Tai nạn đường sắt gia tăng: Ai phải chịu trách nhiệm?
VOV.VN - Ai phải chịu trách nhiệm khi TNGT liên quan đến đường sắt gia tăng hay là vẫn cứ để theo kiểu “cha chung không ai khóc” như thời gian qua?
Trong 7 ngày nghỉ Tết Đinh Dậu vừa qua, cả nước đã xảy ra 8 vụ tai nạn giao thông trên đường sắt, làm 6 người thiệt mạng, 11 người bị thương. Đặc biệt, trong ngày 4/2, xảy ra liên tiếp 2 vụ tai nạn đường sắt ở Nam Định và Hưng Yên khiến dư luận hết sức lo lắng.
Hiện trường vụ TNGT tại đường ngang dân sinh Km 98+812 trên đường sắt Bắc - Nam thuộc địa bàn huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, tàu TN1 va vào 1 ôtô 16 chỗ ngồi làm 1 người tử vong , 5 người bị thương nặng ngày mùng 4/2 vừa qua.
Cụ thể, hồi 15h20, tại đường ngang dân sinh Km 98+812 trên đường sắt Bắc - Nam thuộc địa bàn huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, tàu TN1 va vào 1 ôtô 16 chỗ ngồi làm 1 người tử vong (lái xe), 5 người bị thương nặng. Ngay sau đó, hồi 16h05, tại đường ngang Km 21+500 trên đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, thuộc địa bàn Lạc Đạo, Văn Lâm, Hưng Yên, tàu LP5 va vào xe ôtô 4 chỗ ngồi vượt đường ngang dân sinh làm 3 người bị thương. Trước đó, ngày 1/2, tại Đồng Nai cũng xảy ra 1 vụ tai nạn đường sắt làm 2 người tử vong và 7 người bị thương.
Tai nạn đường sắt trong dịp Tết vừa qua đều xảy ra ở các đường ngang, kể cả đường có rào chắn, có cảnh giới hoặc không có… Nguyên nhân các vụ tai nạn này được xác định là do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông qua đường ngang, lối đi dân sinh phớt lờ cảnh báo, cảnh giới hoặc họ biết tàu đang đi đến nhưng vẫn cố tình vượt qua mà không lường hết hậu quả.
Do thiếu kinh phí
Theo Tổng công ty đường sắt Việt Nam (VNR), cả nước hiện có trên 5.800 đường ngang, lối đi dân sinh và chỉ gần 1.500 đường ngang có người gác, có cảnh báo, biển báo, số còn lại luôn thường trực nguy cơ tai nạn. Trung bình 1km đường sắt có 1,85 đường ngang giao cắt.
Tuy nhiên để xóa bỏ những đường ngang “tử thần” nhưng việc thực hiện không đơn giản bởi đòi hỏi kinh phí lớn.
Tính toán của ngành đường sắt cho thấy, để duy trì một điểm gác chắn đường ngang với 5 người, ít nhất phải chi 600 triệu đồng tiền lương mỗi năm. Đó là chưa kể chi phí lắp đặt của trên 600 bộ cần, barie gác chắn tự động theo kế hoạch đang bị vướng về kinh phí ngân sách chưa thể triển khai.
Liên tiếp xảy ra các vụ TNGT giữa đường sắt với đường bộ tại các đường ngang dân sinh. |
“Các điểm giao cắt, đường ngang muốn nâng cấp hiện đại lên thì phải đầu tư, nhưng trong điều kiện hạn hẹp hiện nay thì nguồn kinh phí này rất khó khăn, phải độc lập từ trước. Muốn có dự án nâng cấp đường ngang thì phải có nguồn vốn sự nghiệp kinh tế, cho nên trong thời gian qua tiến độ thực hiện còn chậm do chúng ta chưa cân đối được nguồn kinh phí ngân sách nhà nước”, ông Đoàn Duy Hoạch – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho biết.
Còn theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, vốn cho duy tu đường sắt hàng năm dao động từ 1.700-2.000 tỷ đồng từ nguồn sự nghiệp nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu. Quy mô đầu tư nhỏ, đan xen, không có tác dụng làm thay đổi đồng bộ kết cấu hạ tầng của đường sắt Việt Nam.
Phải xác định rõ trách nhiệm
Trong khi đó, theo Ủy ban ATGT Quốc gia, với hàng nghìn đường ngang, lối đi dân sinh qua đường sắt là thách thức lớn trong việc đảm bảo an toàn. Bởi nguồn lực tài chính không thể đủ để làm rào chắn hay lắp thiết bị, phân công người cảnh giới…
Tuy nhiên, theo luật hiện hành, trách nhiệm chính về mặt đầu tư, đảm bảo an toàn hành lang đường sắt, đường gom, đường ngang… thuộc ngành đường sắt. Ngoài ra, chính quyền địa phương nơi có đường sắt đi qua có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với ngành đường sắt để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, do thiếu nguồn lực tài chính nên nhiều nơi công tác này vẫn bị bỏ ngỏ.
“Thực ra vấn đề mất an toàn giao thông ở địa phương thuộc thẩm quyền địa phương, thế nhưng trong Luật đường sắt hiện nay chưa quy định, cho nên trong Luật đường sắt sửa đổi tới đây phải xác định rõ trách nhiệm và đồng thời cũng phải có nguồn lực, có quy định về nguồn lực để chính quyền địa phương vào cuộc có hiệu quả. Như vừa rồi, có những địa phương chủ động làm 1 số đường gom để xóa lối đi dân sinh rất hiệu quả nhưng làm xong thì Trung ương không có tiền để trả”, ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết.
Hiện trường vụ tàu hỏa đâm vào ô tô 5 chỗ lúc 5h30 sáng ngày 24/10/2016 trên địa bàn thôn Văn Giáp, xã Văn Bình huyện Thường Tín, thành phố Hà khiến ít nhất 4 người tử vong tại chỗ, 3 người bị thương nặng được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức. |
Ngay sau các vụ tai nạn đường sắt liên tiếp xảy ra trong dịp Tết, Phó Thủ tướng Thường trực chính phủ Trương Hòa Bình kiêm Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã có công điện khẩn yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo Cục Đường sắt và VNR phối hợp với cơ quan chức năng của các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua đề xuất phương án bảo đảm an toàn tại đường ngang trên toàn tuyến, bao gồm cả việc xây dựng đường gom, lập chắn đường ngang để xóa bỏ toàn bộ lối đi dân sinh hiện hữu, xác định trách nhiệm cụ thể của đơn vị, địa phương.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các, tỉnh thành phố phải phân rõ trách nhiệm của mình trong việc để xảy ra phát sinh đường ngang dân sinh trái phép, đồng thời phải có kế hoạch cụ thể việc xóa bỏ các đường ngang dân sinh trái phép qua đường sắt, không thể xem đây chỉ là việc của ngành Đường sắt. Nếu địa phương nào để xảy ra vi phạm, Chính phủ sẽ xử lý người đứng đầu./.
Ám ảnh những vụ tai nạn giao thông thảm khốc năm 2016