Sạt lở ở ĐBSCL: Biển bạc hung hãn “cạp” rừng vàng
VOV.VN -Sạt lở đê biển đã làm sinh kế của nhiều hộ dân sống ở ven biển, bãi bồi bị ảnh hưởng, các công trình, tài sản của người dân bị cuốn trôi.
ĐBSCL đang bước vào mùa mưa bão, đây cũng là thời điểm xảy ra sạt lở ven biển, đê biển cao điểm nhất trong năm.
Những năm gần đây, tình hình sạt lở ven sông, đê biển, bãi biển ở các tỉnh ĐBSCL diễn biến phức tạp với tốc độ ngày càng nhanh, mức độ ngày càng rộng, nghiêm trọng hơn.
Nếu năm 2016, toàn vùng chỉ có khoảng 600 vụ sạt lở lớn nhỏ thì đến năm 2017 và những tháng đầu năm nay con số này đã gần 700 vụ.
Sóng đánh sụp đổ nhiều đoạn kè đê biển ở Gành Hào, Bạc Liêu.
|
Gia đình chị Nguyễn Thị Xuất (ở ấp Thời Hưng, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời), nơi được coi là cái “rốn” sạt lở trên tuyến đê biển Tây của Cà Mau cho biết, năm 1992 gia đình chị về đây định cư và mua vuông để nuôi tôm.
Hồi đó, dãy rừng còn tít mù xa, chưa tính phần rừng phòng hộ bên ngoài thì phần đất nuôi tôm phía trong của gia đình chị đã dài hơn 200m.
Chính mảnh vuông dưới tán rừng là trụ đỡ đưa kinh tế gia đình chị Xuất vượt qua nghèo khó.
Tuy nhiên, đến khoảng năm 2005 khi tình hình sạt lở ven biển bắt đầu nghiêm trọng, “biển bạc” lần hồi nuốt hết “rừng vàng” phòng hộ ven biển thì cũng là lúc gia đình chị lâm vào hoàn cảnh khó khăn trong việc nuôi tôm.
Không chỉ có gia đình chị Xuất mà sạt lở ven biển đã lấy đi đất vuông tôm của hơn 100 hộ dân khác ở xã Khánh Bình Tây.
Sạt lở rừng phòng hộ ven biển ở Gò Công Đông, Tiền Giang. |
Chị Nguyễn Thị Xuất chia sẻ: "Tôm bắt đầu vô, nước dâng lên thì đắp bờ. Khi trời chuyển đám mây là hai vợ chồng ra ngoài cầm cao su hứng sóng. Nó tạt lên rồi tạt xuống. Cuối cùng, có cơn dông tới, đưa nước dâng lên lấy mất hết bờ. Tới sáng, 2 vợ chồng lại đi đắp lại bờ, chồng đào đất, vợ khiêng be, cứ đắp rồi lại vỡ, dần thành nản, nên bỏ luôn".
Trong khi đó, tại tỉnh Kiên Giang, địa phương nằm bên bờ biển Tây, mỗi năm tỉnh cũng phải chịu thiệt hại nặng nề vì sạt lở ven biển, đê biển với tổng chiều dài bờ biển bị sạt lở khoảng 72 km.
Diện tích bãi bồi ven biển bị sạt lở trong 10 năm qua khoảng 500 ha, chiều rộng bị sạt lở, mất đi đai rừng ven biển từ 600m-300m, trong đó một số khu vực ven biển như các huyện: An Minh, An Biên, Hòn Đất… tốc độ sạt lở có nơi mất đến 20m rừng phòng hộ mỗi năm. Nhiều đoạn bờ biển ngày càng bị xói lở nghiêm trọng lấn sâu vào đất liền, đê biển.
