Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 -2030: Mở ra giai đoạn phát triển mới
VOV.VN - Ngày 16/3 tới đây, tỉnh Quảng Nam tổ chức Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sự kiện quan trọng này diễn ra trong thời điểm tỉnh Quảng Nam hướng đến kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng quê hương (24/3/1975 - 24/3/2024). Việc công bố Quy hoạch này tạo cơ hội để tỉnh Quảng Nam mở ra một giai đoạn phát triển mới.
Từ một mảnh đất chịu nhiều hy sinh, mất mát trong chiến tranh và từng là một trong những tỉnh nghèo của cả nước, Quảng Nam đã có bước phát triển vượt bậc với nhiều dấu ấn quan trọng. Việc công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tạo cơ hội để tỉnh Quảng Nam mở ra một giai đoạn phát triển mới, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Phóng viên VOV miền Trung phỏng vấn ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.
Phóng viên: Thưa ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Xin ông có thể cho biết, điểm nhấn trong Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 là gì thưa ông?
Ông Lê Trí Thanh: Quy hoạch tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Quảng Nam giai đoạn hiện nay. Điểm nhấn trong quy hoạch lần này đó là tỉnh Quảng Nam đã tiếp thu tất cả những ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong quá trình xây dựng quy hoạch. Quy hoạch lần này được xây dựng dựa trên nền tảng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2015 – 2020 và nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong đó, những điểm nhấn đặc biệt quan trọng của Quy hoạch tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đó là tính theo khu vực vùng và các ngành.
Đối với vùng, tỉnh đã xác định có 2 vùng động lực cho phát triển; đó là vùng nằm ở phía Bắc tỉnh Quảng Nam bao gồm: Thành phố Hội An, thị xã Điện Bàn, huyện Đại Lộc. Khu vực này gắn kết với thành phố Đà Nẵng trong quá trình đô thị hóa và phát triển của địa phương, khai thác những lợi thế của đô thị di sản Hội An, những lợi thế về không gian phát triển đô thị mới của thị xã Điện Bàn và lợi thế trong phát triển đô thị, công nghiệp của huyện Đại Lộc. Khu vực này có nhiều lợi thế để xây dựng một chương trình phát triển liên kết vùng ở phía Bắc Quảng Nam gắn kết với định hướng phát triển của thành phố Đà Nẵng.
Đối với vùng trọng điểm phía Nam tỉnh Quảng Nam gồm: Thành phố Tam Kỳ, huyện Núi Thành, huyện Phú Ninh… với chức năng đô thị hành chính, đô thị phát triển trọng điểm về công nghiệp của tỉnh. Khu vực này có cảng biển, sân bay là những công trình cấp quốc gia, quốc tế. Tỉnh Quảng Nam cũng định hướng sáp nhập thành phố Tam Kỳ với huyện Núi Thành để xây dựng thành đô thị loại I trong tương lai, điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hỗ trợ, thúc đẩy chuỗi đô thị ven biển của miền Trung Việt Nam.
Quy hoạch tỉnh Quảng Nam lần này cũng đã xác định được những hành lang trọng điểm phát triển của tỉnh có ý nghĩa liên kết vùng. Trước hết, đó là hành lang ven biển tính từ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi xuống biển. Nơi đây có những lợi thế rất tốt về phát triển các ngành công nghiệp, du lịch, dịch vụ gắn với các hoạt động đào tạo nghề, gắn với phát triển các đô thị với tính chất và tầm vóc được nâng lên.
Khu vực hành lang thứ hai kết nối từ Quốc lộ 14B, 14D và 14E…. lên Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang qua các nước Lào, Thái Lan. Đây là hành lang có ý nghĩa quan trọng, khai phá tiềm năng phát triển của khu vực phía Tây tỉnh Quảng Nam, kết nối với các địa phương của Lào, Thái Lan để gia tăng lượng hàng hóa đến Quảng Nam, phát triển du lịch xuyên Á. Hành lang này còn gắn kết với khu vực Tây Nguyên theo trục 14B để liên kết phát triển hàng hóa du lịch giữa khu vực duyên hải miền Trung với khu vực cao nguyên của Việt Nam.
Dọc theo hành lang của đường Hồ Chí Minh và đường Đông Trường Sơn, đây là hành lang có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng, nhất là về phát triển kinh tế rừng, thuỷ điện, khai thác khoáng sản. Tỉnh Quảng Nam sẽ tập trung khai thác, phát huy các giá trị văn hoá của đồng bào các dân tộc ở khu vực này.
Trong Quy hoạch tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tất cả không gian phát triển đã được thể hiện rất rõ. Ngoài ra, các trung tâm phát triển của tỉnh Quảng Nam đã được Chính phủ khẳng định trong Đồ án quy hoạch lần này. Đó là Trung tâm công nghiệp phụ trợ, công nghiệp cơ khí cấp quốc gia đặt tại Chu Lai, Trung tâm chế biến công nghiệp dược liệu tự nhiên, Trung tâm về chế biến sâu các sản phẩm silica từ cát trắng. Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam sẽ xây dựng một ngành công nghiệp có tầm cạnh tranh quốc tế, đó là Trung tâm công nghiệp, dịch vụ hàng không tại sân bay Chu Lai. Ngoài ra, cảng biển Quảng Nam đã được xác định là cảng biển loại 1. Nơi đây sẽ hình thành một trung tâm logistics container khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Phóng viên: Trong Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ hướng đến sự phân bố theo cụm động lực. Vì sao tỉnh Quảng Nam lại hướng đến sự phân bố này trong giai đoạn sắp đến và liệu cách làm này có giúp tỉnh khai thác hết các lợi thế sẵn có không thưa ông?
