Sẽ dẹp bỏ các ấn phẩm phụ không đúng tôn chỉ, mục đích
VOV.VN -Đó là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn về định hướng phát triển truyền thông trong thời gian tới.
Năm 2015, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên tất cả lĩnh vực như báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, đảm bảo an toàn thông tin… Đồng thời hoàn thiện đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 trình Bộ Chính trị.
Phóng viên VOV phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn về định hướng phát triển truyền thông trong thời gian tới.
PV: Thưa ông, một trong những vấn đề đang được quan tâm của ngành thông tin truyền thông hiện nay là việc quy hoạch báo chí đến năm 2025. Ông có thể cho biết cụ thể nội dung của đề án này?
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Công tác quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 đã được Ban cán sự Đảng và Chính phủ trình bày trước Hội nghị Trung ương 10. Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tham mưu hoàn chỉnh lại để trình Bộ Chính trị trong thời gian tới. Đây là nội dung rất quan trọng mà Hội nghị Trung ương đang quan tâm định hướng để báo chí phát triển lành mạnh, đúng định hướng.
Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 nhấn mạnh việc phát triển đi đôi với đó là quản lý tốt. Nhiều người nghĩ đơn giản đề án chỉ là sắp xếp lại báo chí. Đúng là có sắp xếp lại báo chí nhưng sắp xếp trên cơ sở để báo chí phát triển mạnh và đúng định hướng hơn, thông tin đến người dân đầy đủ, chính xác hơn. Báo chí của chúng ta là báo chí cách mạng. Báo chí phải là cơ quan ngôn luận là diễn đàn của nhân dân, nêu được những vấn đề người dân quan tâm và đưa được chủ trương đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đến với người dân. Vì vậy, báo chí phải khách quan, trung thực và nhanh nhạy trong thông tin.
PV: Hiện nay, cả nước có trên 800 cơ quan báo chí. Theo đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025, thì việc sắp xếp lại sẽ thực hiện ra sao, thưa ông?
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Báo chí phát triển trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu như hiện nay thì phải bắt kịp được xu hướng đó. Vì thế cần xây dựng các cơ quan báo chí đa phương tiện. Hiện nay chúng ta đã có cơ quan báo chí đa phương tiện. Ví dụ như Đài Tiếng nói Việt Nam đã có đầy đủ 4 loại hình báo chí là báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử. Nhiều cơ quan báo chí khác cũng đã có từ 2-3 loại hình. Báo chí cần phát triển kịp với tiến trình phát triển của khoa học công nghệ.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sắp xếp lại theo hướng cái gì không cần, chúng ta bỏ. Vì hiện nay, có tình trạng là một cơ quan báo chí có 1 ấn phẩn chính nhưng lại có quá nhiều ấn phẩm phụ. Ấn phẩm phụ đó lại chia ra thành nhiều ấn phẩm nữa. Ấn phẩm chính đi đúng tôn chỉ, mục đích nhưng ấn phẩm phụ thì lại đi lệch tôn chỉ, mục đích. Nếu ấn phẩm phụ nào đi không đúng tôn chỉ, mục đích, không cần thiết nữa thì chúng ta phải dẹp.
Ngoài ra, nhiều cơ quan báo chí trùng, lặp nhau về nội dung. Cùng một thông tin, nhiều cơ quan báo chí lấy của đồng nghiệp để làm của mình một cách thái quá, vi phạm về bản quyền thì cũng phải xử lý. Có những địa phương, cơ quan lại quá nhiều cơ quan báo chí cho nên nội dung thông tin lại chệch định hướng, nội dung bị trùng lặp.
PV: Sự phát triển bùng nổ công nghệ thông tin đã tạo ra những loại hình truyền thông, loại hình tin tức mới. Vậy theo ông, những loại hình mới này tạo ra cơ hội và thách thức thế nào đối với báo chí hiện nay?
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Internet và mạng xã hội ngày càng phát triển. Đây là xu thế chung của thế giới. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Chúng ta có thể thấy internet và mạng xã hội tại Việt Nam đang phát triển rất mạnh. Đây là cơ hội để có thể tiếp cận thông tin một cách nhanh, nhạy và toàn diện nhất. Mọi người dân có thể nắm được thông tin trong chốc lát ngay sau khi sự kiện xảy ra ở một địa điểm rất xa, ngay cả ở trên thế giới cũng thế.
Với sự phát triển của internet và mạng xã hội, thế giới đã trở thành thế giới phẳng. Tuy nhiên, điều đó cũng đặt ra thách thức cho việc quản lý. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng ngành thông tin truyền thông đặt ra trong năm 2015. Quản lý như thế nào để thông tin độc hại không xâm nhập vào. Đối với những thông tin xấu, độc hại, chúng ta phải có các biện pháp như cung cấp thông tin chính xác hơn, thông tin phải đi trước… có thế mới ngăn được thông tin độc hại. Trong lĩnh vực thông tin, thông tin đi trước là thông tin có lợi hơn. Chính vì thế, các cơ quan báo chí phải chủ động đưa thông tin chính xác nhanh nhất cho toàn dân biết. Các cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng cũng phải chủ động cung cấp thông tin, nhất là những lĩnh vực liên quan sát sườn, thiết thực đến người dân càng cần phải chủ động thông tin để người dân hiểu rõ hơn.
P.V: Vâng, xin cảm ơn Thứ trưởng./.