Sạt lở bờ biển, đê biển kéo theo nhiều tài sản của người dân xuống biển. |
Hiện nay, khu vực sạt lở nghiêm trọng nhất là ở ấp Cây Gõ, xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh. Trước đây, người dân ở khu vực này chủ yếu sống nhờ vào rừng phòng hộ, nuôi thuỷ sản nhưng những năm gần đây, toàn bộ diện tích đất rừng phòng hộ đã bị sóng biển “xoá sổ”, người dân phải dạt đi tứ xứ làm ăn, sinh sống.
Bà Trần Thị Lắm (ở Tiểu Dừa, ấp Cây Gõ) cho biết, gia đình bà sống bằng nghề biển, nghề rừng. Cách đây vài chục năm, đất ven biển nơi bà sinh sống mọc đầy các loại cây như: mắm, bần, đước, thủy sản dưới tán rừng nhiều vô kể và có giá trị cao đã giúp kinh tế gia đình bà Lắm khá giả, cuộc sống ổn định nhưng hiện nay sóng đã đánh mất hết đất rừng của gia đình.
Sạt lở vào tận chân đê, cuốn trôi nhà dân ra biển ở xã Vân Khánh Tây. |
Theo nhận định của các chuyên gia, ở vùng bờ biển các tỉnh từ Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu đến tận mũi Cà Mau lượng đất bồi lấp ra biển chỉ chiếm 22% diện tích, trong khi có đến 48% khu vực bờ biển bị thoái lui do bờ biển bị lấn, thực trạng này đang ở mức báo động.
Là tỉnh ven biển ít chịu thiệt hại hơn so với Kiên Giang, Cà Mau nhưng diện tích rừng phòng hộ ven biển của Tiền Giang đang ngày càng mỏng dần vì sóng đánh gây sạt lở. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, gió chướng thổi mạnh, sự thay đổi dòng chảy đã làm cho vùng đất ven tuyến đê biển khu vực gần cửa sông thuộc xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông bị sạt lở nghiêm trọng. Triều cường dâng cao, uy hiếp mặt đê. Tại khu vực này có hơn 40 nhà dân ven biển đã bị sụp xuống dòng nước.
Ông Tô Văn Hòa, hộ dân có nhà sắp sụp xuống biển thuộc xã Tân Thành cho hay: "Sóng đánh gây sạt lở, bà con dùng bao cát để tấn, nếu không tấn thì sụp".
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn các tỉnh vùng ĐBSCL hiện có trên 560 điểm bờ sông, bờ biển bị sạt lở với tổng chiều dài 786 km. Trong đó có 49 điểm sạt lở bờ biển với tổng chiều dài 266 km.
Một số khu vực bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng như: Gò Công Đông (Tiền Giang), Bình Đại (Bến Tre), Vĩnh Châu (Sóc Trăng), Nhà Mát, Gành Hào (Bạc Liêu), khu vực cửa biển Vàm Xoáy, xã Đất Mũi, khu vực cửa Rạch Rốc, huyện Ngọc Hiển và bờ biển Tây (Cà Mau, Kiên Giang),…
Nhiều nơi sóng biển đã cuốn trôi cả rừng phòng hộ, “ăn” cả vào chân đê quốc phòng, uy hiếp nhà cửa của người dân. Biển bạc hung hãn "cạp" rừng vàng đã khiến nhiều hộ dân sống bằng nghề nuôi trồng thuỷ sản ở bãi bồi, ven biển, dưới tán rừng phòng hộ không còn đất để sản xuất, làm ăn, phải đi làm thuê làm mướn, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Thực tế cho thấy cùng với biến đổi khí hậu, thiên tai thì các tác động của con người như khai thác cát, sỏi ở lòng sông, ven biển quá mức cũng là những nguyên nhân khiến tình trạng sạt lở bờ sông, xói mòn bờ biển ngày càng phức tạp. Thực trạng này, không còn là vấn đề của riêng một địa phương nào, mà đang xảy ra trên toàn vùng ĐBSCL.
Chính vì vậy việc triển khai các giải pháp căn cơ để phòng, chống là vấn đề cấp bách./.