Tạm hoãn cưỡng chế thu hồi đất dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây
VOV.VN - UBND quận Thanh Xuân ban hành văn bản về việc thay đổi thời gian tổ chức thực hiện kế hoạch cưỡng chế thu hồi đất giải phóng mặt bằng phục vụ dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử gò Đống Thây thời gian cụ thể sẽ được thông báo sau.
Tại buổi họp rà soát tiến độ công tác giải phóng mặt bằng dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân kết luận, chỉ đạo tạm hoãn tổ chức thực hiện việc cưỡng chế.
Đại diện quận Thanh Xuân cho biết, sẽ tạm hoãn cưỡng chế thu hồi đất của 58 hộ dân tại Gò Đống Thây đến khi có lịch cưỡng chế mới. Thời gian sẽ được thông báo cụ thể.
Việc tạm hoãn cưỡng chế liên quan đến việc hiện người dân đang có nhiều ý kiến, kiến nghị về việc đất sử dụng từ những năm 70-80. Sau khi người dân làm việc với lãnh đạo quận Thanh Xuân, lãnh đạo quận muốn người dân cung cấp hồ sơ liên quan đến sử dụng đất, thời điểm xây dựng công trình trước ngày 28/3 để các đơn vị chức năng rà soát lại để đánh giá tất cả các hồ sơ.
Trước đó, UBND quận Thanh Xuân ban hành Kế hoạch số 84 về tổ chức cưỡng chế thu hồi đất giải phóng mặt bằng thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây tại phường Thanh Xuân Trung.
Kế hoạch nhằm tổ chức hiện cưỡng chế thu hồi đất GPMB và bàn giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận để thực hiện dự án theo quy định. Đối tượng cưỡng chế: 58 hộ gia đình, cá nhân không đồng thuận nhận tiền và bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây. Thời gian cưỡng chế bắt đầu từ ngày 25/3/2024 đến hết ngày 27/3/2024.
Khu Gò Đống Thây là dấu tích lịch sử chống quân Minh thế kỷ XV được Bộ Văn hóa- Thông tin thể thao và Du lịch công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Trong những trận đánh nhằm bao vây, giải phóng thành Đông Quan (Hà Nội ngày nay) thì hai trận mở màn thắng lợi tại cầu Nhân Mục (cuối năm 1426) đã tiêu diệt được lực lượng lớn quân Minh đóng tại đây. Sau hai trận đánh oanh liệt kể trên, nhân dân địa phương đã lưu truyền đến ngày nay là “Gò Thất Tinh”, “Khu mả Thất Tinh” và dần trở thành cái tên thông dụng như ngày nay: “Gò Đống Thây” - ý nói thây giặc chất nhiều thành đống, thành gò.