Quy định không được phê bình học sinh trước cả lớp, giáo viên có gặp khó?

VOV.VN - Việc thay đổi quy định về kỷ luật học sinh trong Thông tư ban hành Điều lệ trường tiểu học mới nhằm khắc phục hạn chế của các hình thức kỷ luật trước đây, trên tinh thần tôn trọng tối đa quyền lợi của người học, vì sự tiến bộ của các em, phù hợp với tâm lý trẻ và quan điểm giáo dục hiện đại. 

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư 28 ban hành Điều lệ trường tiểu học, nhận được nhiều quan tâm của các nhà trường, giáo viên, phụ huynh học sinh. Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT có chia sẻ về vấn đề này.

PV: Một trong những thay đổi lớn của Thông tư  so với văn bản trước là nhà trường, giáo viên được tăng cường giao quyền tự chủ trong hoạt động chuyên môn. Thưa ông, điều này có ý nghĩa và tác động như thế nào đến việc dạy học trong nhà trường tiểu học?

Ông Thái Văn Tài: Chương trình SGK giáo dục phổ thông mới được viết theo hướng mở để khuyến khích sự chủ động, sáng tạo của người dạy. Chương trình chỉ quy định số tiết/năm, chứ không quy định số tiết/tuần; SGK không xây dựng các bài học theo từng tiết dạy với những yêu cầu cần đạt cho mỗi tiết học này như chương trình trước đây. Điều này cho phép các nhà trường chủ động trong sắp xếp thời khóa biểu dạy các môn học, chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục để phù hợp với học sinh và điều kiện dạy học của cơ sở mình…

Cụ thể hoá chủ trương này, Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường Tiểu học tập trung đổi mới việc quản trị nhà trường theo hướng tăng cường trao quyền tự chủ và chịu trách nhiệm cho cơ sở giáo dục, phát huy tính chủ động, sáng tạo của từng thành viên, tổ chức và tập thể nhà trường.

Theo đó, trường tiểu học được tự chủ chuyên môn trong tổ chức các hoạt động giáo dục tại nhà. Trường tiểu học phải xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường. Kế hoạch này được xây dựng hàng năm, dựa trên nền tảng chương trình giáo dục do Bộ GD-ĐT ban hành; kết hợp với xây dựng các nội dung giáo dục bổ trợ đáp ứng nhu cầu của người học, nội dung giáo dục địa phương đảm bảo mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh. Các trường cũng có thể chủ động áp dụng các phương pháp, hình thức giáo dục tiên tiến trong và ngoài nước, phù hợp với điều kiện, đối tượng học sinh.

Lãnh đạo các trường tiểu học chủ động xây dựng thời khóa biểu phù hợp với kế hoạch giáo dục nhà trường đã đề ra. Trong đó, có thể chủ động xây dựng các phương án tổ chức dạy học khác nhau để chủ động trong mọi tình huống khi bị tác động bởi yếu tố khách quan.

Điều lệ trường tiểu học mới cũng cho phép giáo viên được chủ động thực hiện và chịu trách nhiệm về kế hoạch giáo dục; tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Cụ thể, thầy cô sẽ được tự chủ về nội dung, phương pháp giáo dục và kiểm tra đánh giá học sinh; chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả giáo dục từng học sinh của lớp mình phụ trách. Các giáo viên cũng được linh hoạt, sáng tạo trong việc tự làm đồ dùng dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, học tập và sinh hoạt chuyên môn. 

Với các quy định nói trên, tôi tin rằng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà trường thực hiện hiệu quả công tác giáo dục, đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.

PV: Thông tư Điều lệ trường tiểu học cho phép học sinh có thể lực tốt và phát triển trí tuệ sớm có thể được học vượt lớp trong phạm vi cấp học. Vậy thủ tục và quy trình để xem xét và cho phép học sinh học vượt lớp như thế nào? 

Ông Thái Văn Tài: Kế thừa quy định trong Thông tư ban hành Điều lệ trường tiểu học trước đây, Thông tư 28, Khoản e Điều 35 tiếp tục cho phép “học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể được học vượt lớp trong phạm vi cấp học”. Tuy nhiên, Điều lệ trường tiểu học mới đã bổ sung, cụ thể hoá quy trình, thủ tục xem xét việc học vượt lớp cho từng trường hợp cụ thể. 

Theo đó, để học sinh được học vượt lớp, trước hết cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh cần có đơn đề nghị với nhà trường. Hiệu trưởng nhà trường sau đó sẽ thành lập hội đồng khảo sát, tư vấn, gồm: hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng và Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường; giáo viên dạy lớp học sinh đang học, giáo viên dạy lớp trên, nhân viên y tế, tổng phụ trách Đội. Căn cứ kết quả khảo sát của hội đồng tư vấn, hiệu trưởng hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Trưởng phòng GD-ĐT xem xét quyết định.

