã đến lúc, người dân cần chủ động phòng bệnh cho trẻ bằng cách tiêm ngừa vắc xin. Dù là vắc xin dịch vụ hay Quinvaxem thì theo các chuyên gia về dịch tễ học, các phản ứng sau tiêm hoàn toàn có khả năng xảy ra. Vấn đề quan trọng là cần theo dõi chặt chẽ phản ứng sau tiêm của trẻ. Với các trường hợp nặng nhất là sốc phản vệ sau tiêm, nhiều bác sĩ cho biết chỉ cần kịp thời đến các bệnh viện thì hoàn toàn có thể chữa trị thành công./.