Quy hoạch không đồng bộ khiến Đà Nẵng vẫn là đô thị xe máy, nhà ống
VOV.VN - Quy hoạch không đồng bộ khiến Đà Nẵng chủ yếu là đô thị xe máy và nhà ống, không gian kiến trúc như sự cộng lại các công trình kiến trúc đơn lẻ
Ngày 10/8, tại Đà Nẵng, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Ông Nguyễn Văn Bình phát biểu tại Hội thảo. |
Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải cho biết, đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ có đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, La Sơn-Túy Loan và hầm Hải Vân mở rộng.
Tuy nhiên, Đà Nẵng cần huy động nhiều nguồn lực phát triển giao thông đồng bộ, trong đó xây dựng cảng Liên Chiểu trở thành cảng nước sâu với dịch vụ Logistic là chủ lực, đưa cảng Tiên Sa trở thành cảng du lịch, mở rộng sân bay Đà Nẵng với quy mô 28 triệu lượt khách vào năm 2030.
Còn bà Phan Thị Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng thì cho rằng, những năm qua, Đà Nẵng thiếu vai trò liên kết vùng trong phát triển. Thành phố chưa có kế hoạch, chương trình đầu tư phối hợp các khu chức năng đô thị, các khu chức năng như cảng Tiên Sa, Liên Chiểu, các khu làng Đại học, Khu công nghiệp đều chưa tính đến liên kết vùng.
Bà Phan Thị Mỹ Linh cho rằng, thành phố cần rà soát đánh giá các quy hoạch ngành, quy hoạch đô thị để hoàn thiện Đề án xây dựng Nghị quyết mới phù hợp với sự phát triển.
Bà Linh đề xuất Đà Nẵng nên áp dụng hình thái "đô thị nén", không phình to đô thị mật độ thấp, bởi sẽ tốn kém chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng.
“Xây dựng thành phố là đô thị thông minh, đô thị sáng tạo. Điều này rất quan trọng, bởi đây là một trong những chiến lược phát triển tăng trưởng xanh của Chính phủ, quản trị hạ tầng kỹ thuật đô thị xanh, đô thị thông minh. Thứ hai, phát triển dịch vụ là một trong những ưu tiên phát triển của thành phố và hướng đến tăng trưởng bền vững. Đây cũng hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển 3 trụ cột của thành phố”, bà Phan Thị Mỹ Linh nói.
Sông Hàn-Đà Nẵng. |
Đồng tình với ý kiến về tính liên kết vùng của Đà Nẵng, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Đà Nẵng nên phát triển theo trục Đông-Tây, khi xây dựng cảng Liên Chiểu thì Đà Nẵng mở rộng liên kết với cảng Chân Mây.
Theo ông Kiên, muốn huy động được nguồn lực cho Đà Nẵng phát triển, cần tập trung phát triển kinh tế tư nhân. Về quy hoạch ga Đà Nẵng, nên giữ lại ga đường sắt hiện hữu để cải tạo trở thành đường sắt đô thị, bởi ga Đà Nẵng là ga duy nhất trong cả nước hình chữ Y chạy qua đô thị.
“Các nước phát triển vẫn có vận tải công cộng bánh sắt chạy trên mặt đất. Cho nên khi quy hoạch lại Đà Nẵng chúng ta phải có cái đó. Vì thế, chúng tôi đề xuất, việc di dời ga Đà Nẵng cũ hoàn toàn có cơ sở nếu chúng ta kết hợp tốt với quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch giao thông công cộng bánh sắt thì ga Đà Nẵng vẫn là ga trung tâm và có thể phát triển được, đừng nhìn ga Đà Nẵng bằng tư duy bán đất phân nền”, ông Nguyễn Đức Kiên nêu ý kiến.
Tại Hội thảo, TS.Trần Du Lịch, Trưởng Nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung cho rằng, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị về phát triển Đà Nẵng đến năm 2020, Đà Nẵng là một hiện tượng về xây dựng đô thị.
Tuy nhiên, tình trạng quy hoạch không đồng bộ khiến đô thị Đà Nẵng chủ yếu là đô thị xe máy và nhà ống, không gian kiến trúc của Đà Nẵng như sự cộng lại các công trình kiến trúc đơn lẻ. Nhiều vấn đề đã hình thành và tích tụ cùng với quá trình phát triển đã bộc lộ thành những điểm nghẽn làm cho Đà Nẵng không thể phát huy tác dụng đầu tàu tăng trưởng, khó bứt phá đi lên. Chức năng vai trò dẫn dắt phát triển động lực tăng trưởng của thành phố, vì thế có dấu hiệu suy yếu.
Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch cần có sự phân cấp, phân quyền trong lập quy, cơ chế ngân sách: “Thứ nhất, về thẩm quyền lập quy, TP Đà Nẵng được làm cái gì. Thứ hai, về thẩm quyền tổ chức bộ máy chính quyền thì có quay lại đề án tổ chức mô hình chính quyền đô thị hay là thôi. Tôi nghĩ là nên làm. Thứ 3 về ngân sách, về phương diện thẩm quyền về tài chính công, công vụ Trung ương, công vụ địa phương công khai minh bạch. Có như vậy thì Đà Nẵng mới phát triển được”.
Đường Phạm Văn Đồng-Đà Nẵng. |
Phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị Đà Nẵng mạnh dạn đề xuất cơ chế, các ban ngành Trung ương phải có trách nhiệm giúp Đà Nẵng xây dựng một cơ chế mang tính đột phá, có bước đi, lộ trình phù hợp để đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm động lực miền Trung:
“Quyền lợi của người dân phải được đặt lên hàng đầu. Chúng ta phải cho người dân thấy được đây là vì lợi ích của nhân dân. Trong phát triển sắp tới mà chúng ta đang tiến hành phát triển nhưng không để ai tụt lại phía sau. Như thế có nghĩa, mọi người dân phải được hưởng lợi trong quá trình phát triển đó, và khi đó người dân sẽ đồng thuận, khi người dân đã đồng thuận thì không có việc gì là không làm được. Tất cả các Đề án của chúng ta phải xuất phát từ lòng dân”, ông Nguyễn Văn Bình cho hay./.
Nhiều nút thắt cản trở liên kết vùng TP HCM