Như vậy, việc học sinh có thể học vượt lớp không sẽ được một tập thể gồm đầy đủ những người có trách nhiệm quản lý, chuyên môn dạy học, chuyên môn về sức khoẻ xem xét - đánh giá toàn diện để đảm bảo kết quả là chính xác, khách quan, công bằng nhất; trên hết là vì quyền lợi và sự phát triển của từng học sinh. 

PV: Thông tư 28 quy định “giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh”. Vì sao có sự thay đổi này và quy định mới liệu có gây khó khăn gì cho giáo viên/các nhà trường trong quản lý học sinh, thưa ông?

Ông Thái Văn Tài: Việc thay đổi quy định về kỷ luật học sinh trong Thông tư ban hành Điều lệ trường tiểu học mới nhằm khắc phục hạn chế của các hình thức kỷ luật trước đây, trên tinh thần tôn trọng tối đa quyền lợi của người học, vì sự tiến bộ của các em, phù hợp với tâm lý trẻ và quan điểm giáo dục hiện đại. 

Theo đó, học sinh có khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện và các phong trào thi đua, tuỳ theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp kỉ luật: nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp để học sinh tiến bộ hơn; thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm. Giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh.

Quy định mới này, theo tôi không gây khó khăn cho giáo viên và các nhà trường trong quản lý học sinh. Ngược lại, quy định này sẽ giúp việc giáo dục học trò hiệu quả hơn khi khiến các em cảm thấy được tôn trọng, đảm bảo quyền riêng tư, không bị cảm giác xấu hổ với bạn bè. Trẻ khi đó sẽ thấy trường học là nơi an toàn và các em sẵn sàng mở lòng sẻ chia, lắng nghe những góp ý, chỉ dạy của thầy cô để tiến bộ. 

Bên cạnh giáo dục trong nhà trường, giáo viên có thể phối hợp với cha mẹ học sinh để việc giúp đỡ các em khắc phục khuyết điểm sẽ hiệu quả hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

​Kỷ luật cảnh cáo hiệu trưởng vi phạm việc quản lý chế độ của học sinh
​Kỷ luật cảnh cáo hiệu trưởng vi phạm việc quản lý chế độ của học sinh

VOV.VN -Huyện ủy Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu mới đây đã thi hành kỷ luật đối với ông Phạm Thanh Tùng, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú tiểu học Trung Chải.

​Kỷ luật cảnh cáo hiệu trưởng vi phạm việc quản lý chế độ của học sinh

​Kỷ luật cảnh cáo hiệu trưởng vi phạm việc quản lý chế độ của học sinh

VOV.VN -Huyện ủy Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu mới đây đã thi hành kỷ luật đối với ông Phạm Thanh Tùng, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú tiểu học Trung Chải.

Kỷ luật, khiển trách nhóm học sinh đánh nhau và đứng xem cổ vũ
Kỷ luật, khiển trách nhóm học sinh đánh nhau và đứng xem cổ vũ

VOV.VN - Hội đồng kỷ luật của trường thống nhất, kỷ luật với hình thức cảnh cáo, ghi học bạ đối với 5 học sinh đánh nhau; 14 học sinh đứng xem bị khiển trách.

Kỷ luật, khiển trách nhóm học sinh đánh nhau và đứng xem cổ vũ

Kỷ luật, khiển trách nhóm học sinh đánh nhau và đứng xem cổ vũ

VOV.VN - Hội đồng kỷ luật của trường thống nhất, kỷ luật với hình thức cảnh cáo, ghi học bạ đối với 5 học sinh đánh nhau; 14 học sinh đứng xem bị khiển trách.

Hà Nội yêu cầu kỷ luật cô giáo bắt học sinh tát bạn trước ngày 15/12
Hà Nội yêu cầu kỷ luật cô giáo bắt học sinh tát bạn trước ngày 15/12

VOV.VN -Sở GD-ĐT Hà Nội vừa có báo cáo kết quả xác minh vụ cô giáo yêu cầu học sinh lớp 2 tát bạn 50 cái tại Trường Tiểu học Quang Trung (quận Đống Đa).

Hà Nội yêu cầu kỷ luật cô giáo bắt học sinh tát bạn trước ngày 15/12

Hà Nội yêu cầu kỷ luật cô giáo bắt học sinh tát bạn trước ngày 15/12

VOV.VN -Sở GD-ĐT Hà Nội vừa có báo cáo kết quả xác minh vụ cô giáo yêu cầu học sinh lớp 2 tát bạn 50 cái tại Trường Tiểu học Quang Trung (quận Đống Đa).