Tái định cư thủy điện Lai Châu: Điểm sáng Mường Tè
VOV.VN -Những ngôi nhà khang trang đang dần mọc lên bên dòng suối Bum Nưa là hình ảnh đầu tiên xuất hiện trên cung đường vào thị trấn Mường Tè
Dựng nhà đón Tết
Khu tái định cư thị trấn Mường Tè là một trong 4 khu tái định cư thủy điện Lai Châu tại huyện Mường Tè. Những chuyến xe chở vật liệu vẫn tất bật ra vào, các gia đình cũng gấp rút hoàn thiện các công trình khi ngày Tết đang đến gần.
Năm nay, gia đình anh Chim Văn Phú sẽ đón xuân tại nơi ở mới, do vậy, ngoài nhân lực trong gia đình, anh còn nhờ người thân đến để thực hiện các công đoạn cuối của ngôi nhà gỗ trị giá cả trăm triệu đồng tại khu phố 11.
Trong thời gian chờ giao đất sản xuất, gia đình anh cũng mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ để có thêm thu nhập. Anh Phú cho biết, từ lúc chuyển về nơi ở mới, việc buôn bán cũng thuận lợi hơn.
Cách nhà anh Phú khoảng 200m, gia đình ông Lý Văn Thóc cũng đã dựng xong nhà và đang xây hệ thống công trình phụ. Ông cho biết, ngoài số tiền đền bù của Nhà nước, gia đình cũng có tích lũy nên quyết định xây ngôi nhà trị giá hơn 100 triệu đồng tại nơi định cư mới. Tuy chưa có đất sản xuất, nhưng ông làm thuê tại các công trình xây dựng cũng có thu nhập 150.000-160.000 đồng/ngày.
Ông Nguyễn Công Sơn, Giám đốc Ban quản lý dự án huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cho biết, huyện Mường Tè đã thực hiện di chuyển xong 869 hộ thuộc diện tái định cư mà huyện đảm nhận thực hiện di chuyển và hỗ trợ. Công tác đền bù đã đạt khoảng 90%. Cơ sở hạ tầng về giao thông dần được kiên cố hóa.
“Nơi ở cũ phần lớn giao thông rất khó khăn, việc ô tô đi tới từng nhà gần như không thể; nhiều nơi chưa có điện, nước sinh hoạt chỉ tạm, trường học xuống cấp. Tại nơi tái định cư, xe ô tô có thể lưu thông thuận tiện; cơ sở hạ tầng được đầu tư mới, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt và công tác của nhân dân”, ông Sơn cho biết.
Với địa hình của một huyện biên giới, đồi núi dốc, công tác lựa chọn mặt bằng để người dân tái định cư cũng như tạo quỹ đất sản xuất của huyện Mường Tè gặp nhiều khó khăn. Để làm tốt khâu trọng yếu này, huyện Mường Tè đã thực hiện lấy ý kiến của cộng đồng. “Khi chọn địa điểm chúng tôi bàn bạc với người có kinh nghiệm tại nơi được hưởng tái định cư cũng như chính quyền cấp xã, thôn nơi đi và nơi đến để thống nhất. Khi có quy hoạch chi tiết, trước khi phê duyệt cũng công bố để mọi thành phần trong xã hội tham gia ý kiến, đóng góp để triển khai cho hiệu quả. Trong quá trình thực hiện, những bất cập cũng được kiến nghị điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế”, ông Sơn chia sẻ.
Quá trình dựng nhà, đặc biệt là nhà sàn ở khu thị trấn, việc bà con tìm kiếm gỗ, vật liệu tương đối khó khăn, có hộ phải đi mua gỗ hoàn toàn nên mất thời gian. Tuy nhiên, cơ bản việc dựng nhà gỗ không mất quá nhiều thời gian, chỉ khoảng 1 tuần. Ông Nguyễn Công Sơn cho biết: “Riêng khu tái định cư thị trấn Mường Tè đã có 159 hộ đã dựng xong và đã nghiệm thu nhà, số còn lại đang xây dựng. Cùng với đó ban quản lý cũng tiến hành chi trả phần tiền hỗ trợ làm nhà còn lại. Tết này cơ bản bà con hoàn thành nhà đón Tết”.
Tạo quỹ đất, định hướng nghề
Theo ông Nguyễn Công Sơn, người dân thuộc diện phải di chuyển trước đây chỉ có khoảng 120m2-200m2 đất ở, có hộ rộng hơn nhưng số lượng không nhiều. Khi đến nơi ở mới, diện tích mỗi hộ nông nghiệp đạt 250m2 đến 400m2. “Ở thị trấn, do quỹ đất không được như điểm xã nên hộ nông nghiệp được 250m2-300m2, còn ở khu Nậm Củm do địa hình tương đối bằng phẳng nên chúng tôi tạo được cho mỗi hộ nông nghiệp trung bình 400m2; hộ phi nông nghiệp cấp xã từ 180m2, thị trấn đạt 115m2”, ông Sơn cho biết.
Về cơ sở hạ tầng, có thể nói nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ. Tuy nhiên, cũng như rất nhiều công trình phải thực hiện di dân tái định cư trên cả nước, điều mà cả chính quyền lẫn người dân lo lắng chính là ổn định cuộc sống người dân hậu tái định cư.
Ông Lý Văn Thóc bày tỏ, trong thời gian 36 tháng được Nhà nước hỗ trợ có thể tạm yên tâm, nhưng về lâu dài mọi người cần việc làm, nhất là lớp trẻ vì hiện tại chưa có đất sản xuất.
Cùng tâm trạng, ông Mạo Văn Thuân, một hộ dân mới chuyển đến khu 11 thị trấn Mường Tè chia sẻ: “Về đây phố xá hơn hẳn. Gia đình mới chỉ có đất ở 290m2, còn nơi ở cũ đất sản xuất không nhiều nhưng đủ để tăng gia sản xuất. Do đó rất mong chính quyền tạo quỹ đất hoặc hỗ trợ việc làm, hướng dẫn chuyển nghề cho bà con”.
Lo lắng của bà con cũng chính là điều trăn trở nhất của cấp ủy, chính quyền. Theo Ban quản lý dự án huyện Mường Tè, vùng ảnh hưởng đất sản xuất nhiều nhất thuộc khu tái định cư thị trấn, còn các khu khác cơ bản mất diện tích canh tác trong vùng ngập của thủy điện ít, không ảnh hưởng nhiều.
Ông Nguyễn Công Sơn cho biết, rút kinh nghiệm từ những công trình khác, huyện đã có phương án ổn định đời sống của bà con nơi tái định cư. Riêng ở thị trấn, cơ quan chức năng tiến hành làm thủy lợi, khai hoang trên 30ha, cải tạo cánh đồng trong Bum Nưa để thực hiện chia đất cho nông dân. Ở các khu tái định cư khác, Ban quản lý cũng đang tiến hành khai hoang thêm diện tích đất.
“Khi thực hiện đều tham khảo ý kiến của bà con xem khu này có khai hoang, canh tác được không thì mới làm. Ngoài ra, huyện cũng tính chuyển đổi nghề nghiệp cho một bộ phận người dân. Nhiều hộ đã đi làm công nhân cho các công trường xây dựng. Chúng tôi có trao đổi với các doanh nghiệp ưu tiên đối với đồng bào tái định cư, việc đào tạo nghề cũng hướng tới điều đó để ổn định cuộc sống cho người dân hậu tái định cư”, ông Sơn khẳng định./.