Ông Lê Trí Thanh: Tỉnh Quảng Nam xác định, các cụm động lực có ý nghĩa rất quan trọng, trên cơ sở đánh giá hiện trạng, tiềm năng, các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật và các yếu tố tự nhiên khác. Việc xác định cụm động lực là căn cứ để phân bổ nguồn lực hợp lý, tập trung ưu tiên đầu tư cho giai đoạn từ nay đến năm 2030. Khi tỉnh Quảng Nam đã xác định được 2 cụm động lực ở khu vực phía Bắc và phía Nam thì trong thời gian tới, ít nhất là đến năm 2030, tỉnh Quảng Nam sẽ tập trung các nguồn lực để đầu tư ở 2 cụm động lực này. Phân bố theo cụm động lực vừa phát huy vai trò, vị trí của các cụm động lực này nhưng cũng là cơ sở, là tiền đề tạo sự lan tỏa, hỗ trợ cho các địa phương trong khu vực cùng phát triển.
Tôi tin chắc rằng, với chức năng, tiềm năng vốn có, 2 cụm động lực phía Bắc và phía Nam tỉnh Quảng Nam có lợi thế phát triển rất mạnh trong thời gian sắp tới và sẽ đóng góp rất lớn cho tỉnh Quảng Nam trên tất cả các hình ảnh lĩnh vực.
Phóng viên: Thưa ông, một trong những mục tiêu quan trọng được nêu trong Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 là hướng đến phát triển xanh và bền vững. Vậy tỉnh Quảng Nam có những giải pháp trọng tâm nào để thực hiện mục tiêu này?
Ông Lê Trí Thanh: Tỉnh Quảng Nam xác định ưu tiên phát triển theo hướng tăng trưởng xanh từ rất lâu. Cách đây 15 năm, tỉnh Quảng Nam luôn quan tâm, đặt vấn đề từ công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng các công trình, rồi thu hút các nhà đầu tư đến với Quảng Nam… đều phải đặc biệt chú trọng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Tất cả đều dựa trên nguyên tắc, phát triển kinh tế, đem lại nguồn thu cho ngân sách, giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nhưng phải giữ được môi trường sinh thái, bảo vệ môi trường tự nhiên, phục hồi và phát triển đa dạng sinh học.
Tỉnh Quảng Nam đã quyết liệt xử lý, chấn chỉnh tình trạng hủy hoại rừng. Những năm trước, tỉnh Quảng Nam là một trong những địa phương liên tiếp xảy ra tình trạng phá rừng. Từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã có những giải pháp rất quyết liệt, từ đó có được sự thay đổi rất tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Hệ sinh thái rừng và các loài động thực vật hiện nay đang phục hồi và phát triển rất tốt.
Chúng tôi cũng nghiên cứu, đánh giá quá trình phục hồi các dòng sông tại tỉnh Quảng Nam, các khu vực có nguy cơ chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, làm suy giảm tính đa dạng sinh học, gây sạt lở bờ sông, bờ biển, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của các đô thị ven sông, ven biển. Tỉnh Quảng Nam đã đưa tất cả các nội dung đó vào trong quy hoạch, đây là nền tảng quan trọng để phát triển bền vững, thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu.
Tỉnh cũng có kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình để phục hồi lại các khu vực bị hư hỏng, sạt lở. Ví dụ như khu vực bờ biển Cửa Đại, khu vực ven sông Thu Bồn, sông Vu Gia… Tỉnh Quảng Nam đã xây dựng các giải pháp để nạo vét các dòng sông, như sông Cổ Cò, sông Trường Giang. Đây là con sông huyết mạch, giữ nhiều vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của tỉnh Quảng Nam.
Tỉnh Quảng Nam sẽ tập trung quyết liệt đối với công tác triệt phá các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép, nhất là khai thác vàng để đảm bảo đem lại sự trong xanh cho các dòng sông.
Phóng viên: Thưa ông, Quy hoạch tỉnh Quảng Nam sau khi được công bố sẽ mang theo nhiều kỳ vọng, tạo nền tảng quan trọng để đưa tỉnh Quảng Nam bước vào một giai đoạn phát triển mới. Tuy nhiên, sẽ còn không ít thách thức khi kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Tỉnh Quảng Nam sẽ có những giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời đẩy mạnh thu hút đầu tư, thưa ông?
Ông Lê Trí Thanh: Hiện nay những khó khăn của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã được nhận diện. UBND tỉnh Quảng Nam đã làm việc với các ngành, địa phương và lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn mà các doanh nghiệp đang đối mặt. Trong quá trình tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, có những nội dung thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh, nhưng có những nội dung phải báo cáo Trung ương. Tuỳ theo thẩm quyền chúng tôi sẽ giải quyết một cách phù hợp nhất để làm sao sớm gỡ khó cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Phát triển kinh tế có những lúc thuận lợi và cũng có những lúc khó khăn. Đây là giai đoạn mà cộng đồng doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. Không riêng doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Nam mà các doanh nghiệp ở nhiều địa phương khác trên cả nước cũng đang gặp khó bởi những yếu tố tác động từ bên ngoài, từ tình hình quốc tế, tình hình trong nước và tình hình cụ thể tại địa phương. Những khó khăn này thì tôi tin chắc rằng sẽ sớm được giải quyết. Với một Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 sắp được công bố, cùng với sự nỗ lực và quyết tâm mới, một tầm nhìn mới thì chắc chắn rằng sẽ giúp tháo gỡ những khó khăn, đồng thời sẽ mở ra những cái cơ hội phát triển mới cho cộng đồng doanh nghiệp đang hoạt động tại tỉnh Quảng Nam và các doanh nghiệp sắp đầu tư vào tỉnh Quảng Nam”.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông.